Bé bị "chôn sống": Không trách móc

Không chỉ thiên thần nhỏ được chăm sóc trong vòng tay nâng niu, mà người mẹ dại dột cũng được cộng đồng dành cho những tình cảm yêu thương. Sự trở về của cháu bé đã kết nối tình thương, con người lại với nhau.

Từ ngày cháu Trương Thị Trúc Mai được cứu trở về, cái xóm nhỏ Ngã Cái vui hẳn lên. Kẻ gần người xa ra vô tấp nập. Tình làng nghĩa xóm, tình người giờ phút này mới thấy thật sự thiêng liêng. 

Hạt muối cắn đôi, cục đường bẻ nửa

Bước vào nhà vợ chồng Trương Văn Nhân – Lê Thị Cẩm Trúc, chúng tôi đã thấy có mấy người phụ nữ ở đây. Một nhóm 4-5 người ngồi trong buồng trò chuyện với Trúc và mẹ chồng. Một nhóm khác ngồi bên ngoài với mẹ ruột Trúc, bà Nguyễn Thị Cúc. Họ hỏi thăm Trúc phút giây trở dạ, họ hỏi tâm trạng Trúc lúc đem bỏ con. Rồi họ trách Trúc sao quá dại dột. Nhưng chứng kiến những lời trách đó, chúng tôi không thấy sự oán giận, mà chỉ thấy tình yêu thương họ dành cho người mẹ này.

Bé bị "chôn sống": Không trách móc - 1

Cháu Trương Thị Trúc Mai trong niềm yêu thương của cộng đồng. Bà Đỗ Thị Công - người nhận chăm sóc cháu bé - bên phải. Ảnh: Đặng Vỹ

Có một người đàn ông tuổi chừng 40 lại gây chú ý.

Anh ta tên là Trương Văn Tiến, ở xóm ngoài đầu cầu. Tiến có vẻ rất sốt sắng và thực sự quan tâm lo lắng cho gia đình Nhân – Trúc bởi cái sự đi lại lăng xăng, chào khách, mời nước. Chính những con số nợ nần của cợ chồng Nhân – Trúc trong bài báo trước của chúng tôi (nhan đề Cuộc trở về kỳ diệu của cháu bé bị "chôn sống" ở Cần Thơ) cũng do ban đầu Tiến tiết lộ. “Có gì nói nấy đi chớ giấu giếm cái gì! Nói ra để cho nhẹ bớt cái lòng, cũng để bà con người ta biết người ta thông cảm”, Tiến nói như trách móc với Trương Văn Nhân, chồng Trúc, cha của đứa bé, trước mặt mọi người.

Tiến  cho biết, bà Loan ở ngoài vàm hôm nay không vô thăm được, nhờ anh chạy xe máy mang thức ăn của bà mua ngoài chợ, đem cho Trúc. Đó là một ký thịt, 2 ký củ cải đỏ, một ký cà-rốt. Người dân quan niệm, ăn củ cải đỏ sẽ mau tạo máu, giúp phục hồi nhanh cho bà đẻ.

Bé bị "chôn sống": Không trách móc - 2

Cán bộ Hội Phụ nữ, Mặt trận, Xóa đói giảm nghèo của phường An Bình đến thăm chị Trúc. Ảnh: Đặng Vỹ

Bà Nguyễn Thị Cúc, má của Trúc, cho biết, mấy ngày qua, thỉnh thoảng có người không vô thăm được cũng gửi nhờ người đem thức ăn vô, khi miếng thịt, khi mớ rau, con cá.

Những ngày này, xóm Ngã Cái trở vui hẳn lên. Xóm nghèo nằm sâu, gần như biệt lập bên con rạch, nhưng những ngày qua lúc nào cũng đông đúc, nhộn nhịp người ra người vào. Cứ vào nhà bà Đỗ Thị Công một lát, nhìn và nựng nịu bé Trúc Mai xong, người ta lại kéo nhau qua nhà bên thăm người mẹ. Và “hột muối cắn đôi, cục đường bẻ nửa” chính là đây. Những đồng tiền, ký gạo, hộp sữa ít ỏi, gần như được chia đôi cho hai nhà, cho em bé một nửa, người mẹ một nửa.

Chúng tôi nhớ lại, khi vừa đến ngõ còn cách xóm Ngã Cái hơn cây số, một người phụ nữ đi xe máy cùng chiều thấy khách lạ, nói ngay: “Vô thăm em bé phải không? Nhớ qua nhà thăm mẹ và cho tiền mẹ nó nhé! Còn em bé thì cho sữa thôi!”.

Cũng tại nhà Nhân – Trúc, chúng tôi gặp chị Trần Tuyết Minh. Chị Minh, ở bên kia sông Cần Thơ, thuộc Thới Hòa, huyện Trà Ôn tỉnh Vĩnh Long. Nghe câu chuyện bé Trúc Mai, chị đã bỏ hẳn một buổi đi làm, qua sang thăm. Chị cũng dành được năm chục ngàn góp mua sữa cho bé.

Chứng kiến những người đến thăm, chúng tôi thấy thình thoảng cũng có đàn ông, nhưng đa phần, có đến 90% là phụ nữ. Quả thực chỉ người đàn bà mới hiểu được nỗi khổ của nhau. Dù bất cứ thời đại nào, dù tiến bộ văn minh bình đẳng đến đâu, thì người đàn bà vẫn khổ. Nỗi khổ làm mẹ, làm vợ, nỗi khổ mang nặng đẻ đau. Nên khi đàn bà có chuyện, là họ lại tìm đến nhau, bảo ban đắp đổi cho nhau. 

Có một hình ảnh rất xúc động. Đó là cụ Huỳnh Thị Tư, mẹ chồng Trúc, lúc nào cũng túc trực bên giường, xoa bóp, đắp mền, rót nước chăm sóc con dâu. Từ ngày xảy ra chuyện đến nay, bà chưa hề oán trách con dâu một lời là vì sao lại làm vậy với cháu nội của bà.

Bé bị "chôn sống": Không trách móc - 3

Cụ Huỳnh Thị Tư, mẹ chồng, liên tục trực bên cạnh giường chăm sóc con dâu. Ảnh: Đặng Vỹ

Tất cả vì thiên thần bé bỏng

Điều đáng ghi nhận là chính quyền địa phương có sự quan tâm đặc biệt đến việc này. Khi chúng tôi đến, đã thấy có 3 cán bộ phụ nữ phường. Đó là bà Trần Thị Lợi, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường An Bình; bà Nguyễn Thị Kim Cúc, cán bộ Mặt trận khu vực 8; và bà Phạm Thị Giang, cán bộ Xóa đói giảm nghèo của phường. 

Ba nữ cán bộ này cho biết, họ đến để vận động Trúc đi bệnh viện khám và chữa bệnh. Bà Lợi cho biết, khi Trúc đi khám chữa bệnh, phường sẽ lập đoàn đưa đi, mọi chi phí khám chữa bệnh, thuốc men, phường và Quỹ Vì người nghèo sẽ lo. Ngày hôm trước phường đã chuyển cho mỗi gia đình 20kg gạo. Nay các cán bộ nữ cũng mang sang trao cho Trúc 500 ngàn đồng để trước mắt kêu xe chở đi.

Bà cụ Huỳnh Thị Tư, vừa ngồi chặm sóc con dâu, vừa nói với cán bộ là xin cho vợ chồng Trúc cái sổ nghèo. Bà Phạm Thị Giang cán bộ Xóa đói giảm nghèo cho biết, phường biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình Nhân – Trúc, nhưng không thể xếp vào hộ nghèo được, vì hiện gia đình có 2 lao động chính. Phường đã làm hết sức linh động, mới đưa vô được hộ cận nghèo. 

Nhà bà Đỗ Thị Công, có khá hơn nhà Trúc một chút, nhưng đã ở trong cái xóm này thì không ai khá giả. Vợ chồng bà Công và ông Bảnh có 3 đứa con, hai đứa đầu đã lập gia đình, vợ chồng đều làm công nhân. Ông bà còn ở với đứa con trai út, năm nay 19 tuổi. Út cũng đi làm thuê cho một lò bánh mì, lương 2,5 triệu/tháng.

Vợ chồng bà Công cũng không có ruộng vườn. Ông bà mướn 2 sào làm lúa, 2 sào làm dưa leo. Lúa thì đủ để nấu cơm, còn tiền bán dưa leo tính ra bình quân mỗi ngày được dăm đến bảy chục ngàn. Ông thì thỉnh thoảng, lúc rảnh hay khỏe, ai gọi thì chạy cuốc xe ôm. Từ thức ăn, mua sắm, giỗ chạp, lễ nghĩa…, tất cả đều trông chờ vào khoản này.

Chúng tôi đặt vấn đề rằng khi nuôi cháu, ông bà sẽ vất vả thêm nhiều, nhưng vợ chồng bà Công vẫn tỏ ra sẵn sàng chấp nhận. Bà nói, kể từ khi ẵm đứa bé trên tay, tình cảm trong bà trỗi dậy, nó thiêng liêng không khác gì tình cảm của người mẹ. Và từ đó, cứ như là một sợ dây ruột thịt vô hình đã ràng buộc đứa bé với bà.

Những người phụ nữ đến thăm cháu bé cũng bày tỏ sự chia sẻ với gia đình bà Công trong thời gian tới. Hình ảnh các má, các chị ngồi xung quang, ở giữa là cháu bé đang được bà Công chăm sóc, tỏa ra một tình cảm áp áp xúc động lan tỏa đến từng người có mặt ngôi nhà bé nhỏ. Một bà má tóc đã bạc phơ, biết chúng tôi là nhà báo, níu áo nói tha thiết: “Các con viết làm sao cho công an đừng bắt nó nhé! Nó khổ quá nó làm bậy chớ nó từ hồi giờ không có ác đâu”. Nghe má nói câu này mà những người xung quanh cay cay nơi khóe mắt.

Bé bị "chôn sống": Không trách móc - 4

Cháu bé có gương mặt trong sáng như một thiên sứ. Ảnh: Đặng Vỹ

Nỗi lo trước mắt

Trong căn nhà xây nhưng trống huơ trống hoác vì không có phương tiện vật dụng gì, Trương Văn Nhân ngồi im lặng ở một góc. Anh chỉ nhìn mọi người đi lại, ít khi mở lời. Những người hàng xóm thường lui tới cho biết, 2 ngày qua người ta ít thấy mặt người đàn ông, cha của cháu Trúc Mai. Mọi việc từ tiếp khách, nước nôi, chạy ra chạy vào đều do hai bà má - má của Nhân và má của Trúc, cùng các cháu chăm lo. Nhân lánh mặt.

Hỏi vì sao, Nhân cúi đầu: “Em xấu mặt, em ngại, em không mặt mũi nào nhìn mọi người, nên em tránh”. Nhưng rồi lại ngẩng lên: “Nhưng mà giờ thì còn gì nữa đâu mà xấu hổ. Em phải có mặt ở nhà để đón nhận tình cảm của bà con tới thăm. Em cám ơn bà con đã không oán hận em”. 

Nói như vậy, nghĩa là người đàn ông này đã ân hận ghê gớm. Điều Nhân ân hận nhất là đêm đó, anh đã uống rượu, nên khi vợ trở dạ sinh con, rồi làm việc tày đình, mà anh không hề hay biết. Đương nhiên, đây có phải là sự thật hay không thì phải xác minh, hoặc cơ quan công an có kết luận, nhưng ít ra người biết nói rằng mình đã sai, đã hư, thì cũng là điều được ghi nhận.

Nhân nói mấy hôm nay người anh “lần thần và buồn, rồi lo nữa”. Nhân lo là đúng, vì trước mắt là một con đường đầy chông gai của đôi vợ chồng, với khối nợ lớn như tảng đá đè nặng lên đôi vai chai sần, và người vợ đang rất yếu. Trong khi đó, chỉ vài tháng nữa là căn nhà về tay người khác, vợ chồng và đám con nhỏ không biết sẽ nương náu nơi đâu.

Và lúc đó, khi bé Trúc Mai đã về với gia đình với cha mẹ. Vui thì vui vì gia đình đoàn tụ, nhưng lo là lấy gì chăm sóc, lấy gì nuôi nhau. Tình làng nghĩa xóm, sự cưu mang giúp đỡ đồng tiền hộp sữa chỉ khi xảy ra hữu sự, còn khi mọi việc đã yên bề rồi thì ai cũng trở về với gia đình, với cuộc sống của mình, không thể theo nhau mà cưu mang nhau mãi. Nên cũng không thể trông chờ vào những tấm lòng hảo tâm.

Chúng tôi cũng đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch phường An Bình, quận Ninh Kiều. Bà Tuyết cho biết, chính quyền đã có thông tin đầy đủ về hoàn cảnh của gia đình Nhân – Trúc. Gia đình Nhân – Trúc trước đây đã được xếp vào diện cận nghèo. Nhưng mới đây có phát hiện nợ nần, vì từ trước đến nay chính quyền không nghe báo. Trước mắt, chính quyền và các đoàn thể đã có một kế hoạch ngắn là giúp đỡ gia đình Trúc vượt qua thiếu thốn khó khăn. Còn về lâu dài, sẽ có sự tìm hiểu kỹ hơn hoàn cảnh cụ thể, rồi sẽ đưa ra giải pháp giúp gia đình phát triển kinh tế để vực dậy.

Con rạch Rau Răm trước nhà trăm năm qua vẫn chảy. Từ bao đời nay, nó đã chứng kiến chứng kiến bao nhiêu phận đời, phận người đen bạc hắt hiu. Nhưng, cảm động thay, hành trình trở về kỳ diệu của bé Trúc Mai đã thắp sáng lên những tấm lòng bao dung, nhân hậu, tình người.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đặng Vỹ (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN