Chết oan từ bột ngô mốc

Trong vòng 7 năm có tới 43 người tại 4 huyện vùng cao tỉnh Hà Giang tử vong vì ăn bột ngô mốc. Điều đau đầu đối với ngành y tế nơi đây là người dân biết độc mà vẫn tìm mọi cách để ăn.

Chết cả nhà vì bột ngô

Mèo Vạc là huyện có số người chết vì ăn ngô mốc chiếm 10/19 số vụ, 20/43 người chết. Nhiều vụ cả gia đình bị ngộ độc. Có gia đình chết hết người lớn chỉ còn lại trẻ con. Điều đau lòng hơn là trong tổng số 105 người bị ngộ độc do ăn bánh ngô mốc thì có tới 56 trẻ em và 23/43 ca tử vong là trẻ dưới 15 tuổi, trong đó có 2 trẻ mới 18 tháng. Thời gian xảy ra ngộ độc cũng mang tính chu kỳ hàng năm trong khoảng từ sau Tết Nguyên đán đến tháng 3 âm lịch.

Chết oan từ bột ngô mốc - 1

Ca cấp cứu nguy kịch do ngộ độc bột ngô mốc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang.     k.H

Gia đình bà Mua Thị Và, thôn Thào Chứ Lủng (Mèo Vạc) có 4 người chết do ăn bột ngô mốc ngay sau Tết Nguyên đán vừa qua, trong đó có 3 người lớn và 1 bé 6 tuổi. Bà và 2 vợ chồng người con chết, để lại 4 đứa trẻ từ 2 tới 12 tuổi phải tự nuôi nhau.

Anh Thào Mí Lình, người dân tộc Mông, cán bộ trạm y tế xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn - huyện có tới 6/19 vụ ngộ độc bột ngô mốc, cho biết: "Thứ bột ngô thường gây ra các vụ ngộ độc không phải là mèn mén mà được làm từ những hạt ngô nếp ngâm trong nước cho đến khi có vị chua mới xay rồi cho vào túi vải treo trên gác bếp. Khi nào ăn thì nặn ra thành từng viên tròn nhỏ bỏ vào nồi nước sôi nấu chín cùng đường đỏ. Đồng bào Mông gọi đó là bánh trôi ngô. Nó quý như người Kinh làm bánh chưng dịp Tết Nguyên đán vậy".

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trần Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hà Giang: "Để ngâm chua được hạt ngô mất khoảng 10 - 15 ngày, trong khi bột ngô sau khi xay cho đến lúc lên nấm mốc cũng chỉ mất khoảng 3-5 ngày với thời tiết lạnh, 1-3 ngày vào lúc trời nắng nóng. Vì thế, hầu hết bánh trôi ngô đều nguy hiểm. Khi người dân ăn phải bánh trôi được làm từ bột ngô mốc thường có các biểu hiện nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, rối loạn các chức năng gan, thận, hô hấp và tử vong rất nhanh chỉ sau khoảng 8- 48 giờ".

Điều đáng nói là những vụ ngộ độc đều xảy ra ở các thôn, bản xa xôi, giao thông đi lại hiểm trở, cách xa trung tâm xã, huyện vài chục cây số. Vì thế, khi có ngộ độc thường không phát hiện và cấp cứu kịp thời. Có nhiều vụ còn không thống kê được vì không ai biết.

Biết chết vẫn ăn

Điều làm cho ngành y tế Hà Giang đau đầu là các vụ ngộ độc diễn ra thường xuyên nhưng người dân vẫn không bỏ thói quen ăn bánh trôi ngô. Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Như Chưởng - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Hà Giang cho biết: "Nói nghèo và dân trí thấp là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ ngộ độc thì cũng chưa hẳn đã đúng. Điển hình như vụ xảy ra vào tháng 6.2014 tại xóm Hấu Chua, xã Giàng Chu Phìn (Mèo Vạc) cả 3/3 người ăn đều tử vong lại xảy ra tại một gia đình khá giả trong xóm. Bản thân ông Giàng Sìa Sính - chủ hộ cũng là công an viên, người đã từng được tập huấn và có trách nhiệm đi tuyên truyền cho người dân về phòng chống ngộ độc bột ngô mốc, nhưng ông cũng chính là người đem bột ngô mốc đi nấu ăn và tử vong”.

Tìm hiểu nguyên nhân sâu xa hơn, ông Trần Đức Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết: Sử dụng bánh trôi ngô là phong tục tập quán truyền đời của người Mông vùng cao cực Bắc Hà Giang. Vì vậy, tuyên truyền người dân không ăn bánh trôi ngô là không khả thi. 4 huyện vùng cao đã từng thành lập các đoàn kiểm tra liên thôn, xã, huyện để đến từng nhà lục tìm, thu giữ, tiêu hủy bột ngô mốc ngay tại các hộ gia đình; đưa công tác truyền thông vào trong trường học... Theo chị Hoàng Thị Doan- cán bộ Trung tâm Y tế huyện Quản Bạ, người trực tiếp tham gia "chiến dịch" truyền thông và truy lùng bột ngô mốc: "Có nhiều nhà thấy cán bộ đến còn đem bột ngô mốc cất giấu trong chum, vại, thậm chí giấu trên mái nhà. Khi bị thu giữ còn chống đối, giằng co để giữ lại”.Trước thực tế đó, UBND tỉnh Hà Giang chuyển hướng “đặt hàng” nghiên cứu quy trình chế biến để tìm ra khâu gây độc và độc tố gây ngộ độc, định hướng cho người dân thay đổi cách làm món ăn này. Gần đây nhất, đề tài "Nghiên cứu độc tố nấm mốc ở bánh trôi ngô gây ngộ độc tại tỉnh Hà Giang và xây dựng một số giải pháp can thiệp" cũng đã được UBND tỉnh Hà Giang cấp nguồn kinh phí lên đến 700 triệu đồng để thực hiện. Đề tài có quá trình khảo sát, đánh giá bước đầu từ năm 2012, triển khai từ tháng 1.2013, dự kiến báo cáo kết quả vào tháng 3.2015. Đây đang được coi là cơ sở để ngành y tế Hà Giang tiến hành vận động, thay đổi cách làm món ăn “chết người” này.

 

PGS-TS Phạm Duệ (nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, năm nào trung tâm cũng tiếp nhận những bệnh nhân bị ngộ độc nặng do ăn bánh ngô mốc. Các bệnh nhân đều có dấu hiệu hoại tử tế bào gan rất nhanh, tốc độ tăng men gan chóng mặt. Lúc nhập viện chỉ ở mức 400-500 U/l nhưng sau vài giờ đã tăng lên 1.000, rồi 10.000 và tử vong khi men gan tăng đến 13.500. Năm 2013, để cứu sống bệnh nhân Cháng Mí Mù (13 tuổi, ở Quản Bạ– gia đình có 7 người ngộ độc bánh ngô thì 4 người đã tử vong), trung tâm đã phải truyền huyết tương 8 tiếng/lần trong nhiều ngày. Số tiền viện phí cho ca cấp cứu này lên đến gần 600 triệu đồng.


Tuấn Kiệt  

Độc tính trong bột ngô là ochratoxin

Cuối tháng 3 vừa qua, PGS-TS Hoàng Công Minh (Trung tâm Phòng, chống nhiễm độc Học viện Quân y) – chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu độc tố nấm mốc ở bánh ngô gây ngộ độc tại Hà Giang và xây dựng một số giải pháp can thiệp” công bố kết quả phân tích độc chất các mẫu bánh ngô gây ngộ độc tại Hà Giang. Theo đó, đã phát hiện có độc tố nấm mốc là ochratoxin A và patulin. Trong mẫu nước tiểu bệnh nhân cũng phát hiện thấy ochratoxin A. Độc tố ochratoxin A và patulin gây nên các tác hại nghiêm trọng cho thận và gan. TS Minh cho biết, các nhà nghiên cứu đã bơm hỗn hợp dịch bánh ngô mốc vào dạ dày thỏ, và thấy rõ hình ảnh xuất huyết đường hô hấp, phù phổi cấp, tổn thương gan.

Thực tế nghiên cứu của ông cho thấy, nhiều người dân thấy bánh ngô đã mốc xanh, vàng nhưng vẫn ăn, dẫn đến ngộ độc. Theo TS Minh, tốt nhất người dân không nên ăn bánh làm từ bột ngô đã để lâu, khi ăn cũng cần chú ý xem bánh đã bị mốc chưa, có mùi ôi thiu chưa. Chỉ xay bột nước với số lượng đủ ăn tối đa trong 2 - 3 ngày. 
 

Diệu Linh

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kim Huệ ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN