Chẩn đoán giới tính thai nhi: BS “bắt tay” với sản phụ

Tâm lý của các sản phụ khi đi khám thai, siêu âm ngoài việc muốn biết tình trạng thai nhi, điều hiếu kỳ nhất là xem con mình trai hay gái. Mặc dù việc bác sĩ siêu âm “bắt tay” với các cặp vợ chồng để thực hiện chẩn đoán giới tính thai nhi là điều nghiêm cấm, nhưng thực tế này vẫn xảy ra.

Con trai giữ, con gái bỏ

Nhìn chồng mặt buồn xo sau khi bác sĩ siêu âm thông báo: “Chuẩn bị đón một con vịt giời nữa”, chị Phương Thủy, ở đường Bạch Đằng, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm lẳng lặng theo chồng bước ra khỏi phòng siêu âm nằm trên phố Hàng Cót. Nghĩ tới cái thai đã được 24 tuần tuổi chị Thủy thấy trong lòng bất an vô cùng. “Vợ chồng tôi đã có một cháu gái năm nay vào lớp 1. Vì muốn đứa thứ 2 là con trai nên chồng tôi đã “sưu tầm” rất nhiều cách “sản xuất” bằng được cậu con trai để nối dõi. Từ khi biết tin tôi mang thai, anh ấy đã giao hẹn trước nếu là “bươm bướm”, kiểu gì cũng bỏ. Giờ tôi chưa biết tính thế nào...”, chị Thủy buồn rầu.

Mặc dù hiện nay, các quy định hiện hành nghiêm cấm phổ biến các biện pháp tạo giới tính, chẩn đoán giới tính thai nhi hoặc loại bỏ thai nhi vì lý do giới tính, nhưng xem ra cấm không hiệu quả. Tranh thủ ngày nghỉ, đưa cô em dâu đi khám thai tại một phòng khám tư nhân nằm trên phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, trên băng ghế ngoài cửa, tôi thấy khá đông bà bầu đang mệt mỏi ngồi chờ đến lượt siêu âm.

Ngoài việc kiểm tra trọng lượng, chiều dài, dị tật và dự kiến ngày sinh của đứa trẻ, nhu cầu lớn nhất của các ông bố, bà mẹ là biết được giới tính của thai nhi. “Còn 12 tuần nữa mới đến ngày sinh, nhưng vợ chồng tôi đã đi siêu âm nhiều địa điểm khác nhau để kiểm tra độ chính xác của kết quả. Tôi rất muốn biết giới tính con mình để sẵn sàng tinh thần đón cháu ra đời. Với tôi, con gái, hay con trai đều là con mình, miễn sao khỏe mạnh, không bệnh tật là mừng rồi. Nhưng chồng tôi thì chỉ thích có thằng “chống gậy” nên cứ muốn tôi đi kiểm tra cho chắc chắn...”, chị Thanh Hoài, ở đường Bưởi, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình cho biết.

Thực tế, tại Hà Nội hiện có hàng trăm địa điểm siêu âm tư nhân, tập trung trước các bệnh viện lớn như Bạch Mai, Phụ sản, Việt Đức... Mỗi ngày những phòng khám này tiếp đón hàng chục phụ nữ đang mang thai đến siêu âm. Chị Phạm Thu Hiền, phụ trách phòng khám tư nhân trên phố Hàng Quạt, quận Hoàn Kiếm cho biết: “Thật ra nhu cầu khám siêu âm để biết giới tính thai nhi của các cặp vợ chồng là điều hoàn toàn bình thường. Nếu bác sĩ tại đây không cho họ biết thì rất có thể ở các phòng khám khác bác sĩ vẫn tiết lộ giới tính của thai nhi”.

Không chỉ ở các phòng khám tư nhân, đa số bác sĩ tại các bệnh viện và phòng khám đa khoa khác vẫn thông báo giới tính thai nhi ở độ tuổi 5-6 tháng khi bà mẹ có nhu cầu. Thậm chí, tại một số bệnh viện lớn như bệnh viện Phụ sản Hà Nội, bệnh viện Phụ sản Trung ương... đã trang bị máy siêu âm mầu 3 chiều. Với loại máy này, bác sĩ không nói, thai phụ vẫn có thể nhìn rõ khuôn mặt và các bộ phận của đứa trẻ. Theo ông Lê Tuấn Phong, phụ trách phòng siêu âm tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội thì mặc dù Bộ Y tế có quy định cấm chẩn đoán giới tính thai nhi, đặc biệt là những trường hợp thai mới 3-4 tháng, song ông cũng không dám chắc các bác sĩ có tuân thủ quy định này hay không.

Chẩn đoán giới tính thai nhi: BS “bắt tay” với sản phụ - 1

Công nghệ hiện đại, siêu âm ba chiều cho phép các sản phụ dễ dàng nhận biết giới tính của thai nhi

Thẳng tay “giải quyết”

Để “lách” luật, các bác sĩ không chủ động thông báo giới tính thai nhi, nhưng cũng không từ chối khi có người hỏi. Họ thường nói khéo theo kiểu: “bươm bướm xinh”, “cái gậy nhé”... nhiều trường hợp còn nói công khai giới tính. Với công nghệ tiên tiến như siêu âm 3D, 4D, siêu âm màu cùng với các kỹ thuật xét nghiệm, việc biết giới tính trước khi sinh trở nên dễ dàng, thậm chí chỉ trong vài phút. Hơn nữa, chi phí cũng không đắt đỏ nên không ít thai phụ đi siêu âm chỉ để biết giới tính con mình. Điều này cũng như “con dao hai lưỡi” vì vẫn còn tình trạng lựa chọn giới tính ở một bộ phận người dân.

Mới đây, anh Hoàng Văn T, ở phố Gia Quất, phường Thượng Thanh, quận Long Biên đã đang tâm hại chết đứa con đẻ của mình chỉ vì vợ nói dối kết quả siêu âm là con trai. Vì biết chồng mong có thằng “chống gậy”, vợ anh T đã âm thầm đi khám siêu âm giới tính. Biết kết quả siêu âm là con gái, sợ chồng bắt “giải quyết” cái thai trong bụng, chị Huyền - vợ anh T đã quyết định giấu bằng được cho đến ngày sinh nở. Ngày đứa bé chào đời, anh T mới ngã ngửa bị vợ lừa, trong lúc nóng giận mất khôn, anh T đã lồng lộn bước vào phòng hồi sức, nơi vợ vừa sinh con, giằng đứa bé đang nằm thiêm thiếp trên tay vợ, xé đôi đứa trẻ, rồi bỏ đi như một con thú. Chỉ đến khi bị cơ quan chức năng bắt giữ, anh T mới ăn năn, hối hận về hành vi của mình.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh - Trung tâm tư vấn SKSS & KHHGĐ - bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết bà đã chứng kiến khá nhiều chuyện đau lòng từ việc phá thai sau khi đi siêu âm chẩn đoán giới tính. Đáng nhớ nhất là trường hợp hai vợ chồng ở tận Hà Tĩnh lặn lội ra Hà Nội để siêu âm cho chính xác vì ở nhà đã có ba “thị mẹt”. Tìm đến một phòng khám tư nhân, sau khi siêu âm, họ được bác sĩ thông báo cái thai trong bụng vẫn là con gái, nên đã quyết định “giải quyết” luôn để tìm cơ hội khác. Lúc này, người vợ nhập viện với cái thai đã 24 tuần tuổi, kiên quyết bỏ dù các bác sĩ hết sức khuyên can. Ngay sau đó, cả hai vợ chồng chết lặng khi biết thai nhi là... con trai.

Bác sĩ Minh cho biết, khi tư vấn trước phá thai, rất ít người nói thật lý do nên các bác sĩ thường phải làm thủ tục để “giải quyết” cho họ. Hầu hết các trường hợp này đều đến khi tuổi thai đã lớn, từ 13 đến 22 tuần tuổi. Việc phá thai lúc này cực kỳ nguy hiểm đối với sức khỏe, tính mạng của người mẹ. Khi bị từ chối, nhiều người tìm đến các phòng khám tư, để rồi lại được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng thủng tử cung, sốc, trụy mạch...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Bảo (An ninh thủ đô)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN