Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử là sự kiện nổi bật nhất của ngành Y trong năm 2021

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử; Những gian lao, vất vả, hy sinh của lực lượng tuyến đầu chống dịch; Công ty Việt Á móc ngoặc, thổi giá kit test COVID-19;….là những sự kiện nổi bật nhất của ngành Y tế năm 2021.

Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử, Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng

Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử tại Việt Nam được triển khai từ tháng 7/2021 tới tháng 4/2022, tại cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện tại tất cả các tuyến (tại các điểm tiêm chủng cố định và lưu động).

Theo dữ liệu trên cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, đến sáng 18/12, cả nước đã tiêm hơn 137,5 triệu liều vắc-xin COVID-19.

Việt Nam đã đạt miễn dich cộng đồng.

Việt Nam đã đạt miễn dich cộng đồng.

Trong đó, số liều vắc-xin COVID-19 tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là hơn 128 triệu liều với hơn gần 58 triệu liều cho mũi 2 và 1.098.225 mũi 3. Tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc-xin là 96,8% và tỉ lệ tiêm đủ 2 liều là 80,8% dân số từ 18 tuổi trở lên.

Theo kế hoạch Bộ Y tế đặt ra, chiến dịch tiêm vắc-xin COVID-19 được triển khai từ tháng 7-2021 tới tháng 4-2022 với mục tiêu ít nhất 50% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc-xin trong năm 2021 và hết tháng 1-2022, sẽ phủ vắc-xin trên 70%.

Như vậy, chiến dịch tiêm chủng vắc-xin COVID-19 của Việt Nam đã về đích sớm hơn dự kiến.

Để tăng cường miễn dịch phòng bệnh COVID-19 cho những người đã được tiêm chủng đủ liều cơ bản, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các đơn vị khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng COVID-19 mũi 3 và mũi 4 cho người dân.

Những gian lao, vất vả, hy sinh của lực lượng tuyến đầu chống dịch

Năm 2021, có không biết bao nhiêu y, bác sĩ tuyến đầu đã cống hiến sức khỏe, trí tuệ, gạt bỏ hết những cái riêng để chiến đấu vì cái chung – cứu sống các bệnh nhân COVID-19.

BS CK2 Trần Thanh Linh, BV Chợ Rẫy (đứng thứ hai từ trái qua phải) cùng đồng nghiệp chi viện cho cuộc chiến "COVID-19".

BS CK2 Trần Thanh Linh, BV Chợ Rẫy (đứng thứ hai từ trái qua phải) cùng đồng nghiệp chi viện cho cuộc chiến "COVID-19".

Ngày 18/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 gặp mặt đại diện lực lượng y tế tuyến đầu tiêu biểu trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Theo Thủ tướng, tổng nhân lực y tế tham gia hỗ trợ chống dịch tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam là gần 24 nghìn người; ước tính có khoảng 2.300 nhân viên y tế bị lây nhiễm, trong đó có 2 điều dưỡng và 1 bác sĩ ra đi mãi mãi.

“Ngành y tế đã và đang khẳng định được tâm thế, vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình trước tính mệnh và sức khoẻ của người dân. Trong một thời gian ngắn, chúng ta triển khai hàng chục bệnh viện dã chiến, hàng trăm trạm y tế lưu động để thu dung, điều trị bệnh nhân, giảm chuyển nặng, giảm tử vong, trong khi nếu điều kiện bình thường sẽ mất rất nhiều thời gian để thực hiện. Chúng ta trân trọng những gì đã làm được tốt nhất có thể trong điều kiện hết sức khó khăn.

Hơn 24 nghìn người thuộc ngành y tham gia chống dịch là hơn 24 nghìn bông hoa đẹp, truyền cảm hứng về đức hy sinh, về trách nhiệm với đồng bào, truyền niềm tin để vượt lên nghịch cảnh, truyền năng lượng tích cực để đi qua những ngày khó khăn của dịch bệnh, bồi đắp thêm truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, tình đồng chí, nghĩa đồng bào.

Như: Câu chuyện lùi, hoãn kết hôn của nữ điều dưỡng Ngọc Diệp (Bệnh viện Bạch Mai), bác sĩ Đình Hoàng (Bệnh viện Hùng Vương, Phú Thọ); hay vợ chồng bác sĩ Nguyễn Thị Giang - Ðỗ Ngọc Anh (Bệnh viện Kiến An, Hải Phòng) gửi lại con thơ để xung phong lên đường chống dịch... Có nhiều bác sĩ, tình nguyện viên đã gần như không nghỉ, liên tục chi viện từ vùng dịch này sang vùng dịch khác, như bác sĩ Trần Thanh Linh (Bệnh viện Chợ Rẫy) vừa trở về từ Khu công nghiệp Bắc Giang lại bắt tay ngay vào cứu chữa bệnh nhân tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh…

Nhân dịp này, tôi cũng chia sẻ, đánh giá cao và cảm ơn người thân, gia đình của các y, bác sĩ, nhân viên y tế thời gian qua đã luôn là chỗ dựa tinh thần, là hậu phương vững chắc để mỗi nhân viên y tế nơi tuyến đầu yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ cao cả của mình”, Thủ tướng Chính phủ chia sẻ.

Bùng phát đợt dịch thứ 4, diến biến dịch khó lường

Năm 2021 là năm bùng phát đợt dịch COVID-19 lần thứ 4. Trong thư gửi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế ngày 12/7, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ những ngày này, cả nước đang dõi theo tình hình dịch bệnh tại TP.HCM và các tỉnh miền Nam, nơi mà chính quyền và nhân dân đang trải qua những thời khắc khó khăn để phòng, chống dịch COVID-19.

Ông Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế. 

Ông Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế. 

"Đợt dịch lần này rất phức tạp, diễn biến khó lường, số ca mắc tăng cao, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội và cuộc sống mưu sinh của người dân.

Điều đáng quan ngại là sự xuất hiện của biến thể Delta, có tốc độ lây nhanh và lan ra diện rộng trong thời gian ngắn. Đặc biệt, nhiều ổ dịch được ghi nhận trong các khu công nghiệp, tại các khu chợ dân sinh, chợ đầu mối, và các cụm cư dân đông đúc. Do vậy, thời gian tới dự báo sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều ca mắc mới"- Bộ trưởng thông tin.

Hàng loạt cán bộ ngành y vướng vòng lao lý

Năm 2021, ngành y tế liên tiếp "nóng" với các vụ việc lãnh đạo bệnh viện, trung tâm y tế, sở y tế, thậm chí có cả cán bộ cấp cục, cấp thứ trưởng Bộ Y tế bị khởi tố.

Ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế vừa bị bắt. 

Ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế vừa bị bắt. 

Hàng loạt cán bộ ngành Y tế bị khởi tố, bắt tạm giam đa phần đều có điểm chung là vi phạm trong đấu thầu, mua sắm thiết bị tại cơ sở.

Ngày 10/12, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đã ra quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn đối với ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế.

Theo đó, Viện kiểm sát nhân dân tối cao áp dụng biện pháp bắt tạm giam đối với ông Trương Quốc Cường thay thế biện pháp "Cấm đi khỏi nơi cư trú" đã được phê chuẩn trước đó, để phục vụ công tác truy tố và xét xử.

Ông Cường bị bắt do liên quan đến vụ án "Nguyễn Minh Hùng, Võ Mạnh Cường cùng đồng phạm buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại TP.HCM, các tỉnh, thành phố khác và Cục Quản lý dược - Bộ Y tế".

Ngày 10/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bị can Nguyễn Quang Tuấn đảm bảo an toàn, đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, ngày 19/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Nguyễn Quang Tuấn (thời điểm này ông đang là Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai), nguyên Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng mua sắm Bệnh viện Tim Hà Nội.

Ông Tuấn bị khởi tố điều tra về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Ngày 6/11, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các thủ tục tố tụng gồm quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và lệnh bắt bị can để tạm giam về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" đối với ông Nguyễn Minh Quân và Nguyễn Văn Lợi.

Kết quả điều tra vụ án xác định, ông Nguyễn Minh Quân, sinh năm 1973, Giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức và Nguyễn Văn Lợi, sinh năm 1986, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ sản xuất Nguyễn Tâm, đã thông đồng, câu kết thực hiện hành vi trái quy định của Luật đấu thầu trong việc mua sắm vật tư trang thiết bị y tế tại Bệnh viện TP Thủ Đức gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước.

Trước sự việc nhiều cán bộ y tế vướng vòng lao lý liên quan tới đấu thầu, giá thuốc, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, đây là những vụ việc hết sức đau lòng. Nói về nguyên nhân, ông Long cho rằng, những vi phạm của một số cán bộ y tế thời gian qua có nhiều lý do nhưng trong đó có vấn đề cơ chế và lý do cá nhân.

"Mặc dù các quy định đã rất cụ thể những vẫn có những vi phạm xảy ra về mặt đấu thầu, tham ô, tham nhũng. Chúng tôi đã lên án và các cơ chức năng cũng sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật”, ông Long nói.

Công ty Việt Á móc ngoặc, thổi giá kit test COVID-19

Trước diễn biến phức tạp, nguy hiểm của tình hình dịch bệnh COVID-19, lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu xét nghiệm COVID- 19 tại các địa phương trong cả nước, Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á đã có dấu hiệu cấu kết với các tổ chức, cá nhân liên quan,vi phạm nghiêm trọng quy định sản xuất, đấu thầu kit xét nghiệm COVID-19 nhằm trục lợi.

Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử là sự kiện nổi bật nhất của ngành Y trong năm 2021 - 5

Ngày 17/12, căn cứ tài liệu chứng cứ, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương (CDC Hải Dương) và các đơn vị, địa phương liên quan.

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, các địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh, mở rộng vụ án, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt và thất thoát, sớm đưa các đối tượng ra xét xử nghiêm minh theo đúng quy định pháp luật.

Cũng liên quan đến việc cấp phép kit test, Bộ Y tế khẳng định thực hiện đúng quy định trong cấp phép lưu hành sinh phẩm xét nghiệm của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á.

Nguồn: [Link nguồn]

Bộ trưởng Y tế: Trong đợt dịch thứ 4, nhiều biện pháp chuyên môn chưa có tiền lệ được áp dụng

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, trong đợt dịch thứ 4, nhiều biện pháp chuyên môn chưa có tiền lệ, lần đầu tiên...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN