Lào Cai: 3 người nhập viện vì ăn thịt lợn chết

Sự kiện: Lào Cai

Ba người ăn thịt lợn chết ở Lào Cai phải nhập viện điều trị hơn nửa tháng, tới nay chưa được xuất viện.

Ngay sau khi nhận được thông tin 3 người nhập viện do ăn phải thịt lợn chết, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lào Cai đã điều tra nguyên nhân tại hộ gia đình ông Vàng Seo Thống (xã Na Hối, Bắc Hà) và Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà.

Lào Cai: 3 người nhập viện vì ăn thịt lợn chết - 1

Ba người ăn thịt lợn chết ở Lào Cai phải nhập viện điều trị hơn nửa tháng, tới nay chưa được xuất viện.

Kết quả điều tra cho thấy, 5 người đã ăn thịt lợn chết. Sau khi ăn khoảng 15 giờ, 3 người có biểu hiện đau nhức, nổi ban, sưng đỏ và ngứa ở bàn tay (cả 3 người này tham gia chế biến và đều có vết thương hở ở bàn tay); 2 người còn lại không chế biến và không có biểu hiện bệnh.

Hiện tại, sức khỏe các bệnh nhân tiến triển tốt, các nốt ban ngứa giảm dần nhưng chưa được xuất viện. Các bác sĩ chẩn đoán “theo dõi nhiễm liên cầu lợn”.

Qua điều tra thực tế, Chi cục xác định đây là bệnh lây truyền từ gia súc sang người do tiếp xúc (giết mổ) với gia súc bị ốm, chết.

Để chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lào Cai khuyến cáo với người dân: khi phát hiện gia súc nghi mắc bệnh, gia súc chết bất thường phải khai báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y nơi gần nhất để xử lý triệt để mầm bệnh.

Để phòng lây nhiễm bệnh cho người, người dân cần chú ý hạn chế tiếp xúc với gia súc ốm, chết và chất thải từ gia súc; khi người xuất hiện các triệu chứng bất thường phải đến ngay cơ quan y tế để khám và điều trị kịp thời.

Người dân không giết mổ gia súc bệnh, chết không rõ nguyên nhân làm thực phẩm, không ăn tiết canh, chỉ ăn thịt gia súc và các sản phẩm gia súc khỏe mạnh đã được nấu chín kỹ….

Đặc biệt, trong quá trình chế biến thức ăn nếu bàn tay có vết thương hở không tham gia chế biến hoặc phải đeo găng tay để chế biến thức ăn. 

Theo Thạc sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu Hồi sức, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, do thói quen của người dân ở địa phương thường mổ lợn và làm tiết canh. Thói quen này tiềm ẩn rất nhiều mầm bệnh nguy hiểm, từ tiêu chảy, tả lị, liên cầu khuẩn… Ngoài ra, quá trình cắt tiết, vi khuẩn ở da, lông dễ dàng xâm nhập vào máu. 

Triệu chứng khi mắc liên cầu lợn thường sốt cao, tri giác lơ mơ, li bì hôn mê, sốc tụt huyết áp, xuất hiện các ban hoại tử trên da. Bệnh liên cầu khuẩn diễn biến rất nhanh, nhiễm trùng máu, suy đa phủ tạng, nếu không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong rất lớn. 

Hiện nay việc điều trị ở bệnh nhân được áp dụng liên tục các biện pháp hồi sức tích cực nên chi phí điều trị khá cao, riêng tiền thuốc để điều trị cho bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn có thể tới 1 triệu đồng/ngày, tiền lọc máu khoảng chục triệu/ngày. Khả năng cứu chữa căn bệnh này phụ thuộc nhiều vào thời gian vào viện điều trị sớm hay muộn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Lào Cai Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN