Đậu mùa khỉ có phải là bệnh lây truyền qua đường tình dục?

Nhiều người cho rằng đậu mùa khỉ là một bệnh lây truyền qua đường tình dục. Tuy nhiên, theo BS.CK2 Đoàn Văn Lợi Em, đậu mùa khỉ không phải là bệnh lây truyền qua đường tình dục nhưng hành vi quan hệ tình dục có thể là yếu tố thuận lợi làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh.

Bệnh đậu mùa khỉ vẫn chưa được xem là bệnh lây truyền qua đường tình dục

Chia sẻ với phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống, BS.CK2 Đoàn Văn Lợi Em – Phó trưởng khoa Lâm sàng 3 – Bệnh viện Da llễu TP.HCM cho biết, lý do bệnh đậu mùa khỉ vẫn chưa được xem là bệnh lây truyền qua đường tình dục là vì các bệnh lây truyền qua đường tình dục chủ yếu lây lan qua quan hệ tình dục, dù là quan hệ qua đường sinh dục, đường miệng hay đường hậu môn. Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục như herpes sinh dục có thể lây lan khi tiếp xúc da với da, nhưng đó không phải là đường lây chính.

Đậu mùa khỉ (monkey pox) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus đậu mùa khỉ gây ra. Hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu vẫn chưa thực sự rõ tại sao loại virus này lại lây lan một cách dễ dàng và khác thường trong đợt bùng phát toàn cầu như hiện nay.

Ngược lại, bệnh đậu mùa khỉ được lây truyền qua nhiều con đường, trong đó chủ yếu qua đường tiếp xúc với các tổn thương da của người bệnh (còn gọi là đường lây truyền tiếp xúc da với da), thậm chí là qua trung gian vật dụng cá nhân như quần áo, khăn tắm….

Ngoài ra, virus còn có thể lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết của đường hô hấp như nước bọt hoặc dịch nhầy.

Nói cách khác, bất kì ai cũng đều có thể bị nhiễm virus đậu mùa khỉ nếu tiếp xúc với vết thương da, vật dụng cá nhân hoặc chất tiết đường hô hấp của người bệnh mà không cần phải quan hệ tình dục với họ.

"Hiện vẫn chưa rõ liệu virus đậu mùa khỉ có thể lây truyền qua tinh dịch hoặc dịch tiết âm đạo giống như định nghĩa của một bệnh lây truyền qua đường tình dục hay không. Tuy nhiên, việc quan hệ tình dục sẽ làm gia tăng mức độ tiếp xúc một cách "thân mật và gần gũi", làm gia tăng nguy cơ lây truyền bệnh qua đường tiếp xúc da với da và đường hô hấp", bác sĩ Đoàn Văn Lợi Em cho hay.

Cũng theo bác sĩ Đoàn Văn Lợi Em, mặc dù bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận ở phần lớn đối tượng nam quan hệ đồng giới, nhưng đây không phải là căn bệnh của riêng nhóm người này mà bất kì ai cũng có thể mắc bệnh qua những đường lây truyền kể trên.

Lý do bệnh chiếm tỷ lệ cao ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) có thể là do tần suất và mức độ tiếp xúc "thân mật và gần gũi" với nhiều bạn tình lạ của nhóm đối tượng này thường cao hơn so với các nhóm đối tượng khác.

Các tổn thương da ở người mắc bệnh đậu mậu khỉ thường xuất hiện ở trên mặt, tay, chân và vùng sinh dục với biểu hiện là mụn nước hoặc sẩn hồng ban.

Các tổn thương da ở người mắc bệnh đậu mậu khỉ thường xuất hiện ở trên mặt, tay, chân và vùng sinh dục với biểu hiện là mụn nước hoặc sẩn hồng ban.

Bệnh đậu mùa khỉ thường biểu hiện với triệu chứng nào?

BS.CK2 Đoàn Văn Lợi Em cũng cho biết thêm, bệnh đậu mùa khỉ thường biểu hiện với các triệu chứng như:

Sốt, mệt mỏi, nổi hạch, đau nhức người, nổi ban da tùy vào giai đoạn của bệnh.

Các tổn thương da thường xuất hiện ở trên mặt, tay, chân và vùng sinh dục với biểu hiện là mụn nước hoặc sẩn hồng ban, có thể tiến triển thành vết trợt loét trên mặt, tay hoặc vùng sinh dục.

Tuy nhiên, một số ít trường hợp, bệnh có thể có những biểu hiện tương đối giống với một số bệnh lây truyền qua đường tình dục, vì vậy có thể dễ dẫn đến chẩn đoán nhầm hoặc bỏ sót bệnh. Ví dụ, người bệnh có thể chỉ biểu hiện với một nốt loét ở vùng sinh dục, hậu môn hoặc trong miệng có thể bị chẩn đoán nhầm với giang mai, Herpes simplex hoặc hạ cam mềm.

Ngoài ra, người bệnh đậu mùa khỉ có thể có đồng mắc với một số bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.

Theo số liệu của CDC Hoa Kỳ, ước tính có khoảng 38% trường hợp đậu mùa khỉ có đồng nhiễm với HIV và 41% đã hoặc đang mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục như: Bệnh lậu, Chlamydia và giang mai trong vòng 1 năm trở lại đây.

BS.CK2 Em khẳng định một lần nữa, đậu mùa khỉ không phải là bệnh lây truyền qua đường tình dục nhưng hành vi quan hệ tình dục có thể là yếu tố thuận lợi làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Vì vậy, mọi người cần tự nhận biết yếu tố nguy cơ và triệu chứng để chủ động đi khám để được xét nghiệm tầm soát và điều trị kịp thời, nhằm làm giảm nguy cơ lây lan bệnh ra cộng đồng.

Nguồn: [Link nguồn]

Có nên tiêm vắc xin ngừa đậu mùa khỉ?

Sự xuất hiện của ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam được Bộ Y tế khẳng định đã trong tầm kiểm soát và khó có khả năng lây lan. Tuy nhiên, một trong những vấn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kim Vân ([Tên nguồn])
Bệnh đậu mùa khỉ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN