Nỗi buồn của giấc ngủ "ướt sũng"
Một bà mẹ dí tay vào đầu đứa con trai 7 tuổi: “Xấu hổ chưa, từng tuổi này rồi mà còn đái dầm, không khéo cứ vậy suốt đời”. Đứa bé chỉ biết cúi gằm mặt, lâu lâu mẹ phán thêm một câu, đứa bé lẳng lặng bỏ ra ngoài.
Đó là câu chuyện được thấy tại một buổi nói chuyện chuyên đề “Đái dầm và các dị tật tiết niệu - sinh dục trẻ em” do Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM tổ chức.
PGS.TS.BS Lê Tấn Sơn - trưởng bộ môn ngoại nhi ĐH Y dược TP.HCM, trưởng khoa niệu Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM - cho biết tiểu dầm không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến tâm lý người mắc.
Con trẻ khỏe mạnh, vui vẻ là mong ước của hầu hết cha mẹ (ảnh minh họa) - Ảnh: Quân Nam
Không chỉ là bệnh lý
Theo BS Lê Tấn Sơn, bệnh lý tiểu dầm là hiện tượng thoát nước tiểu không theo ý muốn của trẻ, do trẻ không cảm giác được mình đang mắc tiểu trong lúc ngủ, chứ không phải do trẻ ngủ mê hay lười biếng không dậy đi tiểu. Ngoài ra, ở trẻ tiểu dầm, lượng nước tiểu thải ra ban đêm nhiều hơn trẻ không mắc bệnh. Bên cạnh đó, vấn đề tâm lý khiến trẻ cũng dễ rơi vào căn bệnh này như mẹ sắp có em bé, trẻ thay đổi môi trường sống, bị la rầy...
Trường hợp em T.H., 10 tuổi, mắc chứng tiểu dầm do rối loạn lo âu chia ly. Khi em 2 tuổi thì mẹ có em bé thứ hai. Mọi tâm trí mẹ đều dành cho em nhỏ vì em mắc chứng khiếm khuyết não từ khi mới sinh. Bị bỏ rơi, cộng thêm mẹ bị rối loạn lo âu nên khi T.H. bị tiểu dầm, mẹ nhiều lần la mắng em khiến tình trạng tiểu dầm của em ngày càng nặng. Hay một bà mẹ có đứa con mới 6 tuổi luôn nói với con: “Xấu hổ chưa kìa, ngần tuổi này rồi mà còn đái dầm”. Có khi còn gí tay vào đầu con cáu gắt: “Lớn từng tuổi này chỉ mỗi việc đi tiểu cũng không tự lo được thì sau này làm được gì nữa”.
Kiên trì điều trị
Bệnh có thể chữa khỏi nếu kiên trì uống thuốc trong vòng 4-9 tháng tùy theo đáp ứng với điều trị (hiệu quả khoảng 75%). Nếu uống thuốc không đều đặn, bệnh có thể tái phát và phải điều trị lại từ đầu. BS Sơn đặc biệt nhấn mạnh cha mẹ cần hiểu rằng đây là căn bệnh thật sự, tuy không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Trẻ tiểu dầm cần sự quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ từ bố mẹ như hạn chế lượng nước uống vào ban đêm, chịu khó đánh thức con dậy đi tiểu vào ban đêm. Tập dần bằng cách đặt đồng hồ reo đúng giờ cháu sẽ dậy đi tiểu.
Nguyên tắc chữa tiểu đêm là phải hạn chế nước uống cho bé mặc dù bé có cảm giác khát nhiều. Người lớn cần 2 lít nước mỗi ngày (trong đó đã có canh, sinh tố, giải khát...) nhưng trẻ em cần ít hơn, nhất là với trẻ đang mắc bệnh. Phụ huynh cần chia lượng nước theo tỉ lệ sau: sáng 40%, chiều 40% và tối 20%. Ban đêm cần hạn chế cho trẻ uống các loại nước ngọt có gas, thức uống chứa cafein, các loại nước mát (thảo dược, nước sâm...) để tránh kích thích tăng lượng nước tiểu. Chỉ cho trẻ uống một lần sau bữa ăn tối, đi tiểu trước khi ngủ.
Nguyên tắc nữa trong điều trị là cần khen thưởng những lúc trẻ không tiểu dầm; không chọc ghẹo, chế giễu trẻ.
Sống cùng bệnh cả đời
Trẻ dưới 5 tuổi đái dầm được coi là chứng tiểu dầm bình thường. (Ảnh minh họa)
BS Sơn chia sẻ có một bà mẹ đưa con gái 13 tuổi đến khám và bà chia sẻ rằng chính bản thân bà cũng đau khổ với căn bệnh đã theo bà mấy chục năm qua, khiến bà phải xấu hổ với chồng và mọi người xung quanh, nên rất mong có thể chữa bệnh cho con sớm. Nhưng 13 tuổi đã là muộn với bệnh lý này. Trẻ nên được đi khám nếu tình trạng tiểu dầm kéo dài cho đến lúc trẻ 5 tuổi trở lên (lứa tuổi đã kiểm soát được hành vi tiểu tiện của mình). Trẻ dưới 5 tuổi vẫn có thể coi là chứng tiểu dầm bình thường.
Theo thống kê của Mỹ, tiểu dầm thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi chiếm khoảng 20% (có 1/5 trẻ bị cả ban ngày lẫn ban đêm). Tỉ lệ này giảm dần, 10 tuổi tỉ lệ này còn 10% và đến 15 tuổi trở lên còn lại 2%. Vì thế, có người đến nay đã 28 tuổi, có vợ và hai con nhưng vẫn bị chứng tiểu dầm này.
Có bệnh nhân 48 tuổi, đang định cư ở Mỹ vẫn sống với căn bệnh này bằng với số tuổi của ông. Thế nhưng họ vẫn sống rất tốt, thành đạt trong công việc vì được người thân hết mực cảm thông và chia sẻ.