Nghề nguy hiểm: Ở nơi mong manh sống - chết

Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Việt Đức) luôn trong tình trạng kín bệnh nhân. Vào đây đều là những trường hợp nằm giữa lằn ranh giữa sự sống và cái chết. Và, làm việc ở môi trường đó thực sự là một thử thách không đơn giản.

LTS: Làm việc trong môi trường đầy áp lực giữa lằn ranh sống - chết, phải tiếp xúc với đủ thứ dịch bệnh, hóa chất nguy hiểm trên đời, chưa kể đến những tai nạn nghề nghiệp như bị người nhà, bệnh nhân tấn công khi ca bệnh chẳng may rơi vào tình trạng xấu… khiến nghề y được xem là một trong những nghề nguy hiểm nhất. Nhưng vượt lên trên những tai nạn, hiểm nguy thường trực, nhiều y, bác sĩ vẫn ngày đêm dành hết tâm huyết và trí lực để hoàn thành sứ mệnh cao cả: Cứu người!

Niềm vui giản dị

Sáng sớm, một lẵng hoa được mang đến Khoa Hồi sức tích cực. Hôm đó không phải ngày lễ Tết, cũng không phải là ngày sinh nhật của cán bộ công nhân viên nào. Kẹp cùng lẵng hoa là dòng chữ: “Đã một năm rồi! Cảm ơn các y, bác sĩ cứu tôi ở lại với đời. Hôm xuất viện tôi chưa có dịp bày tỏ”. Cánh thiệp không đề tên ai cả. Rồi các cán bộ trong kíp làm việc mới hỏi nhau cách đây đúng một năm, có bệnh nhân nào? Quá nhiều!

Điều dưỡng trưởng Phạm Đan Thanh nói với chúng tôi: “Thỉnh thoảng nhận được những lời cảm ơn của bệnh nhân đã xuất viện. Đa số chúng tôi không nhớ họ là ai, trừ trường hợp xem lại hồ sơ. Nhưng là ai đi chăng nữa thì đó cũng là nguồn động viên rất lớn để chúng tôi tiếp tục làm ở nơi nhiều áp lực này”.

Nghề nguy hiểm: Ở nơi mong manh sống - chết - 1

Điều dưỡng trưởng Phạm Đan Thanh đang chăm sóc cho bệnh nhân. Ảnh: H.Phương.

Niềm vui còn là sự sống diệu kỳ của các ca bệnh tưởng chừng như tuyệt vọng. Bệnh nhân Nguyễn Thu Hoài ở Thái Nguyên bị máu tụ, phù não. Khi chuyển vào khoa, bệnh nhân sốt ly bì 2 tuần liền. Chị Thanh kể: “Đã có lúc Hoài sống thực vật. Với tình trạng bệnh lý như vậy, 90% Hoài sẽ khó qua khỏi. Nhưng còn nước còn tát, các y, bác sĩ đã cứu Hoài thoát khỏi lưỡi hái tử thần”. Một năm sau, Hoài khỏe trở lại. Một năm tiếp theo, Hoài đã có thể đến trường. Sau đó, Hoài đậu vào ĐH Thái Nguyên và trở thành một trong những sinh viên học giỏi nhất khóa. Đó là một trong rất nhiều trường hợp được chứng kiến bệnh nhân “chết đi sống lại” trong 20 năm làm việc của Điều dưỡng trưởng Phạm Đan Thanh.

Chị Nguyễn Thu Hoài cho biết, bây giờ chị vẫn thường xuyên liên lạc với các điều dưỡng viên và y, bác sĩ trong Khoa Hồi sức tích cực. Đó là những ân nhân cứu mạng chị và chị coi họ như người ruột thịt trong nhà.

Nghề nguy hiểm: Ở nơi mong manh sống - chết - 2

22h tại Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Việt Đức).

Áp lực lớn

20 năm công tác ở khoa Hồi sức tích cực, nơi bệnh nhân được đưa vào luôn trong tình trạng cận kề cái chết, Điều dưỡng trưởng Phạm Đan Thanh chia sẻ, nếu không chịu được áp lực thì không thể tồn tại được. Chị kể lại một kỷ niệm đáng nhớ mà diễn biến câu chuyện được chị lần giở như nhật ký: “19h: Khoa Hồi sức tích cực tiếp nhận cháu bé sơ sinh bị thủng cơ hoành, khi bệnh tình đã trở nên trầm trọng người nhà mới chuyển cháu vào khoa. Chúng tôi nhanh chóng thực hiện các biện pháp cần thiết nhưng cũng tiên liệu cháu rất khó qua khỏi:

20h30: Tình hình sức khỏe cháu bé xấu đi. Sau khi nhận được tin đó, một số người nhà bệnh nhân bị sốc và họ chuyển sang kích động.

21h: Hơn 60 người kéo đến vây quanh khoa. Toàn bộ ê kíp trực bị khống chế. Nội bất xuất, ngoại bất nhập. Một số giường bệnh khác, bệnh nhân đang cần sự chăm sóc của điều dưỡng nhưng cũng bị khống chế.

22h: Tiếng chửi bới dọa nạt, thậm chí đe dọa tính mạng đội ngũ y bác sĩ vang lên không ngớt. Một số bảo vệ đến giải tán đám đông thì ngay lập tức bị họ cầm dao đuổi đánh. Lúc đó chúng tôi rất sợ hãi nhưng may mà có sự can thiệp của lực lượng cảnh sát, cuối cùng mọi việc đâu vào đấy”.

Sự việc đã qua rồi nhưng mỗi lần nhớ lại, Điều dưỡng trưởng Phạm Đan Thanh vẫn lạnh cả người. Lúc bị khống chế trong phòng, nhìn qua cửa sổ thấy một số đồng nghiệp bị đuổi đánh, dọa chém… chị đã thầm nghĩ là sẽ bỏ nghề. Thế nhưng, cái nghiệp đã gắn vào thân, niềm vui hạnh phúc vô bờ khi giữ lại trên cuộc đời này những bệnh nhân tưởng chừng cạn hy vọng sống đã khiến chị tiếp tục gắn bó với khoa.

Chúng tôi hỏi chị Thanh gần đây có còn những vụ tương tự như  vậy không, chị bảo: “Không! Nhưng chửi bới, nhục mạ thì có. Trong lúc đau thương, bối rối… nhiều người nhà bệnh nhân không làm chủ được bản thân nên có những hành động đó. Chúng tôi cũng buồn lắm nhưng cảm thông cho nỗi đau nên phải luyện cho mình đức tính cam chịu”.

Đặc thù của Khoa Hồi sức tích cực là phòng vô trùng, cách ly hoàn toàn với người nhà. Bệnh nhân được điều dưỡng viên chăm sóc từ việc vệ sinh, ăn uống… đến điều trị. “20 giường bệnh lúc nào cũng có bệnh nhân, không một giường nào trống quá 24 tiếng. Đây đều là những ca bệnh nặng, bệnh nhân phải chiến đấu giữa sự sống và cái chết. Tai nạn giao thông có, suy thận, suy nội tạng có, thậm chí bệnh nhân vào đây sau một vụ giang hồ thanh toán cũng có...”, chị Thanh nói tiếp.

Trong phòng bệnh, đó là những bệnh nhân bị chấn thương dị dạng, những dòng hóa chất, những đường dẫn máu, đường thở ôxy chạy gấp gáp và những kết luận bệnh án “9 đường chết, 1 đường sống”. Một điều dưỡng viên tâm sự: “Nhiều lúc bỏ bê việc gia đình vì công việc mệt quá. Nếu chồng con không thông cảm thì có lẽ chúng tôi hết đường làm việc”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Phương (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN