Đi bơi, cẩn trọng với hàng loạt bệnh viêm nhiễm

Sự kiện: Sống khỏe

Trong những ngày nắng nóng, người đến bể bơi càng đông tỷ lệ thuận với nguy cơ cao bệnh tật viêm nhiễm dễ mắc như: Viêm da, viêm phụ khoa, đau mắt, tiêu chảy…

Đi bơi, cẩn trọng với hàng loạt bệnh viêm nhiễm - 1

Ngoài viêm da, bể bơi công cộng còn được coi là nơi có nguy cơ phát sinh một số bệnh truyền nhiễm

Viêm phụ khoa vì nước bể bơi

Những ngày nắng nóng, nhìn bạn bè rủ nhau đi bơi, cô bé Nguyễn Thanh Tr. (trú tại Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) thèm lắm nhưng nhất quyết không bước chân xuống bể bơi. Chị Phan Thị Th. (mẹ bé Tr.) cho hay: “Mùa hè năm trước, thấy con thích bơi nên chị đưa con đi tập bơi ở một bể công cộng gần nhà. Nhưng một thời gian sau, thấy cháu kêu khó chịu, đau rát phần phụ, tôi kiểm tra phát hiện cháu đỏ phần phụ, có dấu hiệu mưng mủ nên đưa con đi khám ở BV Phụ sản Hà Nội”. Sau khi khám và làm các xét nghiệm, bác sĩ kết luận bé Tr. bị viêm, nên kê đơn thuốc uống và bôi rửa. Khoảng 1 tháng sau bé Tr. mới khỏi. “Ban đầu gia đình cũng bất ngờ vì cháu mới lớp 3 đã mắc viêm phần phụ. May phát hiện ra sớm, khám chữa kịp thời. Bình thường chưa bao giờ bị, chỉ xuất hiện sau thời gian đi bơi. Sau lần đó, chính cháu cũng hoảng sợ và gia đình không cho cháu đi bơi nữa”, chị Th. cho biết.

BS. Lê Kim Dung (khoa Sản, Trung tâm Y tế lao động Thái Hà) cho biết, viêm âm đạo khi đi bơi cũng rất thường gặp, do nhiễm nấm có trong bể bơi. Theo lời khuyên của BS. Dung, sau khi bơi xong cần đi vệ sinh, rửa âm đạo bằng nước sạch. Lưu ý khi rửa không nên thụt quá sâu vào trong, vì như vậy sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn vào sâu hệ thống sinh sản. “Ngoài ra, khi người phụ nữ đi bơi về thấy có biểu hiện ngứa rát âm đạo, âm hộ, tiểu rát, ra nhiều khí hư sền sệt màu trắng đục như sữa và có mùi chua, cảm thấy đau ở hai hố chậu… thì cần phải đến các cơ sở y tế để kiểm tra, sớm có phương pháp điều trị thích hợp”, BS. Dung chia sẻ.

Gia tăng bệnh nhân mắc viêm da sau đi bơi

Tìm đến BV Da liễu T.Ư khám khi toàn thân ngứa đỏ chỉ sau 2 tuần bơi, em Nguyễn Thanh H. (trú tại Hoàng Mai) cho biết: “Em đi khám vì thấy toàn thân ngứa ngáy, khó chịu, đặc biệt tại các nếp gấp như: Kheo chân, kheo tay ngứa đỏ. Tình trạng này kéo dài gần 1 tuần nay”. Không chỉ ngứa đỏ, lớp da trên cơ thể H. bắt đầu bong tróc, nứt nẻ. Sau khi khám, H. được bác sĩ chẩn đoán “viêm da kích ứng với hóa chất trong nước bể bơi, trên nền bệnh vốn có là viêm da cơ địa” và được chỉ định đợt điều trị cấp của viêm da cơ địa.

"Để giảm sự lây nhiễm của bệnh truyền nhiễm, mọi người nên lựa chọn bể bơi vắng người. Khu bể có tắm tráng trước khi xuống bể, do vậy người bơi nên làm ướt tóc, ướt da, qua đó da và tóc sẽ hấp thu ít hóa chất hơn nước bể bơi. Sau bơi phải tráng ngay lập tức để hóa chất, vi khuẩn trên da trôi đi không bám đọng trên mặt da. Sau đó, sử dụng các sản phẩm tắm rửa dịu nhẹ tránh khô da, hoặc dùng thêm sản phẩm dưỡng da”.

TS. BS. Phạm Thị Minh Phương
Giám đốc Trung tâm Đào tạo và chỉ đạo tuyến, BV Da liễu T.Ư

TS. BS. Phạm Thị Minh Phương, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và chỉ đạo tuyến, BV Da liễu T.Ư cho biết: “Bên cạnh các bệnh viêm da, bể bơi công cộng là nơi có nguy cơ phát sinh một số bệnh truyền nhiễm dễ gặp như: Tiêu chảy, viêm tai, viêm mũi, viêm kết mạc…”.

Theo BS. Phương, vào mùa hè rất nhiều người sử dụng bể bơi đã đến Bệnh viện Da liễu với bệnh thường gặp là viêm da tiếp xúc. Thông thường, người ta sử dụng nhiều hóa chất hoặc vật lý để tiệt trùng cho nước bể bơi, trong đó, hóa chất clorine rất hay được sử dụng và đây chính là nguyên nhân gây kích ứng cho da. Khi clorine ở nồng độ cao sẽ gây một loạt các viêm da kích ứng với người sử dụng. Một số người nhạy cảm sẽ bị viêm da tiếp xúc dị ứng. “Khi quá tải người sử dụng bể bơi, hiệu suất lọc nước không đáp ứng kịp, người ta tiếp tục đổ thêm clorine vào bể làm nồng độ tăng cao quá mức sẽ gây nhiều bệnh về da. Chưa kể đến việc không được diệt khuẩn, rất nhiều vi khuẩn còn tồn tại cũng sẽ gây nên những nhiễm trùng da rất hay gặp”, BS. Phương cho biết.

Theo phân tích của BS. Phương, clorine thường gây viêm da tiếp xúc khi ở nồng độ khá cao, tuy nhiên ngay cả khi nồng độ không cao lắm nhưng nếu sử dụng thường xuyên hàng ngày cũng không tốt, gây tác dụng phụ lên da. Ví như việc gây khô da vì bản chất clorine rửa trôi chất lipit trên bề mặt da, sau đó sẽ gây ngứa, nứt nẻ da. “Và khi sử dụng nước bể bơi hàng ngày không những da bị khô còn tăng tình trạng lão hóa nữa”, bà Phương cho hay.

6 dấu hiệu cảnh báo bạn không nên bơi ở những nơi này

Mùa hè là mùa của du lịch sông biển hoặc chỉ đơn giản là đi bơi ở các hồ bơi. Tuy nhiên, những nơi này đều ẩn chứa...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vũ Anh (Báo Giao Thông)
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN