Chàng trai "quấn khố" đến bệnh viện cấp cứu vì bôi loại dịch độc gấp chục lần rắn hổ mang
Bị nấm vùng bẹn, M (20 tuổi) bắt cả một bát kiến ba khoang giã nát, lấy dịch đắp lên vùng tổn thương. Kết quả, toàn bộ vùng này bị hoại tử, trợt loét.
BS Nguyễn Thị Thanh Thuỳ, Trưởng khoa Bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội) - cho biết vừa tiếp nhận bệnh nhân nam 20 tuổi (ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng toàn bộ vùng da bẹn hoại tử, trợt, loét do chữa nấm bẹn bằng cách đắp dịch kiến ba khoang.
"Tổn thương nghiêm trọng khiến nam thanh niên này đau đớn tới mức… không thể mặc quần, không bước đi bình thường được khi đến bệnh viện cấp cứu" - BS Thuỳ nói.
Nấm bẹn là một nhiễm trùng vùng háng bẹn do nấm. Ảnh minh hoạ
Trước đó vài tuần, nam thanh niên phát hiện vùng da ở kẽ bẹn bị rát đỏ, nhiều mụn nước, rộng thành từng đám ngày càng to có viền hình nhiều vòng cung, càng gãi vùng ngứa càng lớn. Anh có đi khám chẩn đoán bị nấm. Thay vì bôi loại thuốc rất rẻ nhưng lành tính, khỏi nhanh, nam thanh niên nghe lời mách đã tìm bắt cả bát kiến ba khoang, đem về giã nát, đắp lên vùng tổn thương.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố pederin, độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc của rắn hổ nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn.
Ngay cả khi kiến không đốt người thì chất độc trong cơ thể kiến giải phóng ra khi bị tác động, chà xát hoặc bị giết có thể làm tổn thương da người như bỏng da, viêm da.
Nọc độc kiến ba khoang rất mạnh, có thể gây tổn thương da nghiêm trọng.
Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, vào mùa mưa, lạnh, hoặc thời điểm vụ mùa mới cấy (khi kiến ba khoang không có chỗ trú ngụ ngoài đồng nên bay vào nhà, đặc biệt nhà chung cư cao tầng đốt người) tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân tới khám do kiến ba khoang đốt.
Bên cạnh đó, bệnh viện cũng tiếp nhận cả những bệnh nhân tự ý chữa bệnh theo cách ngược đời như nam thanh niên trên đây. Đáng nói, chuyện này không hiếm dù việc sử dụng kiến ba khoang làm bài thuốc chữa bệnh về da rất thiếu căn cứ và nguy hiểm.
Khi dính phải nọc độc của kiến ba khoang, nạn nhân cần nhanh chóng lấy nước rửa sạch chỗ tiếp xúc, hạn chế tổn thương lây lan. Nếu bị nhẹ có thể điều trị với các dung dịch làm dịu da, sát khuẩn bằng gel, dung dịch màu. Nếu vết thương nặng phải đến cơ sở y tế để được chăm sóc, xử lý đúng cách.
Nấm bẹn là một nhiễm trùng vùng háng bẹn do nấm. Người bị nhiễm nấm này có cảm giác rất khó chịu, ngứa cả ngày. Điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển là môi trường kiềm như dùng nhiều xà phòng, tiếp xúc nhiều với nước bẩn, tiết nhiều mồ hôi (mồ hôi đọng lại làm các tế bào sừng luôn bị ướt đẫm, rồi bị tổn thương, tạo điều kiện thuận lợi cho các bào tử nấm xâm nhập vào trong da và gây bệnh)...
Lúc đầu, tình trạng này xuất hiện ở một bên sau có thể lan ra hai bên. Nếu không điều trị hoặc điều trị không đúng thì bệnh còn lan rộng ra cả hai mông, thân mình, khi gãi nhiều thì sợi nấm ăn vào móng tay gây sần sùi các móng. Chữa nấm không khó, không tốn kém và lành khá nhanh nếu tuân thủ điều trị.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố pederin, độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc của...