Những virus "sổng chuồng" nguy hiểm nhất thế giới

Sự kiện: Sống khỏe

Virus SARS-CoV-1, cúm gia cầm H1N1, đậu mùa… là những virus nguy hiểm từng rò rỉ khỏi phòng thí nghiệm, trong khi các nhà khoa học đang kêu gọi điều tra kỹ hơn về nguồn gốc SARS-CoV-2, báo Ý The Print đưa tin ngày 31/5.

Nhân viên bảo vệ đứng gác bên ngoài Viện Virus học Vũ Hán (Trung Quốc)Nguồn: South China Morning Post

Nhân viên bảo vệ đứng gác bên ngoài Viện Virus học Vũ Hán (Trung Quốc)Nguồn: South China Morning Post

Mới đây, ông Chris Said, nhà khoa học dữ liệu, thành viên Hạ viện Malta, đăng trên Twitter danh sách virus vô tình thoát ra từ các phòng thí nghiệm từ trước tới nay. Theo ông, SARS-CoV-1, virus gây đợt bùng phát Hội chứng suy hô hấp cấp nặng (SARS) ở 29 nước trên thế giới năm 2003, từng rò rỉ khỏi một số phòng thí nghiệm châu Á.

Lần đầu tiên SARS-1 “sổng chuồng” là vào tháng 8/2003 tại Đại học Quốc gia Singapore. Lần thứ hai xảy ra vào tháng 12/2003 ở Đài Loan (Trung Quốc). Kết quả điều tra cho thấy, một nhà khoa học nghiên cứu về SARS ở Đài Loan đã xử lý chất thải sinh học rò rỉ mà không đeo găng tay, khẩu trang hoặc áo choàng. Tháng 4/2004, SARS-1 thoát khỏi Viện Virus học quốc gia của Trung Quốc.

Virus cúm gia cầm H1N1 lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới vào năm 1918, gây ra một đại dịch toàn cầu. Năm 1977, virus này “tái xuất giang hồ” và nhiều người cho rằng đó là kết quả của sự rò rỉ từ một phòng thí nghiệm. Phòng thí nghiệm đó được cho là đang tìm cách sản xuất vắc-xin sống giảm độc lực để đối phó nguy cơ đại dịch cúm toàn cầu.

Ông Martin Furmanski, nhà nghiên cứu công tác tại Nhóm công tác khoa học về vũ khí sinh học và hóa học (Mỹ), từng viết trong báo cáo năm 2014 rằng, giới chức không muốn công bố nguồn gốc phòng thí nghiệm của H1N1 vì lo ảnh hưởng tới hợp tác nghiên cứu virus giữa các nước.

“Các nhà virus học và quan chức y tế công cộng nhanh chóng nhận ra rằng, nguồn gốc khả dĩ nhất (của H1N1) là rò rỉ từ phòng thí nghiệm, nhưng họ nhất trí không công khai điều này”, ông Furmanski viết.

Bệnh lở mồm long móng xuất hiện ở Anh vào năm 2007, cách một phòng thí nghiệm có độ an toàn sinh học cấp 4 ở khu vực Pirbright khoảng 4km. Kết quả điều tra cho thấy, các xe phục vụ xây dựng đã chở bùn nhiễm virus gây bệnh từ một đường nước thải bị lỗi ở Pirbright, báo Ý The Print đưa tin ngày 31/5.

Virus đậu mùa rò rỉ từ hai phòng thí nghiệm đậu mùa uy tín ở Anh. Vụ thứ nhất xảy ra vào năm 1972 ở Trường Y học nhiệt đới và Vệ sinh London. Vụ thứ hai được ghi nhận năm 1978 ở Trường Y Birmingham.

Tiếp tục điều tra nguồn gốc COVID-19

Những ngày gần đây, dư luận thế giới lại nóng lên về nguồn gốc SARS-CoV-2, virus gây ra đại dịch toàn cầu COVID-19. Hôm 13/5, một nhóm nhà khoa học gồm 18 người đăng trên tạp chí Science (Khoa học) của Mỹ, kêu gọi điều tra kỹ lưỡng hơn về nguồn gốc SARS-CoV-2. Họ cho rằng, các giả thuyết về sự vô tình rò rỉ virus từ phòng thí nghiệm và sự lây truyền tự nhiên đều có thể xảy ra trong thực tế.

Trước đó, hồi tháng 3, một nhóm chuyên gia do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cử tới Trung Quốc kết luận rằng, giả thiết về rò rỉ phòng thí nghiệm “cực kỳ khó xảy ra” trên thực tế.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng, đánh giá của nhóm nghiên cứu về việc liệu SARS-CoV-2 có thể xuất hiện trong cộng đồng sau một sự cố phòng thí nghiệm hay không là “chưa đủ rộng” và yêu cầu điều tra thêm. Thậm chí chuyên gia y tế hàng đầu của Mỹ, TS Anthony Fauci, người từng phủ nhận giả thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm, giờ đây nói rằng, ông không tin virus phát triển một cách tự nhiên.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh cho cộng đồng tình báo Mỹ điều tra nguồn gốc COVID-19, sau khi kết quả giám sát mới cho thấy có khả năng đại dịch bùng phát sau khi SARS-CoV-2 rò rỉ khỏi phòng thí nghiệm ở Trung Quốc, báo Mỹ The Wall Street Journal đưa tin ngày 27/5. Nhà Trắng chịu áp lực tự điều tra sau khi Trung Quốc nói với WHO rằng, phần việc của nước này đối với cuộc điều tra đã được hoàn tất, nỗ lực truy vết nguồn gốc virus nên chuyển hướng sang các nước khác.

Tổng thống Biden muốn cộng đồng tình báo Mỹ trình ra báo cáo về nguồn gốc COVID-19 trong vòng 90 ngày. Ông nói rằng, tình báo Mỹ tập trung vào hai kịch bản, SARS-CoV-2 đến từ sự tiếp xúc giữa con người với một con vật nhiễm virus hoặc từ một sự cố phòng thí nghiệm.

Trước đó, một báo cáo tình báo của Mỹ viết rằng, ba nhà nghiên cứu tại Viện Virus học Vũ Hán của Trung Quốc bị ốm nặng vào tháng 11/2019 đến mức họ phải nhập viện. Tháng 12/2019, Trung Quốc báo cáo các ca mắc COVID-19 đầu tiên.

“Điều này đặt câu hỏi về tính đáng tin của tuyên bố của nhà nghiên cứu kỳ cựu Shi Zhengli của Viện Virus học Vũ Hán rằng, không có lây nhiễm SARS-CoV-2 hoặc virus liên quan SARS trong số nhân viên và học viên của Viện Virus học Vũ Hán”, báo Mỹ USA Today ngày 24/5 dẫn tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Tuy nhiên, báo cáo tình báo về 3 nhà nghiên cứu Trung Quốc ốm nặng mà The Wall Street Journal đề cập không phải là bằng chứng mang tính kết luận rằng, SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm và cộng đồng tình báo vẫn không biết chắc họ bị bệnh gì, CNN đưa tin.

Nguồn: [Link nguồn]

Hơn 60 năm trước đại dịch nào khởi phát ở Trung Quốc khiến hàng triệu người chết?

Tuy gây ra tỉ lệ tử vong thấp và thời gian tồn tại ngắn so với các đại dịch lớn trước đó, nhưng đại dịch này cũng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THÁI AN ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN