Bé viêm cầu thận vì chốc, bố mẹ tưởng con bị rôm sảy

Bệnh chốc ở trẻ nhỏ rất dễ gặp và thường bị nhầm với bệnh thủy đậu. Chính vì sự nhầm lẫn đó nên có bé đã bị viêm cầu thận do không được chữa trị ngay.

Viêm cầu thận vì chốc 

Đã gần 1 tuần nay, bé Nam, con chị Thúy Nga (ở Tây hồ, Hà Nội) bị lên mụn ở đùi, cánh tay. Lúc đầu như phỏng nước, sau vỡ ra và nổi nhiểu mụn như rôm ở xung quanh khiến bé rất ngứa ngáy, khó chịu. Người thì đoán bị rôm, người lại bảo thủy đậu.

Bé viêm cầu thận vì chốc, bố mẹ tưởng con bị rôm sảy - 1

Bệnh chốc ở trẻ em.

Cháu bé bị lâu ngày nhưng không khỏi, nổi mụn nước không giống thủy đậu, nhìn như có mủ nên chị Nga đưa con vào bệnh viện khám. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bác sĩ da liễu chẩn đoán cháu bị bệnh chốc khiến chị Nga rất bất ngờ. Chị cứ nghĩ chốc là những mụn mủ chỉ xuất hiện ở đầu. 

Trường hợp bé Nguyễn Bích Lan (ở Ba Đình, Hà Nội) 3 tuổi, cũng có các biểu hiện ban đầu tương tự như bé Nam, nhưng gia đình nghĩ con bị hăm, bị rôm sảy vì thời tiết nóng bức nên đã tự mua lá đun nước tắm cho bé và dùng thuốc mỡ bôi lên vùng da tổn thương. 

Tuy nhiên, sau hơn 3 tuần bé vẫn không đỡ, mặt phù, bàn chân sưng tấy, có mụn mủ, bóng mủ và kèm theo sốt. Lúc ấy gia đình mới vội vàng đưa con đi khám thì được chẩn đoán bé bị chốc có bội nhiễm, đã biến chứng thành viêm cầu thận cấp.

Bé Nguyễn Trúc Linh, Hoàng Mai, Hà Nội bị phỏng rộp ở miệng khiến bé rất khó ăn. Mẹ của Linh cho biết cháu thường xuyên bị. Mẹ cháu tưởng con bị cam nên thường mua thuốc cam. 

Tuần trước, các vết phỏng rộp to hơn và lan rộng ra cả môi, quanh miệng, mũi. Chị đưa con đi bệnh viện khám bác sĩ cho biết đây không phải bị cam hay bị tay chân miệng mà chính là chốc da ở trẻ em.

Ths.Bs Phạm Thị Mai Hương – chuyên khoa Da liễu, bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết mỗi ngày phòng khám Da liễu thuộc khoa Khám bệnh của bệnh viện tiếp nhận hơn 100 trẻ đến khám, trong đó khoảng 10% là chốc (tỉ lệ này thay đổi theo mùa). Chốc được nhận định là bệnh nhiễm trùng phổ biến nhất ở trẻ em.

Bệnh nhiễm trùng da có thể lây

Bé viêm cầu thận vì chốc, bố mẹ tưởng con bị rôm sảy - 2

Biểu hiện bệnh chốc không có bọng nước ở trẻ em.

Theo Thạc sĩ Hương, chốc là tình trạng nhiễm trùng nông ở da do vi khuẩn gây ra. Bệnh rất dễ lây lan và thường lây trực tiếp từ vùng da bệnh đến vùng da lành trên cùng một trẻ, hoặc từ trẻ này sang trẻ khác, vì vậy bệnh còn được gọi là “chốc lây”. 

Chốc có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng 90% là các bé tuổi nhà trẻ, mẫu giáo. Trên thực tế các bậc phụ huynh rất hay nhầm lẫn giữa bệnh chốc và bệnh thủy đậu. Nếu được chẩn đoán sớm và xử trí đúng, bệnh chốc lở cải thiện nhanh, khỏi và không để lại sẹo; trường hợp ngược lại bệnh có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng.

Có hai loại chốc là chốc có bọng nước và không có bọng nước. Chốc có bọng nước do tụ cầu gây ra. Khởi đầu là dát đỏ kích thước từ 0,5-1cm, nhanh chóng tạo thành bọng nước trên đó. Bọng nước nhăn nheo, xung quanh có quầng đỏ, sau vài giờ thành bọng mủ đục từ thấp lên cao. Vài giờ hoặc vài ngày sau các bọng nước dập vỡ, đóng vảy tiết màu vàng nâu hoặc màu nâu nhạt giống màu mật ong.

Loại chốc này hay gặp ở mặt, vùng da hở, hoặc bất kì chỗ nào kể cả lòng bàn tay, bàn chân, không bao giờ xuất hiện ở niêm mạc. Tại vùng da đầu, vảy tiết có thể làm tóc bết lại. 

Chốc không có bọng nước điển hình do liên cầu tan huyết nhóm A. Thương tổn của chốc này thường có mụn nước, mụn mủ nhưng dập trợt rất nhanh trên nền da đỏ, tiết dịch ẩm ướt nên không có bọng nước điển hình. Bờ thương tổn thường có ít vảy da trông giống như bệnh nấm da. 

Vảy tiết phía trên có màu vàng mật ong hoặc nâu sáng, với một quầng đỏ nhỏ bao quanh. Một số trường hợp có thể thấy các thương tổn vệ tinh ở xung quanh. Vị trí hay gặp ở mặt, xung quanh hốc mũi, miệng hoặc tứ chi.

Bệnh thường khỏi sau 2-3 tuần, nhưng cũng có thể kéo dài, nhất là khi cơ thể có nhiễm ký sinh trùng, bị chàm hay thời tiết nóng, ẩm ướt.

Để điều trị chốc, cha mẹ có thể sử dụng một số thuốc sát trùng như betadine hoặc dung dịch thuốc màu như xanh methylen…Dùng một vài ngày không thấy cải thiện hoặc bệnh có xu hướng nặng lên thì nên gặp bác sĩ đế được tư vấn, tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra .

Chốc lở dễ lây lan do thương tổn thường gây ngứa, trẻ sờ gãi vào những thương tổn ở chỗ này, rồi lại làm lây lan ra chỗ khác ngay trên cơ thể. Bởi vậy, khi trẻ bị chốc, các bậc phụ huynh nên cho trẻ tạm nghỉ ở nhà để kiểm soát tốt hơn sự lan rộng của bệnh trên cơ thể trẻ và ngăn ngừa biến chứng. Bên cạnh đó, động thái này cũng giúp hạn chế bệnh lây sang các bạn khác. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Khánh Ngọc (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN