Mang họa vì 'bà đỡ vườn'
Có những đứa trẻ đã tử vong sau khi lọt lòng mẹ và nhiều trẻ khác chịu hậu quả của căn bệnh uốn ván sơ sinh do những người đỡ đẻ dân gian dùng dao lam, kéo… để cắt rốn.
“Mụ vườn” gây họa
Sau cú cắt rốn của mụ vườn, cháu gái vừa lọt lòng của vợ chồng anh Phan Thành Tr, 28 tuổi và chị Bùi Thị Th, ở Tân Hiệp (Thạnh Hóa, Long An) đã tử vong. Sau cái chết của con, nỗi ân hận vẫn hằn in ở anh Tr.
“Lúc đầu, khi vợ chuyển dạ tôi chở cô ấy đến trạm y tế xã. Nhưng nghĩ lại sợ nơi đó không an toàn nên tìm đến người đỡ đẻ dân gian gần nhà. Sau khi đỡ sinh xong, người này tắm rửa, cắt rốn, buộc rốn và quấn khăn cho em bé rồi ra về. Mấy tiếng sau con tôi đã tử vong do máu chảy quá nhiều từ vết cắt rốn”- anh Tr, chua xót. Kết luận của phòng giám định pháp y Bệnh viện Long An cho thấy, bé gái con anh Tr. tử vong do “không được chăm sóc y tế kịp thời”.
Mới đây một sản phụ khác là chị Nguyễn Thị H. 32 tuổi ở Tiền Giang cũng được người nhà đưa vào Bệnh viện Từ Dũ TPHCM cấp cứu do mất quá nhiều máu khi được bà mụ vườn đỡ đẻ.
Theo chị H. vì đến bệnh viện xa nên người nhà đã nhờ mụ vườn đến đỡ đẻ. Do không có chuyên môn, bà mụ đã lấy dây rốn em bé quá khiến làm tử cung của chị H. bị kéo lộn ra ngoài. Tại Bệnh viện Từ Dũ các bác sĩ đã phải cắt bỏ toàn bộ tử cung và buồng trứng của chị H. để bảo vệ tính mạng.
Ngày 29/3 vừa qua, Khoa cấp cứu hồi sức tích cực và chống độc sơ sinh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cũng tiếp nhận bé trai sơ sinh 10 ngày tuổi ở Sóc Trăng bị nhiễm uốn ván do bà mụ vườn dùng dao lam cắt rốn.
Một trẻ sơ sinh nhiễm trùng uốn ván do “mụ vườn” cắt rốn bằng dao lam đang được điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM. Ảnh: L.N
Một trẻ sơ sinh khác mới 8 ngày tuổi ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai cũng được người nhà chuyển lên nơi đây cấp cứu sau khi sinh rớt tại nhà và được một bà đỡ đẻ dân gian dùng dao cắt rốn.
Bác sĩ Phan Tứ Quý - Trưởng khoa Cấp cứu hồi sức tích cực và chống độc sơ sinh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết, từ đầu năm đến nay nơi đây đã tiếp nhận gần 10 trường hợp trẻ bị uốn ván sơ sinh, trong đó có 9 trường hợp do bà mụ vườn dùng dao, kéo cắt rốn và một trường hợp trẻ 5 tuổi không chích ngừa lúc mới sinh.
Dễ chết vì thiếu hiểu biết
Uốn ván trẻ sơ sinh đang trỗi dậy cho dù chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa uốn ván cho phụ nữ được triển khai rộng khắp trên cả nước trong những năm qua.
Theo báo cáo từ Chương trình tiêm chủng mở rộng trong năm 2012 còn gần 9% phụ nữ có thai không tiêm đủ liều vắc xin ngừa uốn ván và khoảng 10% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản từ 15 - 35 không đi tiêm ngừa vắc xin uốn ván.
Bác sĩ Phan Tứ Quýý cho biết nhiễm trùng uốn ván gây ra nhiều biến chứng như ngưng tim, trụy tim mạch, ngưng thở đột ngột, suy hô hấp và nhiễm trùng huyết…gây tử vong cao. Các nghiên cứu cho thấy biến chứng suy hô hấp do uốn ván chiếm 50% các nguyên nhân gây tử vong ở bệnh nhân. Vì vậy, ngoài việc tiêm chủng vắc xin đầy đủ, các sản phụ nên đến các cơ sở y tế để sinh nở, tránh các mụ vườn không có chuyên môn.
Viện Pasteur TPHCM cũng cho biết trong năm 2012 trên địa bàn 20 tỉnh thành phía Nam xảy ra 12 trường hợp uốn ván sơ sinh. 8 trường hợp trong số đó do mụ vườn và người nhà đỡ đẻ trong khi những năm 2006-2010 nơi đây ghi nhận chỉ 2-3 ca.
“Dụng cụ hộ sinh nhiễm trùng, cắt rốn bằng lưỡi lam, dao, lách nứa và người đỡ đẻ không có chuyên môn đang tiếp tay cho uốn ván sơ sinh tại những khu vực vùng sâu vùng xa hiện nay”- bác sĩ Phan Tứ Quý cảnh báo.
Khảo sát mới đây của Viện Pasteur TPHCM cũng cho thấy 22% người dân tỉnh Bình Phước chưa hiểu về bệnh uốn ván sơ sinh, nên dù việc chủng ngừa miễn phí vắc xin này vẫn không được người dân quan tâm.
“Nhiều người dân vì phong tục tập quán, sống xa cơ sở y tế... nên đưa con đến các trạm y tế để chủng ngừa và lúc sinh lại nhờ các mụ vườn khiến tỷ lệ tử vong và tai biến do uốn ván sơ sinh tăng lên” - bác sĩ Hồ Vĩnh Thắng - Viện Pasteur TPHCM cảnh báo.
Các bác sĩ sản khoa cho biết, việc dùng dao lam, kéo, tre…cắt rốn và băng rốn không đúng cách dễ gây nhiễm trùng uốn ván. Vì vậy, tỷ lệ tử vong do uốn ván sơ sinh chiếm 20 - 40% trường hợp mắc bệnh, nhiều gấp 10 lần người lớn vì cơ thể trẻ không đủ sức chống lại vi khuẩn.