Mất Tết vì tin thầy lang
Dịp tết vừa qua, Trung tâm Dị ứng- Miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị dị ứng thuốc nam vì sử dụng thuốc của các thầy lang với lời quảng cáo có thể chữa được bách bệnh.
Bác sĩ khám cho bệnh nhân dị ứng thuốc đông y dịp Tết.
Bệnh nhân N.Th.H (nữ 23 tuổi) vào Trung tâm Dị ứng – Miễn dịch với gương mặt sưng húp, tấy đỏ. Người nhà bệnh nhân cho biết, trước đó chị H. bị ốm nên đi mua thuốc lá của bà lang về sắc uống. Sau khi uống hết gần 3 thang thuốc thì nổi mụn, ngứa trên da. Mang điều này hỏi bà lang thì chị H. nhận được lời khuyên cứ tiếp tục uống vì các vết mẩn là chất độc phát ra. Nhưng hơn 2 ngày uống thêm thuốc thì trên cơ thể bệnh nhân nổi ban từng mảng lớn, tróc da ở tay, lưng, sốt, mặt sưng tấy, nên người nhà phải đưa đến Bệnh viện Bạch Mai.
Một bệnh nhân khác là bà H.M.A (53 tuổi, ở Hưng Yên) nhập viện trong trình trạng bề mặt da toàn thân phỏng rộp, bong tróc. Bác sĩ cho biết, bệnh nhân bị đau nhức xương, được người quen mách đi mua thuốc nam của ông lang gần nhà. Uống đến thang thứ 6 thì toàn thân nổi ngứa. Người nhà bệnh nhân cho hay thuốc bà A. uống gồm các loại cây, lá sắc lấy nước uống, mua của một ông lang trong vùng, không phải là cơ sở chính thống. Lúc đầu, cơ thể bệnh nhân nổi ban đỏ nhưng sau đó thì bề mặt da phỏng rộp từng mảng lớn phải nhập viện.
Đây chỉ là 2 trong số những bệnh nhân phải đón Tết tại viện vì cả tin lời thầy lang. Dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng đã tiếp nhận những bệnh nhân dị ứng rất nặng bị hội chứng Stevens - Johnson và Lyell (tình trạng hoại tử, tổn thương da nghiêm trọng, xuất hiện các mảng ban đỏ toàn thân, các bọng nước to làm bong, hoại tử da từng mảng lớn như bị bỏng.Tổn thương còn có ở niêm mạc gây loét miệng, viêm kết mạc, viêm loét các hốc tự nhiên…).
Điều dưỡng trưởng của Trung tâm Dị ứng- Miễn dịch Tống Văn Minh cho biết, những bệnh nhân dị ứng nặng phải ở lại Tết thường là những trường hợp rất nặng. Các nguyên nhân gây dị ứng chủ yếu do thuốc (tân dược và thuốc lá sắc), hoá mỹ phẩm. Điều dưỡng Minh cho hay, những bệnh nhân nặng này đòi hỏi được chăm sóc cẩn thận, vô khuẩn, tuân thủ quy trình chăm sóc da, thay ga, chăn bởi hầu hết họ trong tình trạng bề mặt da bị phỏng rộp từng mảng lớn và bong trợt, cần vô khuẩn tốt để tránh nhiễm trùng.
Các bác sĩ khuyến cáo, những bệnh nhận bị bệnh mãn tính, sau khi điều trị ổn định được về nhà dùng thuốc cần tuân thủ đầy đủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc có diễn biến bất thường thì phải nhập viện bất cứ thời gian nào. Theo các bác sĩ, với các bệnh nhân dị ứng nặng, chế độ ăn uống, việc dùng thuốc cũng phải tuân thủ rất nghiêm túc, đầy đủ theo đơn của bác sĩ vì nhiều dị ứng nặng còn gây suy gan, suy thận.
Nhiều hiểm họa từ thuốc đông y trôi nổi
Với thuốc nam, thuốc bắc (còn gọi là thuốc đông y) bác sĩ cũng khuyến cáo, bệnh nhân cần đến các phòng mạch của các lương y đã được cấp phép. Trên thực tế, bất cứ thuốc nào cũng có thể gây dị ứng. Tình trạng dị ứng có thể xảy ra sớm trong vòng vài phút, vài giờ nhưng cũng có thể phản ứng muộn sau vài ngày hoặc cả đợt điều trị. Do đó, ngay khi thấy có bất thường: mệt mỏi, khó thở, đau bụng, mệt xỉu, choáng…cần ngưng sử dụng, thông báo với bác sĩ điều trị và nên đến sớm cơ sở y tế chuyên khoa để được hỗ trợ.
Tình trạng dị ứng thuốc nam thường nặng hơn các loại thuốc khác vì có cả tổn thương nội tạng như gan thận, rất khó khăn trong điều trị. Nhiều loại thuốc nam được tẩm chất bảo quản và đây có thể là một yếu tố gây dị ứng. Thuốc đông y có thể nhiễm kim loại nặng như thủy ngân, chì, kẽm, lưu huỳnh. Đây là những chất bảo quản chống mốc. Cũng không ít thầy lang vì lợi nhuận mà trộn tân dược vào để thuốc có tác dụng nhanh, về lâu dài sẽ gây hậu quả khôn lường. Hiện chưa có nghiên cứu nào về tương tác giữa thuốc nam và thuốc tây nhưng các bác sĩ khuyến cáo không nên dùng cùng lúc 2 loại thuốc này nếu không có chỉ định.
Điều đáng lo ngại là nhiều cây tuy rất giống nhau nhưng có cây dùng làm thuốc nhưng có cây lại có tính chất cực độc gây nguy hại cho người sử dụng. Nguy hiểm nhất là hiện nay, nhiều bệnh nhân xương khớp bị các tai biến béo phì, ngộ độc... là do dùng các loại thuốc gia truyền, trôi nổi được chế biến sẵn. Các thuốc này thường được trộn thêm thuốc tân dược như corticoit hoặc aspirin, mã tiền... khiến bệnh nhân thấy đỡ, tưởng nhầm là khỏi bệnh nhưng thực tế phải lệ thuộc vào thuốc và gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Nhiều loại thuốc nam được tẩm chất bảo quản và đây có thể là một yếu tố gây dị ứng. Thuốc đông y có thể nhiễm kim loại nặng như thủy ngân, chì, kẽm, lưu huỳnh. Đây là những chất bảo quản chống mốc. Cũng không ít thầy lang vì lợi nhuận mà trộn tân dược vào để thuốc có tác dụng nhanh, về lâu dài sẽ gây hậu quả khôn lường. |