Kỳ lạ vừa là thuốc, vừa là... TPCN

Trong đơn thuốc do bác sĩ Bệnh viện Nhi T.Ư kê cũng có thực phẩm chức năng, tuy nhiên, lãnh đạo bệnh viện khẳng định là... thuốc!

Sau khi tòa soạn có đăng bài về thực phẩm chức năng "tầm gửi" trong đơn thuốc sản phụ, bạn đọc Q.M.Đ. (ở Tây Hồ, Hà Nội) phản ánh: Trong đơn thuốc của con anh do bác sĩ Bệnh viện Nhi T.Ư kê cũng có thực phẩm chức năng (TPCN).

Từ thuốc lại thành TPCN!

Theo đơn thuốc mà bác sĩ Bệnh viện Nhi T.Ư kê cho con anh Q.M.Đ. (8 tháng tuổi, mắc chứng rối loạn tiêu hóa), có ZinC - Kid (Kẽm Gluconate). Cầm đơn thuốc đến một nhà thuốc trên phố Hoàng Hoa Thám mua, anh Đ. được nhân viên bán cho hộp TPCN ZinC - Kid.

Trao đổi với phóng viên, GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, kẽm cũng là một loại thuốc dùng trong trường hợp trẻ bị rối loạn tiêu hóa. Dùng kẽm trong trường hợp trẻ bị rối loạn tiêu hóa là nằm trong phác đồ điều trị. Việc bác sĩ kê kẽm cho bệnh nhi rối loạn tiêu hóa là đúng, tuy nhiên tại sao thuốc Zin C - Kid mà bác sĩ kê cho bệnh nhân trên bao bì lại ghi là TPCN thì GS.TS Nguyễn Thanh Liêm cũng không được rõ.

Theo TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, ZinC - Kid là thuốc đã được đưa vào danh mục chữa bệnh. Nếu bệnh nhân mua ZinC - Kid tại nhà thuốc của bệnh viện thì chắc chắn đó là thuốc chữa bệnh, còn mua ở nhà thuốc ngoài bệnh viện thì bệnh viện không thể khẳng định nó là cái gì (!).

TS Trần Minh Điển cho biết thêm, hiện nay có hai nơi sản xuất sản phẩm ZinC - Kid, một ở Hải Dương, một ở Hải Phòng, nhưng một là TPCN, một là thuốc. Sản phẩm nhập vào Bệnh viện Nhi T.Ư thì là thuốc...

Kỳ lạ vừa là thuốc, vừa là... TPCN - 1

Thuốc và TPCN giống hệt nhau về mẫu mã, bao bì.

Cùng tên nhưng một là TPCN, một là thuốc!

Phóng viên có trên tay hai hộp ZinC - Kid: Một là hộp TPCN do bạn đọc đưa và một là hộp thuốc do chúng tôi mua ở nhà thuốc Bệnh viện Nhi T.Ư. Về mẫu mã, màu sắc... hai hộp này giống hệt nhau. Sự khác biệt ở chỗ hộp thuốc có ghi: "Thành phần kẽm gluconat 70mg (tương đương 10mg kẽm nguyên chất), tá dược vừa đủ 3g, liều dùng: chống chỉ định, điều trị thiếu kẽm...".

Còn trên hộp TPCN ghi: "Thành phần kẽm Gluconate 84mg (tương đương kẽm 12mg), pluriamin 10mg, sản phẩm này là thực phẩm chức năng, không dùng thay thế thuốc chữa bệnh"... Cả hai sản phẩm đều do một đơn vị phân phối.

BS Đặng Tú Cầm, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển y tế (đơn vị tiếp thị và phân phối cả 2 sản phẩm trên) cho biết, tuy cùng tên nhưng sản phẩm thuốc được bán theo đơn của bác sĩ, còn TPCN được bán khi các bà mẹ có con bị suy dinh dưỡng khiến thiếu kẽm. Trong hộp TPCN, ngoài kẽm còn có Pluriamin là đạm. Trước câu hỏi: Nếu người bệnh mua nhầm, đáng lẽ phải mua thuốc mà lại được bán TPCN hoặc nếu mua TPCN mà lại được bán nhầm sang thuốc... thì dùng có hại hay không, BS Cầm khẳng định: Không hề có hại.

Tuy nhiên, theo TS Phạm Hưng Củng, nguyên Vụ trưởng Vụ Y học Cổ truyền, Bộ Y tế: TPCN hay thuốc cũng đều xuất phát từ một dược liệu, nó khác nhau ở chỗ liều lượng ở thuốc phải cao hơn TPCN.

Còn theo TS Trần Minh Điển, thành phần pluriamin trong hộp ZinC - Kid TPCN không có chống chỉ định trong giai đoạn cấp của rối loạn tiêu hóa, tuy nhiên, TPCN nên dùng ở giai đoạn sau của bệnh, còn thuốc dùng trong giai đoạn đang bệnh.

Trùng tên là do quy trình khác nhau

TS Phạm Hưng Củng cho biết, việc một loại giống nhau từ nhãn mác, đến bao bì nhưng vừa là TPCN vừa là thuốc, nhưng của hai công ty khác nhau có thể giải thích: Nếu cũng nguyên liệu đó mà sản xuất theo quy trình, luật của thuốc thì đăng ký là thuốc. Nếu sản xuất theo quy trình, luật của TPCN thì đăng ký theo TPCN.

Mặt khác, ở các nước đăng ký thuốc và TPCN đều do một cơ quan đăng ký, như vậy họ sẽ biết tên thương mại của công ty nào đã dùng rồi, tên nào chưa dùng, tránh sự trùng lặp tên. Còn ở nước ta, nếu thuốc thì do Cục Quản lý Dược cấp phép, nếu TPCN do Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cấp phép, cho nên nhiều khi trùng nhau về tên.

Nếu muốn chuẩn hóa thì các công ty phải sang cục Sở hữu Trí tuệ để tra xem tên có trùng nhau không, nhưng đôi khi quản lý của ta chưa sát sao, chặt chẽ còn công ty chưa tự giác, nhiều công ty muốn lợi dụng uy tín của công ty khác để đặt tên giống nhau.

"Có rất nhiều vấn đề giữa TPCN và thuốc và cũng đã có những tranh cãi nhất định. Có những sản phẩm năm nay là TPCN nhưng năm sau lại là thuốc chữa bệnh.

Việc quy định bác sĩ không được kê TPCN vào đơn thuốc cũng nhằm tránh tình trạng TPCN theo bán hàng đa cấp khi đến tay người bệnh đã bị đội giá. Tuy nhiên, với một số bệnh lý, có những phác đồ điều trị... vẫn cần bổ sung các vitamin hay các chất khác nhau".

TS Trần Minh Điển (Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bee.net
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN