BN tâm thần: "Bắt đền bác sĩ đấy..."

Sự kiện: Bệnh thần kinh

"Thế Tân muốn siêu nhân gì để bác sĩ làm nào?" “Bác sĩ làm siêu nhân tàng hình đi”. Nhanh như cắt, ông Phùng Công Lợi - Phó Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ em tàn tật Hà Nội trốn sau một cây cột, coi như đã tàng hình… sau đó, ông mới có thể tiếp tục chăm sóc cho bệnh nhân này.

“Ngủ không được nên gọi bác sĩ dậy chơi với em!”

Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ em tàn tật Hà Nội có một khu dành riêng để chăm sóc những bệnh nhân mắc chứng tâm thần, hoặc những bệnh nhân phải sống đời sống thực vật.

"Mỗi nghề có một đặc thù, với bác sĩ thì khoa nào cũng có cái khó riêng. Thực tế, chữa bệnh bình thường đã khó, điều trị cho các bệnh nhân tâm thần lại càng khó hơn" - ông Lợi chia sẻ.

Đơn cử như bệnh nhân Thế Tân này thường xuyên bị sốt cao, co giật…, vì thế, các bác sĩ phải tiêm định kỳ cho bệnh nhân. Thế nhưng, mỗi lần tiêm được không phải là đơn giản.

“Chúng tôi phải làm đủ kiểu, nịnh nọt có, dọa có… Thậm chí, có những lúc chúng tôi còn phải chiều, làm theo ý muốn của bệnh nhân như làm siêu nhân rồi Tân mới cho tiêm”.

Thế nhưng, đôi khi, các bác sĩ trong vai diễn viên lại không đạt, khiến bệnh nhân chỉ thẳng mặt bác sĩ bảo: “Siêu nhân phải bay nhanh chứ? Siêu nhân đụng đến ai thì người đó phải ngã lăn ra cơ mà, sao bác sĩ đụng vào người em mà em không bị ngã? Bắt đền bác sĩ đấy…” Nói rồi, bệnh nhân ngồi phịch xuống đất, hai chân giãy đành đạch như trẻ con: “Không chịu đâu, bác sĩ làm lại đi…”

Ông Lợi kể: "Có những khi, chúng tôi làm đi làm lại đến 5-6 lần mà vẫn không được bệnh nhân… duyệt”.

Ở đây không chỉ có mình bệnh nhân Thế Tân là yêu cầu các bác sĩ phải làm siêu nhân, thậm chí, nhiều y tá, điều dưỡng muốn chăm sóc bệnh nhân còn phải hát, giả bắn súng.

Chia sẻ về những kỉ niệm nghề nghiệp của mình, ông Phùng Công Lợi trầm ngâm: “Phải nói là có nhiều phen dở khóc, dở cười!”.

Có những đêm, chúng tôi trực tại cơ quan thì thấy đột nhiên bệnh nhân kêu thất thanh: “Bác sĩ ơi, em chết mất. Cứu em với…”

Vội vã chạy xuống phòng bệnh nhân xem có chuyện gì xảy ra, sau khi thăm khám, chúng tôi không thấy có dấu hiệu gì bất thường. Mãi sau đó, chúng tôi nhẹ nhàng hỏi chuyện thì được biết: “Em buồn quá, em yêu cô ấy mà cô ấy bỏ em đi yêu người khác. Cô ấy đẹp lắm, bác sĩ ạ. Em không ngủ được nên gọi bác sĩ xuống chơi với em!”.

BN tâm thần: "Bắt đền bác sĩ đấy..." - 1

Ông Lợi cho biết, đây là phòng có nhiều bệnh nhân hung tính nhất trung tâm

“Không mặc quần đâu. Để thế này cho mát…”

Ông Lợi bảo, thương nhất là mấy cô điều dưỡng chưa có gia đình, bởi đã chấp nhận vào làm việc ở đây thì họ sẽ phải làm từ A - Z: Chăm sóc, tắm giặt, điều trị cho bệnh nhân, cho bệnh nhân ăn, giúp bệnh nhân đi vệ sinh...

Khó nhọc vô cùng là việc tắm, đặc biệt là trong những hôm trời rét, việc thuyết phục bệnh nhân tự tắm cực kỳ khó khăn dù là với bệnh nhân nam hay bệnh nhân nữ, nên các điều dưỡng phải tự tay tắm cho họ.

Rồi những hôm trời nóng như thế này, các điều dưỡng viên mỏi miệng để giục bệnh nhân không được nghịch nước, tắm lâu.

Có hôm, các cô điều dưỡng bị bệnh nhân… vật ra cắn, thậm chí là đánh. Cắn xong, đánh xong thì họ ngồi cười…

“Tưởng chừng như mặc quần áo là đơn giản nhất, thế nhưng, có khi các điều dưỡng phải huy động 2 - 3 người mới có thể mặc được một cái quần cho các bệnh nhân cá tính mạnh”.

"Tôi nhớ có lần, một cô điều dưỡng chạc 20 tuổi, chưa có gia đình, hớt hơ hớt hải, mặt đỏ tía tai, chạy lại cầu cứu tôi: “Bác sĩ ơi, giúp em… em không thể… em xấu hổ lắm”.

Tưởng có chuyện gì nghiêm trọng, tôi tá hỏa chạy đến chỗ bệnh nhân, ai ngờ, nam bệnh nhân này trong tình trạng: “Không mặc quần đâu. Để thế này cho mát…”. Và cứ thế, bệnh nhân để “của quý” của mình tồng ngồng rồi đi khắp khu điều dưỡng chơi.

Rồi chuyện ăn uống, nhiều điều dưỡng viên phải bón từng chút một cho bệnh nhân. Có hôm, điều dưỡng bị hất cả bát cơm, bát cháo vào người là chuyện bình thường.

Bác sĩ - đó là nghề ai cũng mơ ước để có thể cứu giúp người bệnh. Nhưng là bác sĩ của những bệnh nhân hoang tưởng, tâm thần thì đúng là phải rất kiên trì để trải qua một quá trình đánh đổi, rèn luyện mới có thể thích ứng được..” - ông Lợi nói.

"Và rồi mỗi đêm, chúng tôi lại hối hả khi có tiếng gọi của bệnh nhân. Thậm chí trong giấc ngủ của chúng tôi lúc nào cũng len lỏi tiếng khóc i ỉ, rồi tiếng cười khanh khách,… của các mảnh đời gắn với công việc của chúng tôi" - ông Lợi chia sẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Liên (Bee.net)
Bệnh thần kinh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN