Dễ chết vì nhiễm trùng uốn ván

Tại các địa phương phía Nam, bệnh uốn ván sơ sinh đang có xu hướng tăng trở lại. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do thói quen dùng tre nứa, dao kéo để cắt rốn.

Mới đây, Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới  TPHCM tiếp nhận cấp cứu bé trai sơ sinh ngụ tỉnh Sóc Trăng bị nhiễm trùng uốn ván nguy kịch. Bé được đỡ đẻ tại nhà và được bôi một chất bột màu trắng lên rốn.

Bà mụ vườn gây họa

Bé trai này chào đời hoàn toàn khỏe mạnh. Tuy nhiên, bé không sinh tại BV mà được bà mụ vườn đỡ đẻ tại nhà. Bà ta đã  dùng dao lam để cắt rốn, sau đó bôi một chất bột màu trắng lên để sát trùng. Ba ngày sau, bé bắt đầu có biểu hiện quấy khóc, bỏ bú, tím tái, sốt cao.

Đến khi bé bắt đầu lên cơn co giật, gồng cứng người, gia đình mới chuyển đến cơ sở y tế địa phương rồi cấp tốc chuyển lên BV tuyến trên. Tại BV Bệnh nhiệt đới, qua các xét nghiệm, bác sĩ kết luận bệnh nhi bị uốn ván.

Dễ chết vì nhiễm trùng uốn ván - 1

Một trẻ bị uốn ván cấp cứu tại Bệnh viện nhiệt đới TPHCM

Bác sĩ Phan Tứ Quí, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc sơ sinh BV Bệnh nhiệt đới, cho biết những năm trước, số bệnh nhi bị uốn ván sơ sinh rất hiếm gặp, cao lắm cũng chỉ 5 ca/năm. Sang năm 2012, BV này tiếp nhận, điều trị thành công cho 12 bé và chỉ vài tháng đầu năm 2013 đã ghi nhận 3 trường hợp sơ sinh bị uốn ván.

Theo thạc sĩ - bác sĩ Hồ Vĩnh Thắng, Trưởng nhóm chương trình tiêm chủng mở rộng phía Nam - Viện Pasteur TPHCM, thống kê cho thấy bệnh uốn ván sơ sinh đang có xu hướng tăng trở lại ở các địa phương phía Nam. Số trẻ mắc bệnh uốn ván năm 2011 và 2012 bằng với đỉnh của năm 2005 (từ 12 ca trở lên), trong khi giai đoạn 2006-2010 chỉ vài trường hợp. Các địa phương ghi nhận có trẻ bị uốn ván nhiều là Long An, Bình Phước, An Giang, Đồng Nai, Đắk Nông, Đồng Tháp, Cần Thơ.

Theo các bác sĩ, nguyên nhân chính là do người dân hiểu biết hạn chế về y tế, thiếu biện pháp phòng ngừa, sinh rớt... Đáng lưu ý là người mẹ trong quá trình mang thai không đi chích ngừa uốn ván. Ngoài ra, các bà mụ vườn đỡ đẻ theo kinh nghiệm, dùng dao lam, kéo sắt, tre nứa… chưa được sát trùng để cắt rốn nên dễ gây nhiễm trùng nguy hiểm cho trẻ.

Di chứng nặng nề

Các chuyên gia y tế khuyến cáo uốn ván là bệnh rất nguy hiểm ở trẻ. Ngoài tỉ lệ tử vong cao (chiếm 20%-40% trường hợp mắc bệnh), nếu may mắn thoát chết, trẻ cũng bị nhiều biến chứng nặng như dễ ngưng tim, ngưng thở đột ngột, tăng huyết áp, trụy tim mạch, suy hô hấp, xẹp phổi, nhiễm trùng huyết, xuất huyết tiêu hóa...

Trong đó, nguy hiểm nhất là biến chứng suy hô hấp, vốn chiếm 50% nguyên nhân gây tử vong ở bệnh nhân uốn ván. Trẻ bị uốn ván càng dễ tử vong nếu điều trị ở các cơ sở thiếu máy móc thiết bị, đặc biệt là các trang thiết bị hồi sức, cấp cứu hiện đại.

Có ý kiến cho rằng số ca mắc uốn ván đang tăng nhanh cho thấy kiến thức phòng bệnh nói riêng và chương trình tiêm chủng mở rộng nói chung chưa phổ quát đến toàn dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Các bác sĩ lưu ý dù có tỉ lệ tử vong cao nhưng bệnh uốn ván hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm chủng đủ liều. “Chi phí cho việc chích ngừa chỉ khoảng vài trăm ngàn đồng, trong khi điều trị một ca nặng hết 50-80 triệu đồng nhưng có khi vẫn không cứu được” - một chuyên gia nhấn mạnh.

Nhiều người thiếu hiểu biết

Một cuộc khảo sát của Viện Pasteur TPHCM tại tỉnh Bình Phước cho thấy 22% người dân ở đây chưa hiểu biết về bệnh uốn ván sơ sinh, người mẹ không quan tâm đến việc chích ngừa vắc-xin miễn phí tại các trạm y tế.

Nghiên cứu do BV Bệnh nhiệt đới thực hiện cũng chỉ ra rằng việc triển khai tiêm vắc-xin ngừa uốn ván của chương trình tiêm chủng mở rộng đã giảm tỉ lệ trẻ dưới 10 tuổi bị uốn ván nhập viện từ 11% xuống còn 5,6%, phụ nữ trong lứa tuổi sinh nở bị uốn ván giảm từ 10% còn 1,2%.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo XUÂN THU (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN