Chuyên gia hướng dẫn cách phòng ngừa sởi đơn giản, ai cũng làm được
Tết xong bệnh sởi gia tăng làm nhiều người đổ xô đi mua hạt mùi về phòng sởi, khiến giá hạt mùi tăng cao đột ngột. Theo Ths.BS Hoàng Khánh Toàn, hạt mùi không có trong y thư phòng bệnh sởi mà hãy phòng sởi theo cách dưới đây.
Gia tăng sởi ở người lớn
Nhiệt độ môi trường liên tục thay đổi trong những ngày vừa qua, đặc biệt sự chênh lệch giữa ngày và đêm lớn làm cho cơ thể tốn nhiều năng lượng, sức đề kháng giảm, khiến người yếu, trẻ em hoặc không thích nghi kịp dễ bị nhiễm bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là nguy cơ mắc bệnh sởi.
Nhiều trẻ em mắc bệnh sởi. Ảnh minh họa.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội, từ đầu năm đến nay lên đã có hơn 100 ca mắc sởi, tăng rất cao so với cùng kỳ năm 2018.
Các điều tra dịch tễ cho thấy, 53,1% trường hợp mắc sởi là trẻ trên 5 tuổi và người lớn. Phần lớn số ca mắc chưa tiêm vắc xin hoặc chưa tiêm đủ liều (chiếm đến 89,1%).
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch, thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, hoặc người lớn, đặc biệt là ở những nơi tập trung đông người. Theo ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, có hai đối tượng người lớn dễ mắc sởi là:
- Do chưa từng tiêm sởi;
- Hoặc chưa tiêm sởi đầy đủ nên chưa có miễn dịch đầy đủ.
Do đó, những đối tượng người lớn này khi nằm trong vùng có sởi sẽ dễ mắc sởi.
Ảnh minh họa.
Phòng chống bệnh sởi có nguy cơ bùng phát
Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tăng cường công tác điều trị bệnh sởi. Để có thể phòng chống được sởi cho các đối tượng cả trẻ em, người lớn, khuyến cáo chung của ngành y tế là mọi đối tượng cần tiêm chủng đầy đủ, ít nhất hai mũi trở lên.
Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo người dân cần chủ động hơn nữa trong tiêm vắc xin phòng bệnh. Đặc biệt là phụ nữ ở lứa tuổi sinh đẻ, trước khi mang thai nên tiêm vaccine nhất định như sởi - rubella để trong thời gian mang thai có sinh miễn dịch, chính kháng thể miễn dịch được truyền cho con. Như thế, trẻ trong vòng chín tháng đầu sẽ tránh được sởi.
Đậu đen, đậu đỏ, đậu xanh... được dùng để phòng bệnh sởi.
Theo Th.s BS Hoàng Khánh Toàn (Trưởng khoa Đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), trong y học cổ truyền, bệnh sởi được gọi là Ma chẩn, Sa tử... Nguyên nhân do bệnh độc xâm nhập vào kinh phế. Trong dân gian có nhiều kinh nghiệm phòng chống bệnh sởi là rất phong phú, cụ thể hãy dự phòng bệnh sởi bằng các cách sau:
- Đậu đen 50g, đậu đỏ 50g, đậu tím 50g, cam thảo dây 20g, tất cả đem ninh nhừ mỗi tuần ăn 2 lần trước và trong mùa bệnh sởi lưu hành.
- Đậu đen 50g, đậu đỏ 50g, đậu xanh 30g, ba thứ đem rang chín rồi nấu nước chia uống nhiều lần trong ngày.
- Đậu đỏ, đậu xanh, đậu vàng, đậu trắng, đậu đen, mỗi thứ 50g, tất cả sao vàng, sắc kỹ dùng làm nước uống hàng ngày.
- Quán chúng 20g, cam thảo 9g, đậu xanh 60g. Tất cả gói vào một miếng vải sạch rồi ngâm vào trong vại nước dùng để nấu ăn hàng ngày của gia đình, cứ 3 ngày thay thuốc một lần.
- Rễ rau mùi 7 cây, rửa sạch, sắc lấy nước cho trẻ em uống 2 lần trong ngày, liên tục trong7-10 ngày.
- Quán chúng lượng vừa đủ, sấy khô, tán thành bột, mỗi ngày dùng 0,5g chia uống 3 lần, liên tục trong 3 ngày.
- Hạ khô thảo 30g, sắc lấy nước cho trẻ uống nhiều lần trong ngày.
"Gần đây, do bệnh sởi có xu hướng gia tăng nhiều người đã đổ xô đi mua hạt mùi về dùng cho trẻ với mong muốn dự phòng sởi. Cho đến nay chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào chứng minh loại dược liệu này có khả năng dự phòng bệnh sởi. Dưới tay chúng tôi cũng chưa thấy y thư nào của y học cổ truyền trong nước và ngoài nước ghi lại kinh nghiệm dùng hạt mùi để phòng bệnh sởi ngoài những bài thuốc đã trình bày ở trên. Rất mong các bậc cha mẹ quan tâm lưu ý". Ths. BS Hoàng Khánh Toàn. |
Sởi có thể gặp ở người lớn vô tình lây cho trẻ em do chưa tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm nhắc...