Bệnh viện điện tử: Không mặn mà vì quá... minh bạch!

Cùng với việc điều chỉnh viện phí lần này, Bộ Y tế cũng đề nghị các bệnh viện phải nâng chất lượng dịch vụ y tế. Để thực hiện mục tiêu, một trong những giải pháp đặt ra là áp dụng công nghệ thông tin (CNTT).

Nhờ ứng dụng CNTT, khoa cấp cứu bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM đã nâng cao được hiệu quả xử lý cấp cứu bệnh nhân.

Bệnh viện điện tử: Không mặn mà vì quá... minh bạch! - 1

Trong ảnh, một bác sĩ đang tìm kiếm thông tin từ màn hình cảm ứng. Ảnh: Thanh Hảo.

Tuy nhiên, bài toán này không dễ giải quyết vì nó có nhiều ẩn số khác nhau.

Nhiều ứng dụng hay

Thời gian qua bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM đã xây dựng một phòng quản lý chất lượng dựa vào những công cụ CNTT. Ngồi từ phòng này, ban giám đốc có thể kiểm soát được toa thuốc bác sĩ kê cho bệnh nhân.

Theo đó, những toa thuốc có số lượng thuốc kê nhiều hay giá trị quá cao được nhận diện dễ dàng qua một phần mềm tin học, vì thế tránh được chuyện lạm dụng thuốc cho bệnh nhân. Cũng từ phòng này, bệnh viện có thể biết được toàn bộ diễn tiến ở các khu khám ngoại trú như số lượt bệnh nhân đã khám, số bệnh nhân đang chờ xét nghiệm, và số bệnh nhân chờ khám qua một chương trình thống kê cập nhật liên tục. Trường hợp buồng khám nào có số lượng chờ đông, phòng sẽ điều chỉnh bệnh nhân sang buồng khám ít bệnh, một ý tưởng tương tự việc cảnh sát hướng dẫn luồng giao thông khi kẹt xe.

Ở nhiều bệnh viện TP.HCM hiện nay, khi bác sĩ kê toa thuốc bằng vi tính, họ thường được trang bị một phần mềm tương tác thuốc. Trường hợp vô tình kê toa có thuốc tương kỵ nhau, phần mềm sẽ báo lỗi ngay để bác sĩ điều chỉnh kịp thời. Ban giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 1 đã lắp một màn hình cảm ứng tại khoa cấp cứu, trong đó cài đặt sẵn các chương trình xử trí ngộ độc và phác đồ cấp cứu... BS Tăng Chí Thượng, giám đốc bệnh viện, nói: “Bác sĩ không tài nào nhớ được tất cả, vì thế công cụ này hỗ trợ họ rất nhiều”. Vừa nói, ông vừa dùng ngón tay bung to hình ảnh một con rắn trên màn hình: “Thao tác này đơn giản, nhưng thực tế đã cứu được nhiều trẻ em bị rắn cắn vì khi đưa trẻ vào đây nhiều người nhà không nhớ được trẻ đã bị rắn nào cắn. Nhưng nếu họ nhận diện được rắn qua màn hình, việc cấp cứu của bác sĩ sẽ hiệu quả hơn”.

Nhưng không dễ thực hiện

Tuy nhiên, ứng dụng CNTT trong quản lý bệnh viện không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Ở bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, cách đây vài tháng ban giám đốc cũng buộc bác sĩ khám và kê toa thuốc bằng vi tính khi khám ngoại trú, nhưng ý tưởng đã phá sản sau đó vì bệnh nhân phản đối do… chờ khám lâu hơn! Một bác sĩ giải thích: “Bình thường bác sĩ chỉ có 2 phút/bệnh nhân để vừa khám vừa ghi tay, nhưng nếu phải ghi trên máy tính thì bác sĩ không còn thời gian để khám”.

Tiếp tục ứng dụng CNTT vào quản lý bệnh viện

Nhằm đẩy mạnh xu hướng đưa CNTT vào quản lý bệnh viện, bộ Y tế chủ trương thành lập cục Công nghệ thông tin thuộc bộ Y tế và phòng công nghệ thông tin ở tất cả các bệnh viện hạng 1 và hạng đặc biệt. Ngoài ra, bộ cũng đăng ký vốn năm 2013 cho dự án “Bệnh án điện tử và quản lý hệ thống khám chữa bệnh”, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi cho dự án “Xây dựng dịch vụ tư vấn y tế, khám chữa bệnh từ xa”.

Khó khăn về tài chính và kỹ thuật cũng là trở ngại để áp dụng CNTT vào bệnh viện. Sáng 12.9, tại khoa khám gan bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, nơi diễn ra tình trạng quá tải nhiều nhất bệnh viện, một bác sĩ nói với chúng tôi: “Muốn vi tính hoá việc khám bệnh cũng được, nhưng phải có thư ký y khoa giúp bác sĩ mà bệnh viện chưa đủ kinh phí cho chuyện này”. BS Võ Minh Quang, phó phòng kế hoạch tổng hợp bệnh viện, chia sẻ: “Hiện nay bệnh viện đã tự động hoá quy trình xét nghiệm, kết quả được trả lại cho bác sĩ ngay trên màn hình họ làm việc, rút ngắn thời gian chờ của bệnh nhân. Chúng tôi cũng muốn áp dụng điều này cho quy trình chẩn đoán hình ảnh như X-quang, CT, siêu âm, nhưng trang thiết bị cũ kỹ, chưa đồng bộ với phần mềm”.

Một khó khăn lớn trong việc ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh là thay đổi nhận thức của nhân viên y tế. Lãnh đạo một bệnh viện nói: “Nếu bác sĩ thấy ứng dụng CNTT là có lợi cho ai đó, không phải cho họ thì họ rất khó hợp tác”.

BS Tăng Chí Thượng cũng cho biết phải mất hai năm bệnh viện Nhi Đồng 1 mới thực hiện được việc vi tính hoá khám chữa bệnh, đòi hỏi sự nhẫn nại và kiên trì của ban lãnh đạo. Một chuyên gia phần mềm quản lý bệnh viện, nói: “Ngoài việc không chấp nhận cái mới, một lý do khác khiến nhân viên y tế không thích CNTT là vì các ứng dụng này làm cho quy trình khám chữa bệnh trở nên đơn giản, nhanh chóng, minh bạch hơn. Có chuyện tại một bệnh viện nọ, khi CNTT được triển khai, nhiều bộ phận của khoa khám bệnh phản đối chính vì sự... minh bạch của nó!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phan Sơn (Sài gòn tiếp thị)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN