Những sai lầm thường gặp khi điều trị sùi mào gà

Bệnh sùi mào gà là một bệnh lây truyền qua đường tình dục khá thường gặp và ngày càng trở nên phổ biến.

THS.BSNT Nguyễn Mậu Tráng - Khoa Laser và săn sóc da, Bệnh viện Da liễu Trung ương, sùi mào gà là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục hay gặp ở nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới.

Bệnh do virus HPV (Human Papillomavirus – hay còn gọi là virus gây u nhú ở người) gây nên. Bệnh lây chủ yếu do quan hệ tình dục không an toàn. Tuy nhiên, virus này cũng có thể lây qua một số đường tiếp xúc gián tiếp không qua quan hệ tình dục.

Khi chẩn đoán bệnh sùi mào gà, bác sĩ sẽ dựa vào lâm sàng như: Các tổn thương dạng u nhú, màu hồng hoặc nâu nhạt, nổi trên bề mặt da, có tăng sinh mạch máu ở trung tâm, đôi khi tập trung thành đám lớn. Các xét nghiệm: Sinh thiết thương tổn để xem hình ảnh mô bệnh học, xác định ADN của HPV, định type để xác định các type HPV có nguy cơ thấp hay nguy cơ cao gây ung thư.

Có nhiều cách để điều trị bệnh sùi mào gà, có thể chia thành 2 nhóm chính: một số liên quan đến việc sử dụng thuốc và một số liên quan đến thủ thuật.

Ngay cả khi điều trị, sùi mào gà có thể quay trở lại (tái phát) trong vòng vài tuần hoặc vài tháng. Điều này là do một số tế bào ở da và niêm mạc bộ phận sinh dục trông bình thường có thể vẫn bị nhiễm vi-rút HPV (nhiễm virus mà chưa biểu hiện bệnh, chúng tôi thường ví dụ như “giao hạt mà chưa nảy mầm”). Hiện tại không có phương pháp điều trị nào có thể loại bỏ vĩnh viễn vi-rút HPV trong tất cả các tế bào bị nhiễm bệnh, nhưng hầu hết bệnh nhân sẽ loại bỏ vi-rút và sùi mào gà bằng hệ thống miễn dịch của chính họ trong vòng hai năm.

Phương pháp điều trị sùi mào gà "tốt nhất" tùy thuộc vào số lượng nốt sùi, vị trí của chúng, một số tình trạng sức khỏe (chẳng hạn như mang thai và các bệnh ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch) và  mong muốn của bệnh nhân (dựa trên khả năng chi trả, sự thuận tiện, khả năng chịu đau,...).

Theo THS.BSNT Nguyễn Mậu Tráng, dưới đây là những sai lầm thường gặp khi điều trị sùi mào gà

Không theo dõi điều trị

Bệnh sùi mào gà có thể tái phát trong vòng vài tuần đến vài tháng sau điều trị. Bệnh nhân cần tái khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ để phát hiện và điều trị sớm các tổn thương tái phát (nếu có).

Chế độ sinh hoạt không phù hợp

Việc đào thải virus HPV phụ thuộc chủ yếu vào hệ miễn dịch của cơ thể. Chế độ sinh hoạt không tốt có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, do đó bệnh dễ tái phát hơn. Những khuyến cáo quan trọng là: ngủ sớm và đủ giấc, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tránh căng thẳng, stress và tránh sử dụng rượu bia, chất kích thích

Nghĩ rằng sử dụng bao cao su có thể phòng lây nhiễm bệnh

Thực tế, bao cao su không thể dự phòng hoàn toàn việc lây nhiễm virus HPV, do nó chỉ bao bọc được phần quy đầu và thân dương vật. Do đó, khi đang điều trị sùi mào gà, bệnh nhân được khuyến cáo tránh quan hệ tình dục dể hạn chế lây nhiễm chéo.

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Không khám và điều trị cho bạn tình

Có thể dẫn đến tình trạng lây nhiễm chéo và không khỏi bệnh.

Điều trị tại các cơ sở không đảm bảo chuyên môn

Một số cơ sở không được đào tạo chuyên môn về chẩn đoán và điều trị bệnh sùi mào gà, có thể dẫn đến chẩn đoán không chính xác và điều trị không phù hợp. Thậm chí đã xuất hiện tình trạng lợi dụng tâm lý lo lắng của bệnh nhân để trục lợi.

Nếu bạn có triệu chứng nghi ngờ bệnh, hãy tới những cơ sở khám chữa bệnh uy tín (các bệnh viện chuyên khoa da liễu) để được thăm khám và điều trị một cách an toàn và hiệu quả nhất.

Nguồn: [Link nguồn]

Hôn người lạ trên bar, người đàn ông chết lặng khi nhận tin mắc sùi mào gà

Bệnh nhân cho biết chưa quan hệ tình dục, và rất lo lắng khi khối sùi ở niêm mạc miệng ngày càng phát triển, và không hiểu sao mình bị mắc bệnh này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TUẤN ANH ([Tên nguồn])
Sức khỏe tình dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN