Gặp người đàn bà dành cả đời người học... đẻ
Người ta học này học nọ nhưng tôi học đẻ nửa đời người. Cái điều mà ai cũng xem là bình thường mà tôi chỉ mải mê đi "học".
Chồng yếu sinh lý, vợ mang tiếng cây độc
Bà Nguyễn Thị U. (Nam Trực, Nam Định) là bà mẹ già nhất ở trung tâm hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Ở 53, cái tuổi người ta có cháu bồng, cháu bế bà mới được hưởng thiên chức làm mẹ. Lấy chồng 30 năm là chừng ấy thời gian bà miệt mài thầy nọ, thuốc kia để chữa bệnh không đẻ được.
"Cục vàng" của bà U, người phụ nữ dành gần cả đời người để học mang nặng đẻ đau Mọi hờn tủi không khổ bằng những lời bóng gió cay nhiệt của nhà chồng. Bà bị coi như cây độc. Có hôm, nép mình bên cạnh cảnh cửa gỗ cũ bà nghe rõ mẹ chồng bà mắng con trai "ở đời thiếu gì phụ nữ mà mày tha cây điếc về nhà". Những lúc như thế bà như nuốt nước mắt vào lòng. Thời gian đầu, mọi người đều nghĩ không có con là do bà chứ không phải do người chồng. Mọi điều ác bà đều gánh nhận hết.
Duy chỉ có người chồng là luôn quan tâm chia sẻ và đồng cảm với bà. 13 năm chung sống, ông bà quyết định nhận xin con nuôi. Nhưng sau đó bé lại bị mẹ đẻ xin lại. Thấu hiếu tình mẫu tử nên với người phụ nữ bất hạnh đó, việc tìm kiếm đứa con do chính mình mang nặng đẻ đau là điều thiêng liêng nhất. Dù cậu con trai ông bà nhận nuôi rất thông minh, ông bà coi như con đẻ nhưng bà vẫn âm thầm chữa bệnh.
Từ những năm 2000, thấy một người phụ nữ trong xã cũng có hoàn cảnh giống mình đi làm thụ tinh trong ống nghiệm sinh được hai cô con gái, bà U. mừng lắm. Bà lặn lội đi chữa bệnh một mình. Nhớ lại những ngày đầu gian nan có mặt ở trung tâm hỗ trợ sinh sản, bà U kể: "Lúc đó người ta đi khám cả cặp, còn tôi có một mình thôi. Lên xin tư vấn bác sĩ bảo 46 tuổi rồi làm sao được nữa mà cố. Ở tuổi này tỷ lệ thành công ít lắm. Nhưng tôi vẫn quyết tâm cố gắng, chỉ sợ không có tiền thôi. Nhà chồng lại cổ hủ cho rằng con do mình làm ra còn chả được lại nhờ công nghệ cái gì".
Bà về nhà thuyết phục chồng cùng lên viện. Tuy nhiên, qua khám bác sĩ cho biết nguyên nhân vô sinh hơn 20 năm qua ai cũng nghĩ do bà lại là từ người chồng khỏe mạnh. Chồng bà có tinh trùng yếu, đạt 20% nên không thể thụ thai kể cả lúc hai vợ chồng còn trẻ.
"Cục vàng" của bà U, người phụ nữ dành gần cả đời người để học mang nặng đẻ đau
Ở tuổi của ông đã ngoài 50 bà đang bước sang tuổi tiền mãn kinh các bác sĩ khuyên hai ông bà nên từ bỏ. Nếu bây giờ muốn làm thụ tinh trong ống nghiệm thì ông bà phải xin cả trứng và tinh trùng. Vì đòi hỏi tìm kiếm xin cả trứng và tinh trùng khó.
Tuy nhiên, bà U rất quyết tâm và tìm được người cho trứng. Lần đầu bơm phôi vào tử cung được 12 tuần thì phôi hỏng. Bà U. buồn bã ra về. Các bác sĩ nghĩ rằng bà đã từ bỏ việc sinh con vì đã nhiều tuổi.
53 tuổi quyết làm thụ tinh trong ống nghiệm
Vài năm sau, vợ chồng bà U. lại quay lại bệnh viện. Lần này, ông bà quả quyết sẽ cố gắng hết sức. Ông bà cũng tìm được người hiến trứng và hiến tinh trùng cho mình. Bà U. kể thực ra nói là hiến chứ mình vẫn phải động viên họ. Mỗi ca như thế ông bà tốn cả trăm triệu đồng. Lần trước thất bại, bà không buồn mà thấy mọi người làm thành công nên bà quyết tâm về chăm chỉ làm ăn kiếm tiền làm thụ tinh trong ống nghiệm.
Gần 4 năm bà xẻn xo tiết kiệm. Đến khi ông bà có một khoản tiền ông bà lại tìm người cho trứng và tinh trùng. Thấy vợ quyết tâm nên chồng bà cũng ủng hộ ông bà lắm. Bà kể "xin tinh trùng thì vài ba triệu chứ xin trứng đắt lắm. Cả tiền kích trứng, tiêm thuốc cho đến khi chuyển phôi vào tử cung của bà là quãng thời gian tốn kém và mệt mỏi vô cùng. Có đêm nằm ngủ mơ người ta không cho mình nữa. Lúc đó, tôi đã phải khóc lóc, quỳ gối xin họ. Khi tỉnh dậy toát mồ hôi. May đó chỉ là mơ".
Ca của bà được chính tay PGS, TS Nguyễn Viết Tiến thực hiện. May mắn cho bà lần này thành công. Cặp vợ chồng già mừng hơn bắt được vàng. Từ ngày bà có bầu, tình mẫu tử càng thiêng liêng biết mấy. 9 tháng 10 ngày thì bà nằm viện dưỡng thai đến 8 tháng. Mỗi tuần, chồng bà lại tranh thủ tiếp tế cho vợ.
Để có quả chín ngon ngọt, vợ chồng bà đã chịu biết bao cay đắng và tủi hơn. Bà kể, những tháng cuối của thai kỳ là lúc gia đình bà đã khánh kiệt kinh tế. Người thông cảm thì ít, người không thông cảm thì cho rằng vợ chồng bà hâm, già rồi nuôi con sao được nữa mà còn đẻ.
Những lúc đó, bà tự an ủi mình: "Tôi đã học đẻ gần cả đời người rồi, may lần này thành công thì phải chớp lấy cơ hội. Bà không sợ sinh con ra không nuôi được mà bà chỉ lo đến tương lai của cháu sẽ gặp nhiều khó khăn khi bố mẹ thực của cháu tìm đến vợ chồng bà. Dù bà cố gắng không liên lạc gì với người hiến trứng nhưng nhiều đêm nằm mơ có người đến đòi lại con như đứa trẻ trước bà đã từng nuôi khiến bà U. mất ngủ bao đêm.