Dấu hiệu cơ thể đang bị thiếu sắt

Sự kiện: Sống khỏe

Sắt là một khoáng chất quan trọng đối với nhiều chức năng của cơ thể. Thiếu sắt không chỉ dẫn đến tình trạng thiếu máu mà còn gây ra nhiều vấn đề khác cho sức khỏe.

Sắt là nhân tố tham gia vào quá trình tạo máu, là thành phần của huyết sắc tố có trong hồng cầu. Sắt là một khoáng chất quan trọng đối với nhiều chức năng của cơ thể. Nó tham gia vào quá trình vận chuyển oxy, vận chuyển electron, tổng hợp DNA... và có vai trò rất quan trọng trong các tổ chức của cơ thể.

Nếu lượng sắt trong cơ thể giảm quá thấp, có thể phá vỡ các chức năng này và dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt. Sắt đặc biệt quan trọng trong thời kỳ tăng trưởng. Vì lý do này, trẻ em và phụ nữ mang thai có nguy cơ bị thiếu sắt và thiếu máu cao hơn những người khác.

Các triệu chứng thiếu sắt

Các triệu chứng tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng thiếu sắt, cũng như sức khỏe tổng thể. Thiếu sắt nhẹ hoặc trung bình có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng đáng chú ý nào. Thiếu sắt kéo dài có thể dẫn đến thiếu máu. Đây là tình trạng cơ thể không có đủ hồng cầu hoặc hemoglobin trong máu. Thiếu máu do thiếu sắt có thể gây ra các triệu chứng bao gồm: mệt mỏi, yếu đuối, hụt hơi, chóng mặt, đau đầu, nhạy cảm với nhiệt độ, tay chân lạnh, đau ngực, khó tập trung, tim đập nhanh, hội chứng chân không nghỉ, thèm ăn các món kỳ quặc không phải thực phẩm (chẳng hạn có trường hợp thèm  ăn tóc hoặc đất sét). Ngoài ra còn có một số dấu hiệu thể chất do thiếu hụt sắt, chẳng hạn như: móng tay dễ gãy, nứt khóe miệng, rụng tóc, viêm lưỡi, da nhợt nhạt, nhịp tim hoặc nhịp thở không đều.

Nguyên nhân

Do chế độ ăn: Người trưởng thành cần 8mg sắt mỗi ngày đối với nam, 18 mg mỗi ngày đối với nữ dưới 50 tuổi và 8 mg khi sau tuổi 50. Nhiều người ăn chế độ ăn kiêng, ăn chay, người kén ăn, người già... thường có chế độ ăn không cung cấp đủ lượng chất sắt cần thiết có thể dẫn tới thiếu sắt.

Do kém hấp thu sắt: Một số tình trạng bệnh hoặc đồ uống, thực phẩm mà bạn đang dùng có thể ngăn cơ thể hấp thụ sắt đúng cách, dù ăn nhiều thực phẩm giàu chất sắt. Đó là các bệnh đường ruột và tiêu hóa; tiền sử từng phẫu thuật tiêu hóa (chẳng hạn như phẫu thuật cắt dạ dày); đột biến gene. Người uống nhiều trà, cà phê cũng làm giảm hấp thu sắt. Trẻ nhỏ uống quá nhiều sữa cũng có thể giảm hấp thu sắt gây thiếu máu.

Bổ sung sắt qua thực phẩm.

Bổ sung sắt qua thực phẩm.

Mất máu: Hemoglobin trong tế bào hồng cầu là một loại protein chứa hầu hết lượng sắt của cơ thể. Do vậy, nếu vì một lý do nào đó mà cơ thể mất máu có thể dẫn đến thiếu máu và thiếu sắt. Mất máu có thể do chấn thương, hoặc lấy máu quá thường xuyên. Nhưng phổ biến hơn cả là: Chảy máu trong do loét dạ dày, loét hoặc ung thư ruột kết; Phụ nữ có kinh nguyệt nhiều, dài ngày; Người thường xuyên sử dụng aspirin hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAID); Chảy máu đường tiết niệu; Điều kiện di truyền hiếm gặp; Trải qua phẫu thuật.

Các điều kiện khác: Các tình trạng khác có thể gây thiếu sắt như suy thận, suy tim sung huyết, béo phì.

Chẩn đoán

Để chẩn đoán thiếu sắt, bác sĩ sẽ khám và hỏi về các triệu chứng cũng như các yếu tố nguy cơ. Nếu nghi ngờ thiếu sắt, xét nghiệm máu sẽ được bác sĩ chỉ định. Kết quả của các xét nghiệm này có thể cung cấp thông tin như tổng lượng hồng cầu và hàm lượng sắt trong máu. Nếu bác sĩ nghi ngờ chảy máu trong, cần thêm các xét nghiệm khác: Xét nghiệm máu trong phân, nội soi đại tràng...

Chữa trị thế nào?

Việc điều trị chính xác tình trạng thiếu sắt sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của tình trạng này.

Thiếu sắt ở giai đoạn đầu khi cơ thể chưa bị thiếu máu có thể bổ sung sắt bằng việc tăng cường các loại thực phẩm giàu sắt. Sắt có trong nhiều loại thực phẩm khác nhau, bao gồm cá, ngũ cốc tăng cường, đậu, thịt và rau lá xanh.

Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc sắt. Bổ sung các chế phẩm sắt thông qua việc uống sắt dạng viên nén hay dung dịch lỏng như: Ferrous sulfate; ferrous gluconate; ferrous fumarate. Bổ sung sắt bằng cách truyền tĩnh mạch đối với các trường hợp cơ thể không hấp thu được sắt qua đường uống hoặc bị thiếu máu thiếu sắt nặng, thiếu máu khi bị bệnh mãn tính hoặc viêm nhiễm. Khi uống sắt nên dùng thêm nước cam, nước chanh hoặc các loại vitamin C khác vì vitamin C giúp tăng khả năng hấp thụ sắt cho cơ thể.

Điều trị thiếu máu do thiếu sắt hoặc để mức sắt của cơ thể trở về bình thường chỉ  trong vòng 1 hoặc 2 tháng điều trị. Ngay cả khi lượng sắt đã ổn định vẫn nên tiếp tục bổ sung sắt trong 3 tháng tiếp theo để giúp tạo “kho” sắt. Tuy nhiên, trong những trường hợp nghiêm trọng, có thể cần phải điều trị chuyên sâu hơn. Nếu chảy máu bên trong là nguyên nhân của sự thiếu hụt sắt, biện pháp triệt để có thể cần phải phẫu thuật.

Khi nào cần  đi khám?

Nếu bạn có các triệu chứng thiếu sắt kể trên, cần đến bác sĩ để có câu trả lời nhanh chóng cho tình trạng của mình.

Nếu qua xét nghiệm đơn giản, mức độ sắt của bạn là bình thường, rất có thể bạn đang có một vấn đề khác gây ra các triệu chứng. Như vậy bạn sẽ có cơ hội để phát hiện các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn và điều trị kịp thời.

Nguồn: [Link nguồn]

Buồn nôn 3 lần liên tục và 3 dấu hiệu hay bị phớt lờ của ung thư dạ dày

Các triệu chứng liên quan tới ung thư dạ dày dễ bị nhầm lẫn với những bệnh lý tương tự, do đó nếu chủ quan sẽ dẫn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo BS. Nguyễn Quân ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN