"Bệnh AIDS mới của châu Mỹ" do bọ xít hút máu

Ở giai đoạn muộn, Chagas gây đột tử hoặc suy tim do cơ tim bị phá hủy dần dần. Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, năm 2008, Chagas đã làm chết hơn 10.000 người.

Nụ hôn thần chết

Trong tài liệu mới về các bệnh nhiệt đới bị lãng quên được công bố tháng 5/2012 trên website của Thư viện Khoa học Công cộng (PLoS), Mỹ, các tác giả đã cảnh báo Chagas là “đại dịch HIV/AIDS mới của châu Mỹ”.  Cũng theo nguồn này, Chagas là một trong những căn bệnh nhiệt đới gây tử vong hàng đầu trong khu vực Mỹ Latinh và Caribê.

"Bệnh AIDS mới của châu Mỹ" do bọ xít hút máu - 1

Bọ xít hút máu gây bệnh Chagas

Chagas do sinh vật đơn bào Trypanosoma cruzi kí sinh trên bọ xít hút máu Triatoma, còn được gọi là “nụ hôn của Thần Chết” gây nên. Theo tài liệu của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), bọ xít hút máu người và thải ra kí sinh trùng gây bệnh trong phân ở gần vết đốt. Trypanosoma sẽ xâm nhập vào cơ thể qua vết thương hoặc qua niêm mạc.

Chagas còn lây nhiễm qua đường truyền máu, lây từ mẹ sang con, qua con đường hiến nội tạng hoặc các tai nạn trong phòng thí nghiệm. Đây chính là một lý do khiến nó được gọi là "HIV/AIDS mới của châu Mỹ". Nhưng nguy hiểm hơn, con người còn có thể nhiễm Chagas do bọ xít hút máu. Thậm chí, ăn các thực phẩm bị nhiễm phân của loài bọ này cũng sẽ nhiếm bệnh.

Chagas còn được gọi là “HIV/AIDS mới của châu Mỹ” bởi sự tương đồng lớn giữa hai căn bệnh. Cả hai đều là bệnh mãn tính, có thời gian ủ bệnh kéo dài. Việc điều trị lâu dài, khó khăn và trong rất nhiều trường hợp không thể chữa khỏi, trong khi chi phí đắt đỏ. Hiện nay, phí điều trị cho mỗi bệnh nhân mắc Chagas là khoảng 1.028 USD/năm.

Hàng chục nghìn người tử vong mỗi năm

Hiện có khoảng 10 triệu người mắc Chagas, hầu hết đều sinh sống ở Mỹ Latinh và vùng Caribê. Tuy nhiên, đã có khoảng 1 triệu trường hợp mắc bệnh ở Mỹ, đặc biệt là Texas, dọc bờ biển vùng Vịnh cùng hàng nghìn trường hợp được ghi nhận ở Canada, châu Âu, Úc và Nhật Bản. Điều này chủ yếu là bởi sự di cư của người dân Mỹ Latinh tới các vùng khác trên thế giới. Báo cáo của Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO) ước tính, mỗi năm có khoảng 14.400 trẻ em mang mầm bệnh Chagas ngay khi mới chào đời.

Các giai đoạn lây nhiễm của mầm bệnh Chagas

Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, năm 2008, Chagas đã làm chết hơn 10.000 người. Tuy nhiên, theo một tài liệu được công bố trên trang Medscape (Mỹ), con số tử vong trung bình hàng năm vì các nguyên nhân có liên quan đến căn bệnh này là 20.000 người.

Suy tim, vỡ đại tràng

Bệnh gồm 2 giai đoạn: cấp tính và mãn tính. Cũng giống như AIDS, ở giai đoạn cấp tính, bệnh nhân không có biểu hiện hoặc chỉ có các triệu chứng nhẹ như nổi ban, viêm ổ mắt, sưng hạch bạch huyết và sốt kéo dài trong vài tuần.

Bên cạnh đó còn có thể có một số triệu chứng khác như: đau đầu, sốt, đau cơ, khó thở, phù nề ở mặt hoặc tay chân, gan to, phát ban, đau bụng, tiêu chảy, tức ngực, thậm chí động kinh. Các triệu chứng này biểu hiện mạnh hơn ở trẻ dưới 5 tuổi, người già, người có hệ miễn dịch kém.

"Bệnh AIDS mới của châu Mỹ" do bọ xít hút máu - 2

Một triệu chứng của bệnh nhân Chagas trong giai đoạn cấp tính

Tuy nhiên, phần lớn người mắc bệnh không có biểu hiện bệnh cho tới giai đoạn mãn tính, khoảng 10-14 năm sau khi bị nhiễm.

Theo WHO, ở giai đoạn mãn tính, ký sinh trùng nấp dưới các mô đích ở tim và cơ trơn của hệ tiêu hóa. Giai đoạn này có 3 dạng biểu hiện chính: Dạng 1 phổ biến nhất, thường xuất hiện ở thời kỳ đầu của giai đoạn mãn tính. Người bệnh không có biểu hiện bệnh nhưng sẽ mang mầm bệnh suốt đời. Dạng 2 với biểu hiện chính là các bệnh về tim mạch, xảy ra ở khoảng 30% bệnh nhân. Dạng 3 với biểu hiện chính là nhiễm trùng hệ tuần hoàn hoặc kết hợp cả bệnh tim và tiêu hóa, xảy ra ở khoảng 10% bệnh nhân. Ở giai đoạn muộn, Chagas gây đột tử hoặc suy tim do cơ tim bị phá hủy dần dần.

Còn theo tài liệu công bố trên PLoS được báo Mỹ New York Times dẫn lại, khoảng 1/4 bệnh nhân Chagas sẽ bị biến chứng to tim, phình đại tràng, thực quản dẫn đến vỡ hoặc suy các cơ quan này và đột tử.

Chưa có vắc-xin phòng bệnh

Chagas có thể trị tận gốc vào giai đoạn cấp tính và đầu giai đoạn mạn tính. Ở giai đoạn cấp tính, khả năng loại bỏ ký sinh là gần 100%. Nhưng bệnh càng kéo dài thì khả năng chữa được càng thấp. Hiện nay có 2 loại thuốc phổ biến là benznidazole và nifurtimox.

Cũng giống như AIDS, hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh Chagas. Cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa bệnh là kiểm soát vector gây bệnh và sàng lọc máu để ngăn ngừa lây nhiễm qua truyền máu và ghép tạng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Thương - Lê My ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN