Gặp người từ cõi chết trở về
Khi bệnh của ông Trần Thành (60 tuổi, ngụ tại An Giang) đã quá nặng, gây liệt nửa người trái, hôn mê sâu, bác sĩ báo gia đình chuẩn bị đưa ông về nhà lo hậu sự. Nghe cái tin sét đánh ngang tai ấy, gia đình không chấp nhận đầu hàng mà quyết định đưa ông đến cấp cứu tại bệnh viện khác. Và ông đã “từ cõi chết trở về”.
Còn nước còn tát
Chúng tôi đến thăm bệnh nhân Trần Thành vào lúc bác sĩ đang khám bệnh cho ông. Mặc dù chưa nói được nhưng ông đã tự mở mắt và có thể làm theo điều lệnh của bác sĩ: giơ tay lên, bỏ tay xuống, mở miệng khi bác sĩ yêu cầu. Người thân đến cầm tay hỏi chuyện, ông khẽ gật đầu xác nhận đang tỉnh táo. Hơn nửa tháng qua, ông Thành nằm trên giường bệnh chiến đấu giành lại sự sống.
Ông Trần Như Nghĩa, em trai ông kể: “Được bệnh viện đa khoa Châu Đốc – An Giang chẩn đoán bị tai biến mạch máu não, gia đình quyết định đưa anh tôi lên cấp cứu tại một bệnh viện lớn của TP.HCM. Ngày 12.10, anh tôi được đưa vào phòng cấp cứu, sau đó chuyển lên khoa hồi sức tích cực nội thần kinh. Lúc ấy tay chân anh tôi còn hoạt động bình thường, nhận biết được mọi người và nói chuyện vui vẻ. Khi tôi đến thăm, anh tôi còn gặng hỏi “đám tang của ông Võ Nguyên Giáp sao rồi?” Đến khoảng 9 giờ tối hôm sau, người em gái ruột chăm sóc anh tôi thấy anh khó thở, hớt hải chạy báo cho bác sĩ biết. Tới 12 giờ đêm y tá đẩy anh tôi đi chụp phim, sau đó báo cho người nhà biết diễn tiến bệnh của anh quá xấu.
Gần 2 giờ sáng 14.10, bác sĩ đưa phim lên đèn chiếu và thông báo não đen hết rồi, bệnh viện không còn cách nào chữa trị được nữa, gia đình nhanh chóng làm thủ tục ra viện thôi! Lúc đó, gia đình tôi không biết xử lý như thế nào, vì khi nhập viện anh tôi vẫn còn khoẻ. Gia đình tôi không nghĩ rằng bác sĩ không chữa trị được. Lúc đó tôi liền vào phòng trực đề nghị xin lại hai tấm phim (một tấm chụp ở Châu Đốc, một chụp ở bệnh viện này). Tuy nhiên, bác sĩ trực nói, theo quy định của bệnh viện, gia đình bệnh nhân không được lấy phim. Gia đình tôi cương quyết xin bằng được tấm phim. Người bác sĩ đành cho y tá đi lấy phim cho tôi.
Ông Trần Thành trên giường bệnh, chưa nói được nhưng đã tỉnh táo.
Mọi người trong gia đình nhanh chóng làm thủ tục để đưa anh tôi về. Xe cấp cứu vừa ra khỏi cổng bệnh viện, tôi liên lạc được với TS.BS Trần Chí Cường, trưởng đơn vị Can thiệp thần kinh – đột quỵ, bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM và yêu cầu tài xế đưa anh trai đến bệnh viện Đại học Y dược. BS Cường sau khi thăm khám, cho biết, phần trăm sống sót của bệnh nhân rất ít và nếu có khả năng tài chính hãy mổ. Lúc ấy tâm lý tôi nặng lắm! Vì nếu không cứu được anh, tôi cảm thấy rất có lỗi. Nhưng quyết định mổ hay không phụ thuộc vào vợ và con gái của anh tôi. Gọi điện về cho cháu gái, cháu tôi suy nghĩ một hồi rồi nói “Con không muốn mồ côi cha sớm chú ơi!” Thế là anh tôi được đưa vào phòng mổ”.
Giành lại sự sống
BS Cường kể lại: “Đêm đó, tôi nhận sáu cuộc điện thoại của người nhà bệnh nhân cầu cứu, họ kể về tình trạng nguy kịch mà ông Trần Thành đang mắc phải với giọng rất bức xúc. Nhưng theo thông tin ban đầu của đồng nghiệp tiên lượng tử vong và hết cách cứu chữa, tôi chỉ dám nói với gia đình nếu xin được tấm phim chụp ở bệnh viện bạn gửi tôi xem trên tinh thần còn nước còn tát để an ủi người nhà là chính. Tôi cũng dặn người nhà “cố gắng nhéo thật đau ở bên không bị liệt xem đáp ứng của bệnh nhân như thế nào”.
Người nhà làm theo, họ nhéo hai lần liên tiếp và bệnh nhân còn gạt tay được. Đó chính là dấu hiệu chứng tỏ rằng bệnh nhân còn sống. Khi xem lại tấm phim CT chụp ở bệnh viện bạn, tôi thấy bệnh nhân bị phù não nặng, đường giữa bị lệch, hai bán cầu não bị tắc mạch máu não dẫn đến sưng não. Do đó, cần có chỉ định mở sọ giải áp ép não khẩn cấp. Từ đó, các bác sĩ khoa ngoại thần kinh đã nhanh chóng mở nắp sọ giải áp cho bên não bị phù. Sau đó, bệnh nhân được điều trị tích cực, điều trị hồi sức”.
Đánh giá về mặt kỹ thuật điều trị, BS Cường cho rằng kỹ thuật phẫu thuật không quá khó, và đã cứu được sinh mạng bệnh nhân nhờ đánh giá mức độ hôn mê kịp thời và chính xác, nếu không vài tiếng sau bệnh nhân sẽ tử vong. Đây là một ca may mắn và hy hữu. BS Cường cũng cho biết, nếu bệnh nhân được phát hiện sớm, lúc bị đột quỵ (tắc mạch máu ngay từ đầu) có thể can thiệp tái thông mạch máu, tình trạng bệnh nhân sẽ tốt hơn. Nay bệnh nhân đã tỉnh, tự mở mắt, bỏ máy thở, tiếp xúc được với người khác, nhưng vẫn còn di chứng liệt nửa người, có thể là vĩnh viễn.
“Giờ vàng” trong cấp cứu đột quỵ GS.TS.BS Lê Đức Hinh, chủ tịch hội Thần kinh học Việt Nam cho biết: Đột quỵ rất nguy hiểm, thường chỉ có thời gian vàng 3 – 4 giờ đầu từ khi khởi phát đột quỵ để được cứu sống. Ở Việt Nam, kiến thức này còn rất ít người biết, dẫn đến tình trạng nhiều bệnh nhân đột quỵ không qua khỏi, hoặc chịu những di chứng nặng nề về thần kinh. Có nguy cơ đột quỵ là những người ở tuổi cao: 60 – 65 bị các bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, sinh hoạt không điều độ... Trong vòng một phút, nếu thấy những dấu hiệu xảy ra nhanh chóng như yếu chân tay, nói líu ríu, mất thăng bằng, cần nghi ngờ người đó bị đột quỵ. Trong vòng vài giờ sau khi tai biến mạch máu não xảy ra, các triệu chứng đột ngột xuất hiện như: yếu liệt hoặc tê rần ở vùng mặt, tay hoặc chân, đặc biệt là một bên cơ thể; lú lẫn, rối loạn lời nói hoặc hiểu biết (khó tìm từ hoặc không hiểu từ; nói líu ríu, lắp bắp); không nhìn thấy ở một hay cả hai mắt hoặc nhìn một hoá hai; khó khăn khi bước đi hoặc khó phối hợp các động tác; nhức đầu dữ dội mà không biết nguyên nhân; suy giảm ý thức nhanh chóng; mất thăng bằng, chóng mặt, nôn... Trong một số trường hợp, người bệnh vẫn tỉnh táo, nhưng đa số bị giảm sút tri giác (như lơ mơ, ngủ gà, có thể hôn mê). Bệnh nhân có thể liệt nửa người, liệt mặt và các cơ hầu họng (gây nuốt khó, sặc khi ăn uống, nói khó), tiêu tiểu không tự chủ. |