Người đàn ông có hàm răng dính chặt 17 năm

17 năm chỉ uống và hút thực phẩm xay nhuyễn để duy trì sự sống, anh Đ.K.C (30 tuổi) đang chờ đợi đến ngày được ăn cơm như người bình thường.

Ngày 14/6, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Tạo hình- Hàm mặt, Bệnh viện (BV) Việt Nam – Cu Ba (Hà Nội) đã phẫu thuật thành công cho bệnh nhân Đ.K.C (30 tuổi, ở huyện Chương Mỹ - Hà Nội). Từ sau khi bị ngã do trèo cây vào năm 13 tuổi đến nay, anh C đã phải chung sống với 2 hàm răng khép chặt. Anh C không thể há miệng ăn uống như người bình thường.
 
Bệnh nhân C cho biết, sau cú ngã do trèo cây, hàm răng của anh khít dần và một thời gian sau đó, dù cố gắng thế nào cũng không thể mở được miệng. Phần cằm dưới của bệnh nhân không phát triển, sức khỏe yếu dần do không ăn được ăn uống bình thường mà chỉ có thể uống cháo loãng và các thực phẩm đã xay nhuyễn.
 
“Từng đấy năm uống cháo giờ tôi “ngán lên tận cổ”. Khi biết bệnh này chữa được, tôi chỉ mong từng ngày để được ăn những bữa cơm như mọi người trong gia đình” - anh C nói một cách khó khăn. 
 

Người đàn ông có hàm răng dính chặt 17 năm - 1

Bệnh nhân N.K.C trước phẫu thuật

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Thái, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình - Hàm mặt (BV Việt Nam - Cu Ba), bệnh nhân bị chứng khít hàm sau chấn thương. Phần khớp thái dương hàm để giúp há mở miệng bị dính chặt khiến bệnh nhân không thể há miệng.
 
Nguyên nhân là do sau tai nạn ngã, bệnh nhân bị gãy lồi cầu hai bên nhưng do không được xử lý ngay thời điểm đó khiến xương can xơ lại, bệnh nhân không há ngậm được miệng, dẫn đến tình trạng khít hàm.
 
Sau hơn 6 tiếng, kíp phẫu thuật đã tiến hành cắt toàn bộ 2 mỏm vẹt, tạo hình lại ổ khớp để bệnh nhân há, ngậm miệng, ăn nhai bình thường. 1 tiếng sau phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh và đã há miệng được 3,5 cm.
 

Người đàn ông có hàm răng dính chặt 17 năm - 2

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân

 Anh Đ.K.C là bệnh nhân thứ 2 bị chứng khít hàm sau chấn thương được BV phẫu thuật trong vòng hơn 3 tháng qua.
 
Trước đó, cuối tháng 3 vừa qua, một bệnh nhân nữ 46 tuổi ở Hà Nội bị khít hàm hơn 30 năm đã được phẫu thuật thành công và tạo hình bằng vật liệu tự thân. Bệnh nhân này hiện đã ăn uống, sinh hoạt bình thường và đã tăng được 4 kg so với trước mổ.
 
“Cả hai bệnh nhân này đều có một đặc điểm là sau tai nạn do không được điều trị đúng dẫn đến tình trạng phải chung sống với chứng khít hàm hàng chục năm và phải ăn thực phẩm loãng để duy trì sự sống”- bác sĩ Thái cho hay. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo N.Dung (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN