Nín tiểu, ít uống nước dễ mắc sỏi túi mật
Thống kê ở những bệnh nhân bị sỏi túi mật ở Việt Nam cho thấy, nông dân có tỷ lệ mắc sỏi túi mật cao hơn rất nhiều so với các nhóm đối tượng khác, so với thống kê ở các quốc gia khác. Nguyên nhân chủ yếu là do thói quen sinh hoạt.
Họa không từ trên trời xuống
Đáng nói hơn nữa là số bệnh nhân còn trẻ, số phụ nữ, nghĩa là nhóm đối tượng trước đây ít bệnh, đang tăng rất nhanh, nếu so với kết quả thống kê của thập niên trước đây! Đáng lo không kém là tỷ lệ biến chứng, điển hình là cơn đau do sỏi gây ứ tắc đường dẫn mật khiến bệnh nhân phải vào phòng cấp cứu đã từ lâu vượt xa mức báo động. Đáng tiếc vì với phương tiện kỹ thuật hiện nay việc phát hiện sỏi túi mật là chuyện tương đối đơn giản, nhưng hậu quả của sỏi túi mật vẫn còn là vấn đề nghiêm trọng, nhất là với nông dân vùng sâu, vùng xa, nơi các chương trình khám sức khỏe định kỳ là chuyện ngoài tầm tay!
Ảnh minh họa
Nếu tưởng họa trên trời rơi xuống thì sai. Tạp chất trong dòng mật muốn kết tủa thành sỏi cần một số điều kiện thuận lợi.
Xét về thói quen sinh hoạt thì hầu hết nạn nhân có chung vài điểm tương đồng, mà phần nhiều đều thấy ở thói quen sinh hoạt của nông dân. Đó là: Uống không đủ lượng nước trong ngày, cụ thể là tối thiểu 2,5lít, nhất là khi đổ mồ hôi dưới trời nắng gắt, lại thêm thói quen chỉ uống trà mà không uống nước lọc. Tệ hơn nữa là thói quen chỉ uống nước ngày vài lần, chỉ uống khi khát, cho dù mỗi lần với lượng lớn, thay vì chia đều với lượng vừa phải. Bệnh nhân cũng hay có thói quen nín tiểu khiến tạp chất có thừa cơ hội quện vào nhau thành viên sỏi.
Nhiều thói quen không ngờ gây bệnh
Ngoài ra, bệnh cũng có thể đến từ việc: Quá vui miệng với các loại rau chứa nhiều oxalate như rau dền, rau muống, bạc hà…; Không quen dùng trà dược thảo có công năng lợi mật, như râu mèo, râu bắp, atixô... để gia tăng tiến độ đào thải mật ra khỏi gan và túi mật. Người ít khi ăn chay cũng có nguy cơ bị sỏi túi mật: Theo kết quả của nhiều công trình nghiên cứu, chất đạm lecithin trong đậu nành có khả năng phá vỡ cấu trúc của sỏi để viên sỏi thành sạn cát rồi theo dòng nước tiểu trở về với thiên nhiên. Không chỉ người đã mang sỏi túi mật, ngay cả người chưa bệnh cũng nên có chế độ dinh dưỡng ít nhiều theo kiểu “ăn chay” cho thường với đậu hũ, sữa đậu nành không đường... Không cần mỗi ngày nhưng nếu được từng đợt nhiều ngày trong tháng càng hay.
Nhiều người cũng không ngờ việc lạm dụng thuốc sủi bọt như thuốc đa sinh tố, thuốc cảm… là đòn bẩy cho phản ứng kết tủa tạp chất trong túi mật hoặc đã phát hiện bệnh gan, đã phát hiện tăng mỡ máu nhưng không điều trị đến nơi đến chốn.
Với các nạn nhân là nam giới thì thường là quá mạnh miệng với rượu bia, thịt mỡ nên mật quá tải với các phế phẩm có tính acid, trong số đó điển hình là acid uric - chất sinh bệnh gút.
Có tối thiểu 3 điều chắc chắn khi bàn về sỏi túi mật, đó là:
Nước chảy đến đá cũng mòn. Không pha loãng tất nhiên sớm muộn phải trả giá vì hậu quả của chuyện tích lũy phế phẩm.
Nếu không thay đổi được một số tật xấu trong chế độ dinh dưỡng, chẳng hạn nhậu rượu, uống bia, kể cả rượu thuốc, nhiều hơn uống nước, ăn thịt nhiều hơn dùng rau, thì thầy thuốc có giỏi như Hoa Đà cũng đành bó tay!
Viên sỏi một khi đã thành hình không bao giờ chịu giậm chân tại chỗ cho vui lòng gia chủ! Sỏi sớm muộn cũng tăng dần kích thước khiến dòng mật đến lúc nào đó tắc nghẽn. Viêm gan, vàng da khi đó không mời cũng đến. Cách điều trị sỏi túi mật tốt nhất là làm sao để đừng có sỏi. Biện pháp tầm soát sỏi với siêu âm là chuyện tuy không ai ưa nhưng phải làm.
Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới, không dưới 2/3 trường hợp bệnh hoạn là hậu quả của sai lầm trong nếp sinh hoạt thì sỏi mật là một dẫn chứng điển hình. Không lửa khó có khói. Bệnh đáng lý đã không xảy ra nếu nạn nhân đừng chính là… thủ phạm! |