Đừng để “nâng chén tiêu sầu chỉ thêm sầu”

Có những thông tin lan truyền qua báo chí, mạng internet… rằng uống rượu (1) giúp phòng ngừa và giảm nguy cơ bệnh tim mạch. Thực sự thì hội Tim mạch Mỹ (American Heart Association – AHA) có đưa ra khuyến cáo về việc uống rượu. Tuy nhiên, khuyến cáo này cần được hiểu rõ để tránh ngộ nhận, gây tác hại cho sức khoẻ và cuộc sống.

Từ trước tới nay, việc lạm dụng rượu, uống rượu nhiều, kéo dài… hoàn toàn không được khuyến khích vì không tốt cho sức khoẻ: ảnh hưởng tới sự tỉnh táo, rối loạn ý thức, tăng nguy cơ tai nạn, đột quỵ, gây tổn thương các cơ quan gan, tim, não, thần kinh, tiêu hoá… đưa đến tử vong sớm.

Riêng với tim mạch, uống rượu nhiều làm tăng nồng độ cholesterol “xấu” trong máu là triglyceride, gây tổn thương thận và thành mạch máu, đưa đến tăng huyết áp. Bên cạnh đó, rượu là thức uống giàu năng lượng, uống nhiều dẫn đến béo phì, tiểu đường. Tất cả những điều trên là yếu tố nguy cơ gây ra nhồi máu cơ tim, đột quỵ.

Uống rượu lâu năm làm suy giảm chức năng cơ tim. Giả thiết đưa ra là tế bào cơ tim bị tổn thương do độc tính trực tiếp của rượu lên cơ tim hoặc do tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu vitamin B1 và các yếu tố vi lượng như đồng, crôm, kẽm… gặp phải ở một số người nghiện rượu. Rượu có thể gây rối loạn nhịp tim. Người nghiện rượu nặng, sau những đợt uống nhiều rượu, có thể gặp những cơn rối loạn nhịp tim, tim đập không đều khiến họ cảm thấy khó thở, đau ngực, hồi hộp, đánh trống ngực... Người ta đã đặt tên “hội chứng ngày nghỉ lễ” cho tình trạng rối loạn nhịp tim sau khi uống nhiều rượu trong dịp lễ, nghỉ cuối tuần.

Lợi cho tim mạch: không nổi trội

Cách đây trên 30 năm, một số nghiên cứu thấy rằng tần suất mắc bệnh mạch vành của người Pháp thấp hơn người Anh, dù trong khẩu phần của người Pháp có nhiều chất béo, một yếu tố gây xơ vữa động mạch. Sau đó nhiều năm, các nhà nghiên cứu nghĩ nguyên nhân là do người Pháp uống nhiều rượu vang. Đến nay, có nhiều nghiên cứu cho rằng uống rượu mức độ ít, vừa phải, về cơ bản có thể giảm nguy cơ mắc bệnh mạch vành, giảm tỷ lệ tử vong từ những nguyên nhân tim mạch, giảm nguy cơ suy tim, đột quỵ, ngăn ngừa đái tháo đường, hội chứng chuyển hoá…

Tác dụng bảo vệ tim mạch của rượu do hai cơ chế. Cơ chế thứ nhất là bảo vệ thành mạch máu, ngăn ngừa mảng xơ vữa bám vào thành mạch do rượu làm tăng nhẹ nồng độ HDL (cholesterol tốt, có tác dụng dọn dẹp mảng xơ vữa trên thành mạch), có các chất chống oxy hoá và chống viêm thành mạch. Cơ chế thứ hai là rượu góp phần giảm khả năng tạo cục máu đông ở mạch máu do làm giảm nồng độ fibrinogen. Tuy nhiên, cũng có những biện pháp có tác dụng tương tự và đã được chứng minh hiệu quả như tập thể dục làm tăng nồng độ HDL; các loại rau, trái cây, thức ăn ít chất béo bão hoà giúp chống oxy hoá và viêm thành mạch; thuốc aspirin được sử dụng với tác dụng ngăn ngừa tạo cục máu đông.

Đừng để “nâng chén tiêu sầu chỉ thêm sầu” - 1

“Dzô” càng nhiều tim càng suy

Nếu chưa uống rượu thì đừng uống

Như vậy, có những bằng chứng cho thấy uống rượu ở mức độ ít và vừa phải có tác dụng bảo vệ hệ tim mạch. Mặc dù vậy, cần lưu ý là AHA không hề khuyến khích mọi người nên uống rượu ở mức độ vừa phải, mà AHA khuyến cáo rằng, nếu có uống rượu thì nên giới hạn ở mức độ ít. Rượu sẽ gây hại cho sức khoẻ khi bị lạm dụng về số lượng và thời gian uống. Cho dù uống rượu với lượng ít nhưng uống thường xuyên và lâu dài cũng không tốt cho sức khoẻ. Khi đó, tác dụng gây hại của rượu sẽ nhiều hơn ích lợi nó mang lại.

AHA cũng khuyến cáo rằng mọi người không nên bắt đầu uống rượu nếu chưa từng uống. Ích lợi với hệ tim mạch của rượu vẫn đang được tìm hiểu và cần nhiều bằng chứng hơn. Ích lợi này không quá rõ rệt và mang lại nhiều hiệu quả bằng những biện pháp chắc chắn tốt cho tim mạch như tập thể dục thường xuyên, không hút thuốc lá, ăn lạt, ăn nhiều rau quả, ăn ít chất béo bão hoà… Muốn tốt cho hệ tim mạch, mọi người nên áp dụng lối sống lành mạnh hơn là uống rượu.

ThS.BS Ngô Bảo Khoa, Bác sĩ điều trị – phẫu thuật, khoa phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện đại học Y dược TP.HCM.

(1) Từ “rượu” trong bài được dùng để chỉ thức uống có cồn nói chung. (2) Đơn vị uống. 1 drink được định nghĩa là 18ml dung dịch cồn. Như vậy, 1 drink có thể là 360ml bia (nồng độ cồn của bia là khoảng 5%), 45ml rượu mạnh Brandy, 45ml rượu 40 độ, 30ml rượu 50 độ…

Ảnh hưởng của rượu lên mỗi cá nhân thay đổi khác nhau do nhiều yếu tố như tuổi, giới tính, cân nặng, sức khoẻ, tiền căn bệnh lý… Theo AHA, để an toàn và tốt cho sức khoẻ, nam giới uống không quá 2 drink(2)/ngày và nữ giới uống không quá 1 drink/ngày. Cả nam và nữ trên 65 tuổi không nên uống quá 1 drink/ngày. Nam giới uống nhiều hơn 4 drink/lần hoặc hơn 14 drink/tuần, nữ giới uống nhiều hơn 3 drink/lần hoặc hơn 7 drink/tuần được coi là uống rượu nhiều.

Cần hỏi ý kiến bác sĩ về lượng rượu an toàn có thể uống khi có các tình trạng rối loạn về tim mạch như tăng huyết áp, suy tim, mắc bệnh mạch vành có dùng aspirin… Phụ nữ mang thai tuyệt đối không uống rượu vì rượu sẽ gây hại cho sức khoẻ mẹ và thai nhi, gây dị tật thai.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sài Gòn tiếp thị
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN