Hỏng mắt vì dùng cồn khô ăn lẩu

Cồn khô bị pha methanol để giảm giá thành sẽ giải phóng chất độc có thể hấp thụ qua đường hô hấp, gây cay, rát mắt, thậm chí ảnh hưởng thần kinh và giảm thị lực.

Cồn khô, cồn lỏng được các nhà hàng và hộ gia đình sử dụng ngày càng nhiều. Các chuyên gia cảnh báo, ngoài nguy cơ bỏng, nếu cồn có thành phần methanol, người dùng còn đối diện với nguy cơ ngộ độc và nguy hại đến mắt.

Nhiều tai nạn đáng tiếc

Trên thị trường hiện có bán nhiều loại cồn đun bếp, như cồn khô, cồn thạch, cồn gel hay còn gọi là cồn mật. Giá khoảng 3.000 - 4.000 đồng/cốc cồn thạch hoặc 6.000 - 8.000 đồng/gói cồn khô. Cồn mật có giá 10.000 - 12.000 đồng/lít. Đối với các loại cồn nói trên, tuy việc sử dụng tiện lợi và sạch sẽ, nhưng cần hết sức cẩn trọng, nhất là đối với cồn lỏng, vì khi bếp đang cháy nếu tiếp thêm cồn lỏng sẽ rất dễ bắn ra ngoài, bắt lửa dễ gây phỏng nặng.

Mới đây, tại TP HCM, vợ chồng anh Võ Minh Nam (ngụ tại phường Phước Long B, quận 9, TP HCM) cùng bạn bè đi ăn lẩu tại một quán ăn ở quận 9. Khi người phục vụ đổ thêm cồn vào bếp (cồn lỏng), lửa phụt thẳng vào người khiến vợ chồng anh Nam phải nhập viện. Anh Nam phỏng 14% độ II, tập trung ở cổ, mặt, thân và hai tay; vợ anh bị phỏng 8%, tập trung ở mặt, thân và hai tay.

Hỏng mắt vì dùng cồn khô ăn lẩu - 1

Cồn khô cũng không hẳn an toàn. Ảnh: Kim Anh.

BV Chợ Rẫy TP HCM cũng mới tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân Phạm Văn Nghiệp (50 tuổi, ngụ ở Bắc Ninh) nhập viện trong tình trạng vết phỏng nông, chiếm diện tích 14% do cồn gây ra ở mặt, bụng, tay, mi và kết giác mạc hai mắt. Ông Nghiệp đi du lịch từ Bắc Ninh vào các tỉnh miền Nam. Tại quán ăn ở Dầu Giây (Đồng Nai), khi mọi người đang ăn lẩu, bếp gần hết cồn, một phục vụ mang bình cồn ra châm, bất ngờ lửa bùng lên khiến người phục vụ hốt hoảng ném bình cồn trúng vào người ông Nghiệp.

Gần đây, một ca bỏng cồn tại Đồng Tháp khiến 6 người nhập viện. Trong bữa ăn, gia đình dùng bếp cồn để nấu lẩu. Khi thấy bếp hết lửa, một người lấy bình cồn nước châm thêm vào. Bình cồn vừa chạm vào bếp thì ngọn lửa bỗng bốc lên. Cồn cháy văng tung tóe vào lũ trẻ đang ngồi chờ ăn. Nặng nhất là một bé 7 tuổi, bị cháy đến 95% cơ thể, đang điều trị tại khoa Phỏng - Chỉnh hình BV Nhi Đồng 1 TP HCM.

Theo các bác sĩ chuyên khoa Phỏng tại các BV ở TP HCM, tai nạn từ bếp cồn không phải hiếm. Tất cả các bệnh nhân đều phải nằm viện điều trị nhiều tháng liền với mức viện phí lên đến cả trăm triệu đồng.

Cồn có hóa chất độc hại

Từ các vụ việc trên, BS Trần Đoàn Đạo, Trưởng khoa Phỏng - Tạo hình BV Chợ Rẫy TP HCM, cảnh báo người dân khi dùng bếp cồn nấu đồ ăn trong sinh hoạt hàng ngày cần đặc biệt chú ý, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Theo BS Đạo, phỏng cồn thường khiến vết phỏng sâu, dễ gây biến chứng. Cồn nước tuy không có khả năng gây nổ nhưng rất dễ cháy lan. Chính vì thế khi châm thêm cồn vào bếp, người châm phải tắt hết lửa còn cháy trong bếp.

Cồn khô, cồn thạch tự nhiên (chiết xuất từ ethanol) an toàn hơn với người dùng. Tuy nhiên, hiện các cơ sở đã sản xuất chạy theo lợi nhuận nên pha trộn nhiều hóa chất. Một trong các hóa chất là methanol do giá thành rẻ hơn ethanol. Theo các chuyên gia, đây là hóa chất độc hại, nhiệt độ cháy thấp, cháy không có muội. Hơi của chất metanol rất độc, có thể hấp thụ qua đường hô hấp, gây cay, rát mắt, thậm chí gây ảnh hưởng thần kinh hoặc làm kém thị lực. Trong khi đó, bằng cảm quan người tiêu dùng không thể phân biệt cồn có chứa hóa chất metanol với cồn tự nhiên.

Hiện nay, các loại cồn bày bán trên thị trường hầu hết không được kiểm nghiệm. Điều này có thể có những hệ lụy khó tránh khỏi như khí thải độc ảnh hưởng sức khoẻ. Vì thế, người dùng nên cẩn trọng. Khi dùng thấy các dấu hiệu như khói, cay mắt hoặc cảm giác khó chịu cần tránh xa bếp cồn để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngô Đồng (Đất Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN