Dịch cúm A/H7N9: Chim khỏe, người chết
Mặc dù, Bộ Y tế Trung Quốc cam kết sẽ tiếp tục công khai mọi diễn biến dịch cúm H7N9, nhưng người dân vẫn hoang mang trước sự nhiễu loạn thông tin.
Ngày 6/4, dân chúng ở Nam Kinh rất lo lắng trước hiện tượng chim sẻ không biết từ đâu bay tới đậu trên các cây ngọc lan ở hai bên đường chết rơi lả tả không rõ nguyên nhân.
Đóng cửa các chợ gia cầm
Những ngày gần đây, liên tiếp xuất hiện những thông tin về cúm gia cầm virus H7N9 khiến người ta lo ngại. Theo Tân Hoa xã, tính đến cuối ngày 5/4, đã phát hiện tổng cộng 16 ca nhiễm là người Đại lục Trung Quốc, trong đó 6 người đã chết: Thượng Hải 6 ca (đã chết 4), Giang Tô 6 ca, Triết Giang 3 ca (đã chết 2), An Huy 1 ca. Trong 8 người đang điều trị tại bệnh viện, 7 người đang trong tình trạng nguy cấp.
Ngoài ra, cơ quan y tế Hongkong hôm 5/4 cũng xác nhận 1 bé gái 7 tuổi đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu do có những biểu hiện bị nhiễm virus H7N9. Bé gái này hồi cuối tháng 3 đã tới Thượng Hải, sau khi trở về Hongkong thì xuất hiện các triệu chứng của cúm virus H7N9.
Nếu loại virus H7N9 lây lan ở Trung Quốc và ra nước ngoài thì sẽ đáng sợ hơn cúm H5N1 nhiều vì khi có dịch cúm virus H5N1 người ta còn nhận biết được với chứng cứ là gia cầm chết, còn với virus H7N9 thì chúng lặng lẽ lan truyền trong gia cầm, chỉ khi lây sang người nào đó thì chúng ta mới biết được.
Phun thuốc phòng dịch cúm gia cầm ở Trung Quốc.
Bộ Y tế Trung Quốc khẳng định những bệnh nhân bị cúm gia cầm virus H7N9 không liên quan gì đến hiện tượng lợn, vịt, ngỗng nuôi tại vùng lưu vực sông Dương Tử (Trường Giang) bị chết trên quy mô lớn.
Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ lại lo ngại rằng nếu đàn lợn bị chết vì virus cúm gia cầm thì virus rất có thể biến dị thành chủng loại mới có thể lây lan sang người và từ người sang người.
Trong khi đó, Viện nghiên cứu bệnh truyền nhiễm của Nhật ra tuyên bố: qua nghiên cứu họ đã phát hiện gene di truyền của virus H7N9 có sự biến đổi, trở nên dễ xâm nhập tế bào người. Viện này kêu gọi cần giám sát chặt chẽ những người bị nhiễm, đề phòng lây lan quy mô lớn.
Ủy ban Y tế và sinh đẻ kế hoạch Thượng Hải đã xác nhận thông tin: phát hiện thấy triệu chứng nhiễm virus H7N9 ở 1 trong số 33 người tiếp xúc gần gũi với 1 bệnh nhân đã tử vong bị nhiễm virus này và đang theo dõi chặt trường hợp này.
Nhiều biện pháp quyết liệt đã được áp dụng để đề phòng và ngăn ngừa virus H7N9 lây lan sau khi phát hiện thấy virus H7N9 có trong chim bồ câu bán tại chợ bán buôn nông sản Thượng Hải hôm 4/4.
Ngay đêm cùng ngày, một loạt chợ gia cầm ở thành phố như Tùng Giang, Hộ Hoài, Phụng Trang, Mẫn Hành, Cảnh Xuyên…đã bị đóng cửa, tất cả gia cầm bán ở đây đều bị tiêu hủy.
Từ ngày 6/4, Thượng Hải sẽ đóng cửa tất cả các chợ gia cầm sống, cấm mua bán, cấm vận chuyển gia cầm sống vào thành phố này.
Điều khiến người ta lo ngại là những con chim bồ câu có mang virus H7N9 vẫn khỏe mạnh và sống bình thường, trong khi virus H7N9 lây sang những người khỏe mạnh lại dễ dàng quật ngã họ.
Cho đến nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chủ trương giảm bớt sự lo lắng của mọi người đối với virus H7N9 và khẳng định “chưa có chứng cứ cho thấy virus H7N9 lây từ người sang người, nhưng quan trọng nhất là phải tìm được nguồn gốc lây nhiễm”.
Cách đây hơn 1 tháng, đã có thông tin phát hiện virus H7N9 trên cơ thể người, nhưng hơn 20 ngày sau thông tin mới được công khai. Cơ quan có trách nhiệm của Trung Quốc giải thích về sự chậm trễ này là do “việc điều tra cần có thời gian”.
Ngày 5/4, Bộ Y tế Trung Quốc cam kết sẽ tiếp tục công khai mọi diễn biến và duy trì sự liên hệ, trao đổi với WHO và các nước khác, đồng thời tăng cường các biện pháp dự phòng.
Bác sỹ cũng nhầm, bệnh nhân hoang mang
Tờ “The Aple Daily” ngày 3/4 đã đăng bài chỉ trích tình trạng “hệ thống phòng dịch hỗn loạn” ở Triết Giang, một trong những tỉnh đang bị cúm virus H7N9 tấn công.
Báo này viết, tại bệnh viện trực thuộc Đại học Y khoa Triết Giang ở Hàng Châu, nơi thu nhận và điều trị các bệnh nhân cúm virus H7N9, các bác sĩ thậm chí đã ghi nhầm virus H7N9 thành “N7H9”.
Tại bệnh viện Hồ Châu, phóng viên đã chứng kiến và chụp được hình ảnh các nhân viên bệnh viện mặc đồ phòng hộ vừa kéo lê bao đựng thi thể bệnh nhân họ Trương 64 tuổi chết vì virus H7N9 trên nền nhà để đưa ra xe vừa kêu luôn miệng “Bệnh lây đấy, bệnh lây đấy!” khiến những người nhà bệnh nhân khác hốt hoảng chạy tránh.
Một vấn đề đáng lưu ý khác là gánh nặng chi phí đắt đỏ đối với những người không may bị nhiễm virus H7N9.
Một phụ nữ ở Nam Kinh từ khi nhập viện đến nay đã tiêu sạch số tiền 100 ngàn tệ (330 triệu VNĐ) tiết kiệm của cả gia đình và hiện đang phải điều trị nhờ tiền quyên góp của mọi người.
Ông chồng khi trả lời phóng viên báo địa phương đã ngậm ngùi “số tiền 20 ngàn tệ còn nợ bệnh viện, có lẽ phải bán nhà đi để trả”. Một nữ bệnh nhân khác người An Huy cũng lâm vào tình cảnh tương tự, chỉ còn biết trông chờ nhà nước hỗ trợ.
Cho đến nay người ta vẫn chưa tìm ra được nguồn gốc và con đường lây lan trong gia cầm của virus H7N9. Nhiều chuyên gia nghiên cứu về bệnh dịch quốc tế đã lên tiếng yêu cầu cơ quan y tế Trung Quốc phải tiến hành cuộc điều tra tìm kiếm quy mô lớn trong động vật và gia cầm ở các khu vực có bệnh nhân để nhanh chóng phát hiện, chặn đứng sự lây lan của virus H7N9.
Thuốc đông y ngăn ngừa được virus H7N9? Theo Tân Hoa xã ngày 6/4, Cục quản lý trung y Bắc Kinh đã công bố hai bài thuốc đông y giúp ngăn ngừa virus H7N9 và đề nghị những người thuộc nhóm nguy cơ lây nhiễm cao (những người chăn nuôi, giết mổ, chế biến, bán thịt gia cầm) hãy mua, uống loại thuốc này thay cho uống trà để dự phòng. Bài thứ nhất: Lư căn 10g, Liên kiều 3g, mỗi ngày 1 thang, chế nước sôi như uống trà, thích hợp cho trẻ em từ 3-12 tuổi. Bài thứ hai: Bạch mao căn 5g, Hoắc hương 3g, Cúc hoa 3g, Bắc sa sâm 5g, mỗi ngày 1 thang, thích hợp cho người trung, cao tuổi. Tuy nhiên, Cục quản lý đông y Bắc Kinh cũng khuyến cáo: sử dụng thuốc phải do các bác sỹ quyết định, không nên tự phán đoán, tự quyết định, không uống dài ngày, nếu uống thuốc thấy khó chịu trong người cần ngừng uống ngay và tìm đến bác sĩ xin tư vấn. |