Chịu mổ để được nhảy
Theo đuổi môn khiêu vũ thể thao (dance sport) ngót mười năm, Phạm Bảo Long – vận động viên của sở Thể dục – thể thao tỉnh Khánh Hoà, chưa từng nghĩ có ngày mình phải lên bàn mổ. Sau nhiều lần trì hoãn việc điều trị, Long vừa trải qua ca phẫu thuật với quyết tâm “phải lo sức khoẻ để được đi nhảy”.
Mê nhảy quên ăn hại đường ruột
Trở lại tập luyện sau ca phẫu thuật u trực tràng, Bảo Long lại lao vào các bài tập cho lịch diễn, với điều kiện bác sĩ khuyên tập luyện vừa phải, ăn uống điều độ. Lịch tập kín nên Long hẹn gặp người viết ở một quán càphê gần chỗ tập.
Bảo Long cùng bạn nhảy.
Bảo Long đến với môn khiêu vũ thể thao này rất tình cờ, sau một hoạt động phong trào của nhà trường từ hồi cấp 3. Đam mê nhảy múa, hàng ngày sau giờ đi học Long bắt xe buýt từ nhà đến nơi học múa. Vừa học nhảy, vừa học văn hoá cho kịp chương trình thi đại học, ngày nào cũng sau 11 giờ đêm Long mới về đến nhà để dùng cơm tối. “Ăn uống không đúng giờ giấc, tập luyện như thế dạ dày bắt đầu có biểu hiện loét và chảy máu. Báo hại Long phải nhập viện cấp cứu vài lần”, Bảo Long kể lại.
Bác sĩ đều khuyên ăn uống đầy đủ, đúng giờ, tập luyện vừa phải, nhưng các giải đấu, các bài tập liên miên chẳng cho Long nghỉ. “À, em có nghỉ hơn một năm không tập dance sport và chuyển sang wushu do không có bạn nhảy. Tìm được bạn nhảy, em quay lại. Giờ không bỏ nữa vì xác định đi theo dance sport tới cùng. Mê lắm rồi ạ!”, Long say sưa nói.
Không từ bỏ ước mơ vào đại học, Long tranh thủ thời gian ôn thi. Sau khi đỗ vào viện đại học Mở, Long lại lao vào tập luyện với lịch thi đấu dày đặc. Nhiều đêm Long trăn trở sao cho có những bài tập hay, dựng bài thế nào cho hấp dẫn, làm sao diễn cho tốt... đến lúc nhìn đồng hồ thì đã gần sáng. “Em muốn hạn chế thức khuya và suy nghĩ nhưng thật khó vì quá nhiều áp lực”, Long chia sẻ. Bởi đã theo nghiệp thi đấu, không thể trắng tay ở mỗi giải.
Sau hai năm học ở viện đại học Mở, Long lại thi đại học Hà Nội, khoa Anh văn và đang theo học năm thứ tư. “Hiện em phải bảo lưu kết quả học tập năm cuối vì lịch thi đấu nhiều quá”, Long tiếc nuối.
Sống là để cho ngày hôm nay
Viêm loét dạ dày chưa đỡ, đầu năm 2010, sau mỗi giờ tập về nhà Long thấy bụng lại “réo”, trướng hơi, đầy bụng nhưng thay vì khám bác sĩ, Long cứ trì hoãn, cũng bởi lịch tập và thi đấu dày đặc.
Cuối năm 2012, những cơn đau liên tiếp khiến Long không tập luyện được nữa. Đi kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán: viêm đại tràng và trực tràng có một khối u! Nghe cái tin sét đánh ngang tai ấy, Long lại nghĩ liệu mình có phải từ bỏ dance sport? “Đầu năm 2013, em quyết định đi mổ để tiếp tục được nhảy. Nhà chỉ có hai mẹ con nên em không muốn mẹ lo. Đến khi làm thủ tục, do thiếu tiền đóng viện phí em mới nói mẹ biết. Lúc này, mẹ trách và khuyên em cân nhắc xem có nên bỏ dance sport không. Mẹ chỉ khuyên thôi chứ không ngăn cản vì biết có cản cũng không được. Gần mười năm trước khi em làm quen với dance sport, mẹ không đồng ý nhưng rồi cũng tạo điều kiện cho em theo đuổi”, Long kể.
Ca phẫu thuật thành công, sức khoẻ của Long trở lại bình thường. Bảo Long bắt đầu biết lo cho sức khoẻ, ăn đúng giờ đủ bữa, tập luyện đúng sức hơn. Long hiện là thí sinh được vào thẳng bán kết chương trình truyền hình thực tế Thử thách cùng bước nhảy 2013. Với những giải thưởng đã giành được như huy chương bạc 2005 giải dance sport Hà Nội mở rộng, huy chương vàng và bạc cup Abee, giải nhì liên hoan khiêu vũ thể thao thanh thiếu niên toàn quốc 2009… Long vẫn muốn hoàn thiện thêm bảng thành tích sự nghiệp vận động viên của mình. Cuối tháng 8, Long tham gia giải dance sport của các câu lạc bộ toàn quốc; cuối năm, là giải dance sport vô địch quốc gia. “Em muốn có sức khoẻ tốt để không phải từ bỏ niềm đam mê của mình vì sống là để cho ngày hôm nay…”, Long nói.
Long vẫn tiếc là chuyện học còn dở dang nên ngoài việc thi đấu tốt, Long sẽ cố gắng hoàn thành chương trình đại học.
(Ảnh do nhân vật cung cấp)
Đi khám ngay khi thấy tiêu hoá bất thường TS.BS Trần Văn Thuấn, phó giám đốc bệnh viện K Trung ương, viện trưởng viện Nghiên cứu phòng chống ung thư (thuộc bệnh viện K Trung ương) cho biết: Ở nam giới, những loại ung thư có tỷ lệ mới mắc tăng nhiều là ung thư phổi, tiền liệt tuyến, ung thư thực quản, ung thư đại trực tràng. Với ung thư đại trực tràng, các bác sĩ sẽ làm xét nghiệm máu để phát hiện yếu tố tiềm ẩn, nếu kết quả dương tính sẽ tiến hành nội soi. Tuy nhiên, người bệnh có thể dựa vào những dấu hiệu như có tiền sử người thân trong gia đình mắc ung thư đại trực tràng, có polip (những u nhỏ bám vào thành đại tràng), đa polip đại trực tràng, đi ngoài ra máu, nhất là khi những dấu hiệu này xuất hiện ở người từ 40 tuổi trở lên. Nếu phát hiện sớm có thể điều trị tốt. Do vậy, khi thấy cơ thể thay đổi ở đường tiêu hoá như: tiêu chảy, táo bón hoặc tiêu chảy xen kẽ táo bón, cảm giác đi tiêu không hết phân hoặc không nhịn tiêu được (phân nhỏ dẹt, phân đen, phân lẫn nhầy máu); buồn nôn, nôn, sụt cân, mệt mỏi; tắc ruột: đau bụng nhưng không đi tiêu được, ói, bụng trướng; đau vùng hậu môn, quanh hậu môn hoặc thấy tiểu đau, tiểu buốt, bí tiểu… thì nên tìm đến bác sĩ để kiểm tra. |