Cách phòng kiến ba khoang tốt nhất là gì?

Theo PGS Nguyễn Văn Châu – Viện Sốt rét và Ký sinh trùng trung ương, Hà Nội đang vào mùa kiến ba khoang và có nhiều người phải vào viện vì loài côn trùng này.

Cách phòng kiến ba khoang tốt nhất là gì? - 1

Kiến ba khoang có chất độc trong người gấp 12 lần nọc độc của rắn hổ mang 

Nhầm zona thần kinh

Chị Nguyễn Thị Lý trú tại Thanh Xuân, Hà Nội bị một vệt dài nốt phỏng nước ở chân và ngứa kinh khủng. Chị Lý tưởng đó là zona nên ra hiệu thuốc mua thuốc về bôi nhưng không đỡ, vết phổng loét ra và ngày càng lan rộng.

Lúc này, chị Lý vào Bệnh viện Da liễu Trung ương khám, bác sĩ chẩn đoán kiến ba khoang đốt và cho thuốc điều trị. Chị Lý cười “Chỉ là con kiến ba khoang nhỏ thôi mà mất tiền triệu với nó”. 

Các loại thuốc bôi ngoài, kháng sinh uống cộng với vitamine nhanh liền da được bác sĩ kê, chị Ly cố gắng mua hết bởi vì trước đây em chị cũng bị kiến ba khoang tự điều trị và để lại sẹo thâm khó phai.

Hay như bé Vũ Phương Anh 3 tuổi, con chị Bùi Hải Hà trú tại Nam An Khánh, Hà Nội cũng bị kiến ba khoang đốt dọc cánh tay. Chị Hà thấy những nốt phỏng chạy dài tay lại nghĩ bé bị zona. Chị tự mua thuốc về bôi không đỡ, bé ngứa gãi chảy dịch khiến vùng da tổn thương ngày càng lan rộng. Khi đến bệnh viện khám mới biết đó là kiến ba khoang gây ra. 

Anh Nguyễn Đình Hậu trú tại khu đô thị HH2 Linh Đàm, Hà Nội cũng vừa bị kiến ba khoang tấn công. Buổi tối anh nằm xem điện thoại thấy buồn buồn trên mặt nên anh lấy tay sờ lên mặt, vô tình di nát con kiến ba khoang. Anh hoảng hốt vào nhà vệ sinh lấy nước sạch rửa và rửa bằng nuối muối sinh lý vùng da bị tổn thương chỉ đỏ lên nhưng may mắn không bị phỏng. 

Anh Hậu kể “May mà mấy năm trước vợ bị kiến ba khoang phải đi viện, bác sĩ cũng dặn cách đối phó với nó chứ không tôi cũng thành nạn nhân của con kiến bé xíu”.

Thời điểm này, mỗi ngày bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân bị kiến ba khoang tấn công, trong đó có nhiều người bị tổn thương nặng nề. 

TS Lê Hữu Doanh – Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho hay, đa số bệnh nhân còn chưa hiểu về kiến ba khoang nên nghĩ kiến ba khoang đốt mới gây ra những tổn thương cho da.  Vết thương chắc chắn không phải là do kiến đốt.

Thực tế, nhựa trong kiến ba khoang là chất cực độc gây tổn thương cho da khi người bệnh vô tình lấy tay giết kiến hoặc kiến đậu vào theo phản ứng di con kiến khiến nhựa trong thân nó chảy ra gây tổn thương cho vùng da. Dịch ở vết thương lan rộng ra chỗ nào gây tổn thương da chỗ đó.

Điều trị kiến ba khoang đốt rất quan trọng vì nếu không biết, điều trị nhầm với zona thì càng nguy hiểm hơn. Đặc biệt, TS Doanh cho rằng không nên có tâm lý lấy độc trị độc, đắp gạo nếp nhai càng khiến da bị viêm hơn.

Phòng kiến ba khoang thế nào

PGS Nguyễn Văn Châu cho biết mùa này kiến ba khoang tấn công vào thành phố nhiều bởi vì người dân xung quanh đã gặt lúa, nơi trú ngụ và tìm kiếm thức ăn của kiến ba khoang đã không còn nên chúng bắt đầu di chuyển vào những khu vực đồng cỏ xung quanh, thậm chí nơi đông người.

Vì thế, những khu chung cư xung quanh có bãi đất hoang là nơi có nhiều kiến ba khoang nhất. Buổi tối, kiến ba khoang sẽ theo hướng ánh sáng bay vào nhà và hay tụ tập quanh những đèn điện, đèn bàn làm việc, máy tính, ánh sáng của điện thoại.

Kiến ba khoang về cơ bản không đốt, chích hút mà nhựa từ thân con kiến có chất cực độc. Theo tính toán chất này độc gấp 12 lần nọc độc của rắn và chất này bị dính vào da khi con kiến dập nát sẽ gây phỏng cho da. 

Cảm giác lúc đầu là ngứa rát, phù nề và chỉ 2 – 3 ngày sau vùng tổn thương đó tiếp tục lở, mụn nước mọc lên có mủ, lan rộng nếu dịch chảy ra vùng da lân cận.

Khi gặp kiến ba khoang ở nhà nên xua ra khỏi nhà, khi tiếp xúc nên đeo găng hoặc giấy lót kiến, dùng lưới chắn côn trùng, tắt điện , kéo rèm che ánh sáng đến kiến không vào được nhà.

Không may bị tiếp xúc với độc tố của kiến ba khoang, vùng da tiếp xúc có thể xuất hiện ban đỏ, ngứa. Ngay lập tức hãy dùng nước muối sinh lý rửa nhẹ nhàng để làm sạch chất độc bám trên da. Sau đó dùng hồ nước bôi lên vùng da tổn thương nhằm mục đích làm mát da, tránh phồng rộp.

Khi da đã bị nổi mụn, phòng rộp như vết bỏng, tiếp tục dùng hồ nước bôi để làm sạch, dịu da. Nếu vùng tổn thương xuất hiện mủ, dùng dung dịch xanh methylen bôi lên vết thương để sát khuẩn, tránh bị nhiễm trùng. 

Nếu vết thương đã khô, không còn chảy dịch, hãy sử dụng các loại thuốc dạng mỡ có tính kháng sinh, diệt khuẩn kèm corticoid loại nhẹ và vừa (ví dụ fucidin-H, fucicort) để bôi, giúp vết thương mau lành. Những người bị tổn thương nặng, cần phải có bác sĩ kê đơn thuốc uống kèm với bôi bên ngoài để ngăn ngừa nguy cơ dị ứng toàn thân hoặc bội nhiễm nặng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Ngọc (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN