Ca ghép máu, cuống rốn và tủy xương
Thấy con chạy nhảy, vui đùa, anh Vũ Công Thiệp nở nụ cười hạnh phúc. Vậy là sau ca ghép máu cuống rốn và tuỷ xương, Tuấn Anh đã thoát khỏi căn bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) đeo bám gần mười năm.
Trở lại bệnh viện Nhi Trung ương kiểm tra sức khoẻ, Vũ Tuấn Anh không còn mệt mỏi, phải nhờ vào sự giúp đỡ của ba mẹ nữa.
Những ngày tháng không quên
Có được niềm vui hôm nay, gia đình anh Thiệp không quên những năm tháng vất vả chạy chữa, điều trị cho Tuấn Anh. Năm nay, Tuấn Anh bước sang tuổi thứ mười cũng là từng ấy thời gian em phải làm quen với bệnh viện.
Tuấn Anh sinh ra khoẻ mạnh như bao đứa trẻ khác. Cháu là động lực giúp vợ chồng anh Thiệp làm việc, xây dựng cuộc sống gia đình. Thế nhưng, vui chưa được bao lâu thì sức khoẻ Tuấn Anh bắt đầu có biểu hiện không bình thường. Hơn bảy tháng tuổi, Tuấn Anh bệnh liên tục. Cả nhà ban đầu nghĩ bé mọc răng, nhưng những đợt bệnh kéo dài và dày đặc hơn. Không chủ quan với sức khoẻ của con nhỏ, ba mẹ đưa Tuấn Anh đi khám. Anh Thiệp kể: “Các bác sĩ chẩn đoán cháu bị bệnh tan máu bẩm sinh. Hồi đó, gia đình tôi chưa hiểu gì về bệnh đó, cứ nghĩ sau một thời gian điều trị cháu sẽ khoẻ lại. Sau đó, các bác sĩ giải thích bệnh này cần chữa lâu dài và có thể cả đời. Cả nhà bắt đầu hoang mang, lo lắng”.
Tuấn Anh bên mẹ.
Suốt quãng thời gian ba năm đầu sau khi phát hiện bệnh, gia đình anh Thiệp luôn trong tình trạng căng thẳng. Gặp ai, họ cũng hỏi han cách điều trị bệnh cho Tuấn Anh. Mỗi lần đến viện là mỗi lần lo. Chẳng ai nói ra nhưng mọi thành viên trong nhà đều băn khoăn không biết tương lai Tuấn Anh rồi sẽ ra sao. Cứ 45 – 60 ngày Tuấn Anh lại phải truyền máu một lần. Có những lần không kịp truyền máu, em mệt, không ăn không ngủ, mọi sinh hoạt đều phải có người giúp đỡ. “Sau mỗi lần truyền máu, cháu vui vẻ, nô đùa trở lại. Quãng thời gian cháu khoẻ mạnh hiếm hoi đó cả nhà cũng thấy vơi đi nỗi lo. Nhưng khi cháu yếu, phải vào viện truyền máu thì thật kinh khủng”, anh Thiệp nói.
Lâu dần, việc Tuấn Anh phải vào viện thường kỳ trở thành một thói quen. Tuấn Anh lớn rồi mà vợ chồng anh Thiệp không dám sinh thêm bé nữa. Anh Thiệp nhớ lại: “Các bác sĩ động viên, bảo y học sẽ phát triển và có hướng điều trị cho bé. Nếu có bé tiếp theo, cần thăm khám từ khi mang thai. Khi vợ mang thai bé thứ hai, làm xét nghiệm phát hiện thấy thai nhi cũng mắc bệnh tan máu bẩm sinh như anh trai nên đã không giữ thai lại. May mắn ở lần mang thai thứ ba năm 2011, thai nhi hoàn toàn khoẻ mạnh. Bác sĩ nói y học đã có cách điều trị mới cho bệnh tan máu bẩm sinh nhờ máu cuống rốn. Sau khi em gái của Tuấn Anh chào đời, các bác sĩ đã bảo quản máu cuống rốn của bé ngay sau khi lọt lòng mẹ 5 phút để chọn thời điểm ghép cho anh trai”.
Trở lại với tuổi thơ
Sau gần hai năm lưu trữ, đến tháng 6 vừa qua các bác sĩ đã tiến hành ghép máu cuống rốn cho Tuấn Anh. Nhưng do lượng máu cuống rốn không đủ nên bác sĩ phải lấy thêm tuỷ xương của em gái Tuấn Anh để ghép. Sau ca ghép, Tuấn Anh sốt cao ba tuần liên tục. Đây cũng là thời gian chờ đợi mảnh ghép mọc trong cơ thể bệnh nhân. Đến tuần thứ tư, sức khoẻ Tuấn Anh có tiến triển tốt vì mảnh ghép đã mọc, không phải truyền các chế phẩm từ máu. Đặc biệt, máu của Tuấn Anh đã chuyển dần từ nhóm A sang nhóm O (nhóm của người cho). Bệnh nhi được ở trong phòng đặc biệt với các trang thiết bị y tế hiện đại nhất để tránh nhiễm trùng. Ngày thứ 40 sau ghép, Tuấn Anh được ra khỏi phòng cách ly vì các chỉ số chức năng cơ thể đã ổn định.
Hôm nay, Tuấn Anh đã trở về với cuộc sống bình thường. Những cơn mệt kéo dài đã không còn. Anh Thiệp khoe: “Ngoài giờ lên lớp, Tuấn Anh còn giúp được ba mẹ việc nhà. Cháu không còn phải nghỉ học nhiều như trước. Giờ khoẻ hơn rồi, cu cậu chạy nhảy, nghịch lắm. Cháu đang trong thời gian dùng thuốc chống thải ghép, nhưng chỉ một, hai năm là có thể cắt hẳn thuốc”.
Bệnh Thalassemia phòng được, chữa được GS.TS.BS Nguyễn Anh Trí, viện trưởng viện Huyết học – truyền máu Trung ương cho biết: Tan máu bẩm sinh là bệnh máu di truyền – bẩm sinh. Người bệnh phải được điều trị thải sắt thường xuyên và truyền máu đầy đủ. Bệnh Thalassemia hoàn toàn phòng ngừa được. Cách phòng bệnh tốt nhất là nâng cao nhận thức của cộng đồng, hạn chế sinh ra những trẻ mang gen bệnh hoặc bị bệnh. Các bạn trẻ nên tiến hành xét nghiệm máu phát hiện gen bệnh trước khi kết hôn. Bởi hai người mang gen bệnh lấy nhau thì có khả năng 25% con cái của họ bị bệnh rất nặng, 50% con cái của họ mang gen bệnh, chỉ 25% hoàn toàn không bị bệnh. Hiện phương pháp điều trị hiệu quả là ghép tế bào gốc tạo máu được lấy từ ba nguồn: tuỷ xương, máu ngoại vi và máu cuống rốn. Nhưng hai cách lấy tuỷ xương và máu ngoại vi gây khó chịu đối với người cho vì phải gây mê, thực hiện trong phòng mổ, gây đau… Nguồn thứ ba là máu cuống rốn. Việc lấy máu cuống rốn không ảnh hưởng gì đến sức khoẻ của cả mẹ lẫn bé, ngược lại, có thể giúp ích rất lớn cho chính chủ nhân, người thân của họ và cộng đồng khi được lưu giữ vào ngân hàng máu cuống rốn. |