Đông lạnh trứng 13 năm rồi mới thụ thai
Cô Moaza al Matrooshi (24 tuổi, người Dubai) trở thành người phụ nữ đầu tiên trên thế giới có con sau khi cấy ghép mô buồng trứng của chính mình sau khi đã được đông lạnh 13 năm.
Cô al Matrooshi là trường hợp đầu tiên trữ mô buồng trứng từ lúc nhỏ.
Cô cũng là người đầu tiên mang thai thành công từ mô buồng trứng lấy đi lúc cô còn chưa dậy thì. Hiện cả thế giới có khoảng 100 trẻ được sinh ra từ các bà mẹ trữ mô buồng trứng lúc ở tuổi trưởng thành. Cô al Matrooshi là trường hợp đầu tiên trữ mô buồng trứng từ lúc nhỏ.
Lúc nhỏ, al Matrooshi bị chẩn đoán mắc chứng thiếu máu di truyền beta thalassaemia, làm giảm khả năng dẫn ôxy vào máu. Năm chín tuổi, gia đình quyết định sẽ cho cô phẫu thuật cấy ghép tủy từ anh trai mình.
Với phẫu thuật này, 99% cô mất khả năng sinh sản. Tuy nhiên, mẹ cô quyết định đông lạnh mô buồng trứng của cô để có thể cấy ghép lại sau này. Và mô buồng trứng phải của cô được lấy đi đông lạnh trước khi thực hiện phẫu thuật cấy ghép tủy tại một bệnh viện ở Anh.
Sau phẫu thuật cô al Matrooshi quay lại Dubai, lấy chồng ở tuổi 20. Hai vợ chồng không thể có con theo cách tự nhiên. Cả hai quay lại Anh.
Sau quá trình điều trị bằng hormone, tháng 8-2015, các bác sĩ cấy ghép mô buồng trứng đông lạnh của cô trở lại vào buồng trứng của cô.
Vì là mô buồng trứng của chính mình nên sau ba tháng, buồng trứng của al Matrooshi hoạt động tốt. Bác sĩ thu thập ba trứng do buồng trứng của cô sản xuất ra, sau đó thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng của chồng cô. Cô chính thức mang thai vào tháng 4.
Nhiều chuyên gia nhận định trường hợp al Matrooshi là một hứa hẹn tốt. Theo Sara Matthews, bác sĩ điều trị chính cho al Matrooshi, nên có nhiều cơ sở y tế có khả năng đông lạnh và bảo quản mô buồng trứng trong những trường hợp tương tự, giúp khôi phục khả năng sinh sản của các bệnh nhân mắc các chứng bệnh làm họ mất khả năng này.