Cắt hai tay và 1 chân cứu bệnh nhân bị phỏng điện
Phỏng điện để lại hậu quả rất nghiêm trọng, làm giảm khả năng lao động, chấn thương tâm lý. Có trường hợp phải cắt cụt tay chân mới được cứu bệnh nhân do phỏng điện có nguy cơ nhiễm trùng quá nặng.
Ngày 23-8, thông tin từ BV Chợ Rẫy cho biết BV vừa cho xuất viện trường hợp bệnh nhân ĐVT (sinh năm 1974), ngụ Châu Thành, Hậu Giang sau khi phải cắt cụt hai tay và cẳng chân trái để cứu bệnh nhân thoát chết do bị phỏng điện.
BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa phỏng -Phẫu thuật tạo hình, BV Chợ Rẫy cho biết bệnh nhân T. bị phỏng điện 23% độ 2, 3, 4 toàn thân và tứ chi.
Bệnh nhân nhập viện ngày 20-7 và ra viện 22-8 sau 32 ngày điều trị. Trong hơn hai tuần bệnh nhân phải trải qua ba lần cắt cụt chi. Trong đó ngày 23-7 cắt cụt 1/3 cẳng tay trái, ngày 3-8 và cắt cụt 1/3 cẳng tay phải và 16-8 cắt cụt 1/3 trên cẳng chân trái.
Tương tự, trong tháng BV cũng điều trị cho bệnh nhân M. (1984), ngụ tại Thanh Chương, Nghệ An. Anh M. mặc dù đã làm thợ điện 10 năm rồi nhưng vẫn bị giật điện do bất cẩn dẫn đến phải cắt cụt 2 chi trên, bẹn trái do tổn thương.
Bệnh nhân bị cắt cụt 2 tay do phỏng điện tại BV Chợ Rẫy TP.HCM (ẢNH: HÀ PHƯỢNG)
Theo BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa phỏng - phẫu thuật tạo hình, BV Chợ Rẫy TP.HCM, phỏng điện ngày càng gia tăng trong cuộc sống và để lại nhiều hậu quả nặng nề.
Hiện tại khoa Phỏng BV Chợ Rẫy có khoảng 70 bệnh nhân nhưng số trường hợp bị bỏng điện chiếm khoảng 10%-15%, trong số đó. Và có đến 50% các trường hợp phải cắt chi. Đa số các bệnh nhân vẫn còn trẻ, trong độ tuổi lao động và là trụ cột chính trong gia đình.
Nguyên nhân chủ yếu từ những vụ phỏng điện là do người làm việc gần đường điện, treo bảng quảng cáo, lắp ăng ten tivi, lái máy cẩu đi qua dòng điện, câu cá gần đường dây điện…
Đặc biệt mùa mưa, độ ẩm không khí tăng cao nên khả năng dẫn điện giữa dây điện và người là rất lớn, điện trở khi trời mưa gần như bằng 0 nên phóng điện rất dễ dàng. Với nhiều trường hợp dù đảm bảo khoảng cách an toàn về điện nhưng khi trời mưa, khoảng cách đó không còn an toàn nữa.
Về nguyên tắc, đối với bệnh nhân bị giật điện nặng nếu không tháo chi, chi hoại tử, mà gắn với cơ thể sẽ khiến toàn bộ khu vực đó nhiễm trùng, thấm ngược vào máu gây nhiễm độc, gây nhiễm trùng máu, bệnh nhân dễ tử vong hơn.
Trước tình trạng phỏng điện ngày càng nhiều như hiện nay, bác sĩ khuyến cáo các doanh nghiệp sử dụng lao động cần đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động khi làm việc gần đường điện. Đặc biệt là an toàn về khoảng cách, bảo hộ, hướng dẫn cho người lao động quy tắc an toàn về điện. Vì hầu hết những người tai nạn điện chưa bao giờ được hướng dẫn về an toàn điện.
Đối với những người xung quanh, khi thấy người bị giật điện việc sơ cứu ban đầu cần thiết nhất là cách ly nguồn điện, di chuyển bệnh nhân tới khô ráo, hô hấp nhân tạo nếu bệnh nhân ngưng thở, đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần đó để được phẫu thuật phóng chèn ép càng sớm càng tốt. Sau đó chuyển lên các bệnh viện lớn để được can thiệp và điều trị kịp thời.