Cách sơ cứu ngạt nước

Những ngày trẻ được thỏa thích vui chơi lại là những ngày mà các bệnh viện nhi thường tiếp nhận nhiều ca tai nạn ở trẻ như ngạt nước ở hồ bơi, ong đốt, rắn cắn...

Chỉ trong hơn một tuần lễ, Khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM đã tiếp nhận hai trẻ em bị hôn mê sâu do ngạt nước ở hồ bơi. Trong đó một trẻ không đáp ứng với điều trị nên gia đình đã xin về và một trẻ đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 trong tình trạng nguy kịch.

Trẻ biết bơi càng dễ ngạt nước

Bác sĩ Nguyễn Hữu Nhân, trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, cho biết từ cuối tháng 5 đến nay Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận gần 10 trẻ bị ngạt nước, rắn cắn, ong đốt đến điều trị. Mẹ của một trẻ bị tử vong do ngạt nước trong ao nhà kể với bác sĩ rằng bà luôn để mắt đến con (27 tháng tuổi, ở Bình Chánh, TP.HCM), nhưng bà vừa vào nhà một lát rồi đi ra là chỉ thấy đôi dép của con trên bờ ao. Lúc vớt lên bé đã ngưng tim, ngưng thở.

PGS.TS Đoàn Thị Ngọc Diệp, Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết cả mùa hè năm trước Bệnh viện Nhi Đồng 2 không có bệnh nhân nào bị ngạt nước ở hồ bơi, nhưng chỉ hơn một tuần lễ qua bệnh viện đã tiếp nhận hai bệnh nhi bị hôn mê do ngạt nước ở hồ bơi. Đó là em V.C.T., 9 tuổi, ở Gò Vấp, TP.HCM và em V.C.D., 8 tuổi, ở Dĩ An, Bình Dương.

Khi tiếp nhận ca thứ hai bị ngạt nước tại hồ bơi, các bác sĩ khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 đều giật mình vì chỉ trong một thời gian ngắn đã có đến hai bệnh nhân bị ngạt nước với hoàn cảnh xảy ra tai nạn gần giống nhau. Cả hai bệnh nhi này đều là những trẻ em lớn 8-9 tuổi và cùng biết bơi. Các bậc cha mẹ thường để mắt đến trẻ nhỏ hơn, ít ai nghĩ trẻ 8-9 tuổi, biết bơi vẫn có thể bị ngạt nước. Trong khi đó, trẻ lứa tuổi này thường được xếp bơi ở hồ bơi trẻ em nhưng do biết bơi nên thường thích sang khu vực người lớn để nghịch hoặc bơi. Chẳng hạn như em T., sau khi bơi ở khu vực dành cho trẻ em, em lên thành hồ giỡn với người bạn thì bị trơn, té xuống khu vực dành cho người lớn. Còn trường hợp em D., em cũng sang khu vực dành cho người lớn bơi và bị chìm xuống nước lúc nào không rõ.

Bác sĩ Nhân cho rằng trẻ biết bơi có tâm lý không thích bơi ở hồ nhỏ mà thích sang hồ lớn bơi. Khi không được khởi động kỹ trước khi bơi, đùa nghịch trong lúc bơi (có trường hợp nhiều em nằm đè trên một em ở dưới nước) dễ bị vọp bẻ, trượt, ngạt nước.

Không được sơ cứu đúng cách

Cách sơ cứu ngạt nước - 1

Hầu hết các trường hợp ngạt nước được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Nhi Đồng 2 không được sơ cứu đúng cách.

Khi trẻ ngạt nước được phát hiện trong tình trạng ngưng tim ngưng thở, thay vì phải hô hấp nhân tạo, ấn tim ngoài lồng ngực nhằm hồi sức ngay tại hiện trường, người sơ cứu lại mất thời gian vàng để làm động tác xốc nước. Bác sĩ Nhân cho biết nhiều trẻ em bị ngạt nước ở dưới hồ ao, người thân vớt trẻ lên không sơ cứu ngay mà còn chạy sang nhà hàng xóm nhờ sơ cứu. Các bác sĩ cho rằng khi trẻ bị ngưng tim ngưng thở có nghĩa là hệ hô hấp và tuần hoàn không thể cung cấp máu chứa đủ oxy đến các cơ quan, sau năm phút não sẽ bị tổn thương vĩnh viễn.

Năm phút này cũng là thời gian vàng trong sơ cứu cho trẻ ngạt nước. Đa số các trường hợp ngưng tim ngưng thở, người phát hiện cũng không biết trẻ chìm dưới nước bao lâu và ngưng tim ngưng thở từ lúc nào. Vì vậy phải thực hiện ngay tức khắc thao tác thông đường thở, hô hấp nhân tạo và ấn tim ngoài lồng ngực.

Bác sĩ Diệp cho biết không phải trường hợp nào bị ngạt nước cũng có nhiều nước trong phổi. Khoảng 15% trẻ ngạt nước bị ngưng thở do phản xạ co thắt thanh quản, ngay cả khi trẻ chỉ hít một lượng nhỏ nước vào đường hô hấp. Động tác xốc nước thường không đem lại hiệu quả và làm mất thời gian vàng trong sơ cứu cho trẻ ngạt nước có ngưng tim ngưng thở.

Theo bác sĩ Diệp, nhân viên cứu hộ hồ bơi cần được huấn luyện sơ cứu ngạt nước có ngưng tim ngưng thở tại hiện trường để sơ cứu đúng cách cho các trường hợp bị ngạt nước xảy ra tại hồ bơi. Sau đó, cần chuyển nhanh đến bệnh viện gần nhất. Bác sĩ Diệp cho biết mùa hè là khoảng thời gian các bệnh viện thường tiếp nhận nhiều ca tai nạn ở trẻ. Do vậy, trong những ngày trẻ được nghỉ hè cha mẹ cần phải giám sát trẻ, đặc biệt là những bé trai trên 8 tuổi do các em tuổi này hiếu động, có thể tự ra ngoài một mình.

Làm gì khi bị rắn cắn, ong đốt?

Bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn đều cần theo dõi sát như là rắn độc cắn, ít nhất trong sáu giờ đầu. Cách sơ cứu: cho nạn nhân nằm yên, trấn an bệnh nhân, đặt nơi bị cắn thấp hơn so với tim để hạn chế hấp thu nọc độc, rửa sạch vết thương bằng xà bông và nước, phủ lên vết cắn bằng gạc mát để giảm đau, sưng. Nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế để được xác định loại rắn cắn và chích huyết thanh kháng nọc phù hợp.

Hầu hết trẻ bị ong đốt đều để lại vòi chích và túi nọc ở vết đốt trên da nạn nhân, ngoại trừ ong vò vẽ. Khi trẻ bị ong đốt, dùng nhíp lấy ra nhẹ nhàng, tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra. Sau đó rửa sạch vùng bị chích bằng xà bông, chườm lạnh lên vết cắn để giảm đau. Nếu thấy trẻ nổi mề đay, than mệt, tay chân lạnh, nước tiểu màu đỏ, tiểu ít, hay bị ong vò vẽ đốt hơn 10 vết cần đưa nạn nhân đến cơ sở y tế.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - (Phó trưởng khoa hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Nhi Đồng 1)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thùy Dương (Tuổi trẻ)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN