“Ghép tế bào gốc không tiêu diệt hết tế bào ung thư”
“Đối với các bệnh về máu, ghép tế bào gốc tự thân chỉ hỗ trợ chứ không tiêu diệt hết tế bào ung thư”.
Vừa qua, Bệnh viện Trung ương Huế công bố chữa khỏi ung thư giai đoạn cuối bằng phương pháp ghép tế bào gốc. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, kết luận này hơi vội vã. Bởi còn quá sớm, quá ít số liệu để đánh giá hiệu quả của phương pháp điều trị mới.
Thạc sĩ Võ Thị Thanh Bình, thăm khám cho bệnh nhân ghép tế bào gốc thành công.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Võ Thị Thanh Bình, Phó giám đốc Trung tâm Tế bào gốc - Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương.
Thưa bà, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế vừa công bố chữa khỏi ung thư giai đoạn cuối bằng phương pháp ghép tế bào gốc? Là người nghiên cứu trong lĩnh vực tế bào gốc, bà đánh giá thế nào về thành công này?
Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế công bố chữa khỏi ung thư giai đoạn cuối bằng phương pháp ghép tế bào gốc là một nỗ lực đáng ghi nhận. Chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều khả quan đối với phương pháp này trong điều trị bệnh máu.
Tôi đánh giá, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế đã rất mạnh dạn triển khai phương pháp này. Qua đó, bệnh nhân được thụ hưởng phương pháp tốt nhất, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Phương pháp này về bản chất, Viện Huyết học Truyền máu đã áp dụng. Đây là phương pháp ghép tự thân, lấy tế bào gốc của bản thân bệnh nhân hỗ trợ, sử dụng hóa chất liều cao nhằm tiêu diệt tế bào ác tính. Hơn nữa, bệnh sẽ nhanh lui và lâu tái phát hơn.
Đối với các bệnh về máu, ghép tế bào gốc tự thân chỉ hỗ trợ chứ không tiêu diệt hết tế bào ung thư.
Vậy theo bà, phương pháp điều trị ung thư bằng tế bào gốc hiện nay có mới hay không? Hiện tại, Viện Huyết học và Truyền máu đã áp dụng phương pháp này như thế nào, thưa bà?
Ghép tế bào gốc trong điều trị ung thư không phải là phương pháp mới, thế giới và Việt Nam đều đã áp dụng.
Tại Viện Huyết học, hiện tại thực hiện cả phương pháp ghép tự thân và ghép đồng loại. Hiện tại, Viện cũng thực hiện khoảng 80 ca tự thân. Kết quả cho thấy, không có trường hợp tử vong trong lúc ghép.
Tôi phải khẳng định, phương pháp tự thân khá an toàn vì có tế bào gốc hỗ trợ. Còn ghép đồng loại, tỷ lệ tử vong có thể đến 20 ->30% nhưng đổi lại, ghép đồng loại thì tỷ lệ tái phát lại các bệnh ác tính sẽ giảm dần.
Tháng 3 năm 2014, Viện Huyết học đã công bố 100 ca ghép đầu tiên, tỷ lệ thành công trong khoảng 70%. Đây cũng là điều đáng khích lệ bởi không có phương pháp nào lại 100% thành công.
Tuy nhiên, tôi cần phải nói rõ rằng tế bào gốc không phải hoàn toàn để chữa ung thư mà là để khắc phục các tác dụng phụ của hóa chất trong điều trị ung thư.
Có ý kiến cho rằng, sau khi công bố “ung thư giai đoạn cuối sẽ chữa khỏi nhờ phương pháp ghép tế bào máu tự thân” sẽ khiến nhiều người bỏ điều trị thông thường và chạy theo phương pháp này. Bà nghĩ sao về điều này?
Tôi không lo ngại nếu áp dụng phương pháp này thì bệnh nhân sẽ bỏ hết phương pháp khác bởi hướng điều trị như thế nào ý thì bác sỹ là người quyết định, bác sỹ sẽ hiểu được mỗi phương pháp sẽ có ưu nhược điểm. Bác sĩ sẽ chỉ định ở thời điểm nào của bệnh.
Tôi tin rằng, nếu bệnh nhân không hiểu, từ chối những phương pháp này đến với phương pháp kia, các bác sỹ cũng không đồng ý. Bởi bản thân họ hiểu rất rõ phương pháp ghép tự thân được chỉ định ở thời điểm nào.
Do đó, khi bệnh nhân biết bị bệnh thật sự cũng phải dũng cảm chấp nhận và cố gắng tìm hiểu những nguồn tin chính thống nhất và đến những địa chỉ tốt nhất để điều trị. Cũng có ý kiến cho rằng, công bố của Bệnh viện Trung ương Huế hơi vội vã.
Vậy theo bà, những đối tượng nào nên ghép tế bào gốc? Sau khi ghép, thời gian sống sót kéo dài bao lâu, thưa bà?
Đối với những người mắc bệnh máu, tuổi không quá 55 (tuổi lớn hơn khả năng ghép không thành công). Cân nặng phải trên 50kg (nếu thiếu cân không huy động đủ số lượng tế bào gốc để ghép).
Tại Viện Huyết học, bệnh nhân ghép tế bào gốc đầu tiên năm 2008 vẫn sống bình thường. Cũng theo y văn thế giới, có bệnh nhân ghép tế bào gốc tự thân kéo dài sự sống đến mấy chục năm.