Kinh hoàng rau trồng trên mộ, tưới nước thải

Đến một số địa điểm trồng rau trên địa bàn Hà Nội không khỏi rùng mình vì những luống rau xanh mướt mát nhưng lại đang được trồng ngay trên các ngôi mộ và tưới bằng… nước thải sinh hoạt.

“Tưới nước sạch có mà… lỗ nặng!”

Đến địa điểm chuyên trồng rau của xóm 18 (xã Cổ Nhuế, Từ Liêm) lúc sáng sớm, chúng tôi rùng mình ớn lạnh vì cả ruộng rau “ngự” ngay trên bãi tha ma. Kinh hoàng hơn là mùi hôi thối xú uế xộc vào mũi vì toàn bộ hệ thống cung cấp nước tưới rau nơi đây được nối liền với nguồn nước thải của cả thôn.

Anh Vũ Văn Bằng (cư dân xóm 18), đang cắt rau muống để kịp bán trong phiên chợ sáng hồn nhiên bảo: “Làm nông nghiệp mà không trồng rau ở đây thì trồng ở đâu? Trước đây, không trồng rau thì chúng tôi trồng lúa, trồng khoai nhưng sau này thấy trồng rau là sinh lời nhanh nhất vì một năm quay vòng được rất nhiều loại rau trong khi trồng màu một năm chỉ được 2-3 vụ. Chúng tôi trồng thì chúng tôi ăn là nhiều chứ các chị ăn mấy?”.

Kinh hoàng rau trồng trên mộ, tưới nước thải - 1

Rau trồng trên nghĩa trang xóm 18, xã Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội

“Nước sạch lấy đâu ra, rau trời nắng mỗi ngày phải tưới ít nhất một lần, bơm nước sạch tưới rau thì lỗ nặng. Ở đây có mấy cái hố bom có nước quanh năm nên cứ lấy ở đó tưới thôi”, anh Bằng phân trần. Theo tay anh Bằng chỉ đó là những hố trũng khá rộng nằm cạnh mấy ngôi mộ. Mưa lớn là nước thải quanh khu dân cư đều chảy xuống đó, nước nhiều dâng cao cũng sẽ khiến mấy ngôi mộ kế bên bị “lặn” mấy phần móng.

Chị Nguyễn Thị Minh (nhà ở đường Hoàng Công Chất, Từ Liêm) cho biết: “Tháng trước gia đình tôi tổ chức đám cưới cho con tại nhà, thuê người của nhà hàng về nấu ăn, thực phẩm thì do mình mua. Do muốn lựa chọn những thực phẩm an toàn, tôi đã theo chân một bà bán rau trong xã Cổ Nhuế vào tận vườn để mua. Nhưng khi đến ruộng rau của bà thì tôi rùng mình, nổi da gà vì ruộng của bà nằm ngay trên bãi tha ma”.

Khi chị Minh thảng thốt “trời ơi rau thế này mà bà nói là rau sạch?” thì bà bán rau hồn nhiên: “Tôi không bao giờ phun thuốc sâu, thuốc kích thích vì nhà chỉ có hai ông bà có muốn cũng không làm được. Đất rộng, nên chăm được đến đâu bán đến đó”. Nhưng để có đất rộng “bà phải vỡ hoang, trồng rau xung quanh các khu mộ, kể cả là những ngôi mộ mới”, chị Minh bức xúc.

Theo chị Trần Thị Lý (xã Tiên Dương, Đông Anh), trồng rau muống là đơn giản nhất, mỗi lứa rau sau khi thu hoạch xong, chỉ cần cắt ngắn xuống gần gốc rồi bón phân, phun thuốc để diệt sâu bệnh. Khi chúng tôi tỏ ý băn khoăn, phun thuốc độc hại, chị Lý cười: “Không phun thuốc thì sâu cắn hết rau không lên được, giờ sâu bệnh “hỗn” lắm”.

Cũng theo chị Lý, chị không hề nhớ tên loại thuốc sâu mình phun là gì, có đạt tiêu chuẩn hay không. “Muốn trừ sâu lá thì tôi ra hiệu bán thuốc trừ sâu hỏi thuốc phun sâu lá. Muốn mua thuốc bảo vệ củ, cũng cứ nói vậy là họ bán cho. Còn muốn tưới rau thì lấy nước mương, nước cống”, chị Lý nói.

Rau sạch “phá sản” vì vắng khách

Thực tế, chuyện rau “sạch” hay “bẩn” cũng chỉ theo cảm quan của người tiêu dùng. Vì vậy mà chỉ sau vài câu nói, người bán hàng đã dễ dàng “lừa” được người tiêu dùng.

Bác Phạm Thị Hà (khu tập thể Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Trong chợ Nghĩa Tân có mấy ki-ốt treo biển rau sạch, rau an toàn nhưng không có tem nhãn, giá thì cao gần gấp đôi rau thường. Một số bà chuyên gánh rau đi bán nói rau nhà trồng cũng bán giá cao, đông người mua nhưng đến “vườn” của họ trồng mới biết toàn trồng ở gần cống rãnh luôn bốc mùi hôi thối, khu vực nước thải…”.

Trong khi đó, người sản xuất rau an toàn lại đang khổ sở vì cung không gặp được cầu. Giữa lúc người tiêu dùng vẫn còn mập mờ về cách nhận biết rau an toàn, thiếu thông tin về các điểm bán rau sạch thì những người trồng rau sạch, rau an toàn lại loay hoay tìm đầu ra. Đây cũng là lý do vì sao 31điểm bán rau sạch của Sàn giao dịch rau sạch Hà Nội đã có đến 26 điểm đóng cửa vì người tiêu dùng chưa thật sự tin tưởng.

Ông Trần Văn Mây, Chủ nhiệm HTX rau sạch Vân Nội cho biết: “Rau do HTX sản xuất chỉ khoảng một nửa đổ sỉ được cho các siêu thị, trường học, khu công nghiệp, còn lại vẫn phải bán tống bán tháo ra chợ đầu mối với giá tương đương các loại rau từ nhiều vùng chuyển về. Và tất nhiên giá của nó sẽ không khác gì rau bẩn”.

Theo ông Mây, người dân cũng có thể phân biệt rau an toàn bằng cảm quan. Thứ nhất, căn cứ vào màu của lá rau. Lá rau xanh đậm là tưới nhiều đạm và lượng đạm tồn dư trong rau còn nhiều. Rau an toàn là rau có màu xanh bạc. Thứ hai, người tiêu dùng có thể ngắt cuống hay lá rau miết mạnh trên ngón tay. Nếu cuống rau dễ nát, nhiều nước thì đó là rau không an toàn, rau này phun thuốc kích thích tăng trưởng hoặc bón nhiều đạm.
Trong khi rau trồng trên mộ, rau tưới nước thải vẫn ngày ngày ra chợ, lên sạp đắt hàng thì việc các điểm bán rau sạch đóng cửa “phá sản” gần hết cũng là một điều mà các cơ quan chức năng cần suy nghĩ!
 
Theo kinh nghiệm của những người trồng rau, để thuận tiện và đỡ công, thường mỗi ruộng rau người dân lại đào một vài cái hố sâu ở gần ruộng rau đó để tiện cho việc tưới tắm. Trong đó có khá nhiều hố tưới đào ngay bên cạnh mộ thậm chí là cả những ngôi mộ còn mới tinh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hạnh (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN