Nghiệt ngã những đứa trẻ làm mẹ

Trang năm nay vừa tròn 15 tuổi, miệng nhai trầu bỏm bẻm không thua gì các bà các chị. Rót nước mời chúng tôi uống, Trang dang tay bế đứa con 2 tuổi vào lòng nựng cho bé ngủ. Nhìn Trang lúc này giống chị trông em hơn là bà mẹ trẻ trông con.

Nam Giang là huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, nơi có nhiều người Cơ Tu sinh sống. Họ ở trong những bản làng nằm lưng chừng những dãy núi cao của dải Trường Sơn hùng vĩ, ở đó vẫn còn lưu giữ những phong tục độc đáo, trong đó có tục ngủ “Duông”.

Tiếc rằng cuộc sống hiện đại cùng với quá trình giao lưu văn hoá giữa miền xuôi với miền ngược đã và đang làm mất đi những nét văn hoá đẹp của người Cơ Tu, biến những tập tục có từ ngàn xưa thành một tệ nạn gây nên những hậu quả đáng tiếc.

Những đêm đi “Duông”

Già Lăng (Trưởng ban Dân tộc miền núi huyện Nam Giang) kể với chúng tôi rằng từ xa xưa người Cơ Tu có một tục gọi là tục ngủ Duông (lướt zướng). Trai gái đến tuổi trưởng thành muốn tìm hiểu nhau thường đến nhà ngủ duông để tâm sự, nếu thật sự cảm mến nhau, sau một tuần tìm hiểu, họ sẽ về xin cha mẹ cho cưới.

Nhà ngủ Duông được làm ở nương rẫy hoặc ở bìa rừng. Gọi là nhà nhưng thực chất đây là một chòi được làm bằng các vật liệu tạm bằng cây lá, tuỳ ở mỗi đôi nam nữ Cơ Tu mà họ tự do tìm hiểu (song phải đảm bảo tuân thủ các luật tục đã ra đời từ thời xa xưa) từ 3 đến 5 đêm hoặc hơn thế nữa.

Con trai và con gái Cơ Tu bắt đầu ngủ Duông từ lúc 13-14 tuổi. Theo phong tục của người Cơ Tu thì để được ngủ Duông với cô gái, người con trai phải mang đồ lễ cho cha mẹ cô gái với hạt cườm, vòng mã não, vòng bạc các loại...

Có trường hợp, cô gái không thích ngủ Duông với người con trai, nhưng cha mẹ cô gái đã nhận đồ lễ vật của nhà trai, thì cô gái vẫn phải ngủ Duông với đối tượng đó. Khi đi ngủ Duông, người con trai mang theo đồ ăn thức uống, đến bữa, cô gái cũng trổ tài nấu nướng.

Họ cứ thế chuyện trò suốt mấy ngày liền đến khi cô gái bằng lòng thì chàng trai sẽ về bàn với cha mẹ xin cưới. Vì chỉ ngủ và tâm sự thôi nên người con trai có thể ngủ Duông với cô gái trong 5 tối, 10 tối hoặc cả tháng thậm chí hơn nữa, và có thể ngủ Duông với nhiều người con gái.

Nghiệt ngã những đứa trẻ làm mẹ - 1

Trang nói như phân trần rằng: Con gái đến tuổi này (15 tuổi) nếu không lấy chồng sẽ bị ciéc (ma rừng) quở phạt. Vậy là Trang bỏ học lấy chồng, mấy tháng sau thì có con.

Nhưng tuyệt đối không được đi quá giới hạn. Nếu để cô gái có thai, làng sẽ phạt vạ. Theo già Lăng thì luật rất nghiêm khắc xử lý những trường hợp quan hệ tình dục bừa bãi hoặc có thai trước khi cưới.

Nếu chàng trai cô gái nào vi phạm thì tuỳ ở mức độ mà làng ra lễ phạt, thường thì chàng trai bị phạt rất nặng, làng bắt người con trai đó phải giết một đôi lợn, một con trâu hoặc bò rồi chia phần mang đến từng gia đình trong làng để tự thú tội và chia cho cả làng cùng ăn.

Nếu làm cho cô gái có thai, chàng trai phải đền bù cho nhà gái ché, chiêng, đồ trang sức quý... Nếu không có trâu, bò, lợn để đền thì phải chịu nợ truyền kiếp từ đời này sang đời khác, thậm chí bị cộng đồng ruồng bỏ, không ai tiếp xúc, phải dọn nhà ra ở riêng ở mé rừng.

Trong khi đó, cô gái sẽ chịu cảnh chăn đơn gối chiếc suốt đời, hình phạt nặng này từ xa xưa đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân nơi đây cho nên trai gái Cơ Tu khi tiếp xúc, quan hệ tình cảm với nhau đều luôn có ý thức giữ gìn, tôn trọng đạo đức.

Già Lăng cho biết, chính già cũng đi ngủ Duông khi mới 13 tuổi và ngủ Duông suốt từ đó cho đến khi lấy vợ. Các chị em gái của già cũng vậy, họ bắt đầu ngủ Duông từ lúc 12 tuổi cho đến khi lấy chồng.

Ngày xưa mọi người đều ủng hộ ngủ Duông, nhà nào có con gái thì nhà đó có tiền, đến ngủ với cô gái phải mất tiền. Cũng chính vì thế mà sau này người ta lợi dụng điều đó để biến nó thành một tệ nạn gây bao hệ lụy cho xã hội mà người đầu tiên phải gánh chịu là phụ nữ và trẻ em.

Khi những đứa trẻ làm mẹ

Chục năm trở lại đây, cuộc sống hiện đại đã làm cho tục ngủ Duông đã bị biến tướng đi rất nhiều. Từ ngày mở đường mòn Hồ Chí Minh rồi thuỷ điện A Vương, không chỉ có con trai Cơ Tu ngủ Duông mà có cả những chàng trai từ nơi khác đến nữa.

Hậu quả để lại là những nỗi buồn không sao xoá được trong cuộc sống của những cô gái trẻ nơi đây và điều đau xót nhất là làm phai mờ nét văn hoá đẹp của một dân tộc.

Theo chân già Lăng, chúng tôi vào một làng nhỏ có cái tên G’rat, cạnh làng A Hoi. Nhìn từ xa đã thấy chiếc cổng làng quen thuộc của người Cơ Tu là ranh giới để thú rừng không xâm phạm vào lãnh địa của họ.

Người lớn đi làm hết, chỉ còn có trẻ con và người già ở nhà. Thấy người lạ, lũ trẻ con ngơ ngác, sợ sệt nấp sau cột nhà sàn, hỏi gì cũng lắc đầu. Đi mãi tới cuối làng mới gặp già Chiêng đang chặt cau làm củi, già cho biết mọi người đi làm rẫy tối mới về.

Theo tay già chỉ, chúng tôi đi về phía căn nhà lá sát bìa rừng thì gặp một thiếu phụ trẻ tuổi, chúng tôi dừng chân xin nghỉ nhờ.

Trời về chiều, lác đác có thêm vài người phụ nữ gùi những gùi rong nặng trĩu trên vai. A Rất Thị Trang, cô gái chủ nhà cho biết đang là mùa thu hoạch rong. Cô bảo mấy hôm nay ốm nên cô nghỉ ở nhà cho chồng đi thay.

Trang kể, học đến lớp 7 đã có người đến rủ đi ngủ Duông. Tuy không thích lắm nhưng cha mẹ đã nhận lễ của nhà trai nên phải vào ngủ Duông rồi mang bầu lúc nào không biết. Thế là cưới. Trang nói như phân trần rằng:

Con gái đến tuổi này nếu không lấy chồng sẽ bị ciéc (ma rừng) quở phạt. Vậy là Trang bỏ học lấy chồng, mấy tháng sau thì có con. Thế là từ đó, Trang suốt ngày quần quật làm từ sáng đến tối để... nuôi chồng, con.

Chồng Trang chỉ thỉnh thoảng đi sang các làng bên kia trái núi dựng nhà giúp người ta, kiếm bữa cơm bữa rượu, thời gian còn lại ngồi nhà uống rượu, chỉ khi nào Trang có việc đi ra huyện hay ốm đau mới làm giúp.

Như nhiều người đàn ông khác trong nóc, với chồng Trang, cưới vợ sớm để đỡ đần việc nhà và với cái “lý” là: "Tao tốn rất nhiều trâu bò mới cưới được nó, nên bây giờ về đây, nó phải làm để nuôi lại tao".

Thế nên mọi gánh nặng đều đổ dồn lên đôi vai của Trang. Sáng sáng địu con lên rẫy, mang theo nắm cơm nguội, hôm nào rẫy gần thì không sao, rẫy xa thì mãi tối mịt, mẹ con mới về tới nhà.

Được sự giới thiệu của trưởng thôn, già Lăng cùng chúng tôi tìm đến nhà Thu, năm nay Thu mới 17 tuổi nhưng đã lấy chồng từ năm 13 tuổi. Không may, cô bị sảy thai đứa con đầu. Từ ngày đó, trông cô cứ ngơ ngác như nai con lạc mẹ, cả ngày chẳng nói một câu.

Chồng Thu là công nhân của Thủy điện sông Bung 4, từ miền xuôi lên. Thấy đồng bào ở đây có tục ngủ Duông cũng theo chân vào thử rồi có con với Thu, làng phạt vạ bắt cưới. Lúc chúng tôi đến có cả mặt mẹ Thu, chị A Lăng Thị Thạnh, nhìn con, chị ngậm ngùi nói:

“Giá cứ để nuôi nó ăn học rồi lên huyện học giáo viên thì cũng đỡ, đằng này để nó đi ngủ Duông, giờ hàng ngày nhìn nó ủ rũ thế xót lắm. Thôi đành nuôi nó đến 18 tuổi rồi cho nó ra ở riêng, muốn làm gì thì làm nhưng nó cứ bảo thích đi học lại, chồng con rồi, học gì nữa mà học”.

Trong câu chuyện với chúng tôi, chị Thạnh cho biết, chị cũng ngủ Duông mà lấy chồng từ thuở 13. Người chồng thứ nhất chưa kịp có con thì đi rừng bị sập bẫy chết. Còn người chồng thứ hai có với chị hai đứa con, đứa đầu cũng bỏ chị mà đi sau một trận sốt rét rừng.

Chị bảo qua hai lần đò, chị thấm nỗi nhọc nhằn của đàn bà xứ này nhưng chị lại tặc lưỡi nói như tự an ủi: “Ở đây là vậy, hắn ưng là phải cưới thôi”.

Hồi đó, mấy anh mấy chị trên huyện bảo đến 18 tuổi mới được lấy chồng, mình nghe biết rồi, biết lâu rồi nhưng ở đây con gái đến tuổi là phải ngủ Duông nên thành ra vậy”.

Câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng bởi tiếng lao xao ngoài cửa. Ngó ra thấy có 3 người phụ nữ vai đeo gùi rong đến bán cho chị Thạnh. Khi nghe chúng tôi hỏi: “Các chị lấy chồng lâu chưa?”. Họ nhìn nhau cười bẽn lẽn.

Một chị tên là Bhoi Nước Phần mạnh dạn lên tiếng: “Ở thôn mình, 13 mùa rẫy là lấy chồng được rồi, đến tuổi đó đàn ông trong nóc đã rủ mình đi ngủ Duông rồi, họ muốn cưới vợ về nấu cơm cho ăn, mua rượu cho uống đó mà”.

“Thế các chị không nghe đủ 18 tuổi mới được lấy chồng?”. "Nghe chứ, biết rồi nhưng ở nóc đàn bà ai cũng sợ ciéc (ma rừng) nên phải lấy chồng sớm thôi!". Lấy rồi thì không được phép bỏ, phải đi làm để nuôi chồng nuôi con, ai bỏ chồng làng phạt sợ lắm.

Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Thanh Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em huyện Nam Giang cho biết: Hiện nay ở các xã vùng cao của huyện, chuyện trai gái lấy vợ, lấy chồng sớm là chuyện bình thường.

Phổ biến nhất là độ tuổi 13-16 đi ngủ Duông rồi có thai ngoài ý muốn dẫn tới cưới khi chưa đủ tuổi. Ủy ban đã kết hợp với Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên mở các cuộc vận động tuyên truyền rồi các câu lạc bộ Hôn nhân gia đình, kêu gọi chị em phụ nữ nói “không” với nạn tảo hôn, nhưng do kinh phí không có nên việc tuyên truyền chỉ có đợt.

Bản thân cha mẹ các em cũng coi chuyện con cái lấy chồng ở tuổi 15 là hợp lý vì người Cơ Tu quan niệm 15 mùa rẫy là đủ tuổi lấy chồng. Chính vì vậy, nạn tảo hôn xảy ra là điều không thể tránh khỏi.

Chúng tôi rời làng khi mặt trời đã khuất núi. Đâu đó tiếng chim rừng gọi nhau về tổ. Một cảm giác ngao ngán xâm chiếm tâm trạng mọi người.

Không biết rồi đây liệu còn bao nhiêu những mảnh đời như Trang, như mẹ con chị Thạnh sẽ vĩnh viễn không có tuổi thanh xuân vì những hệ lụy của một phong tục đẹp đã bị biến tướng này?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vân Trà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN