Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Vì sao bệnh nhẹ nhưng 2 vạch hoài, không âm tính?

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, nhiều F0 quan sát F0 khác xung quanh mình như các thành viên ở nhà, người khác trong khu cách ly và tự so sánh: sao người ta mau âm tính, còn mình tuy bệnh nhẹ, thậm chí chẳng có triệu chứng gì nhưng test hoài vẫn cứ "2 vạch"?

Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Ảnh minh họa

Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Ảnh minh họa

Điều đó cũng bình thường. Chuyện dương tính, âm tính, có thể hiểu như sau: Con virus vào trong cơ thể sẽ nhân lên trong tế bào làm mình dương tính. Khi đó, cơ thể sẽ huy động lực lượng tới chặn lại không cho nó nhân lên, đẩy nó ra ngoài, để giúp mình không bị bệnh nặng. Nếu hai bên kềm giữ nhau ở tình trạng cân bằng thì mình không có bệnh, đây chính là dạng F0 không triệu chứng, không phải bệnh nhân. Đến khi nào mình mạnh hơn nó, đẩy hết được virus ra ngoài, khi cơ thể hết virus thì sẽ âm tính.

Nếu trong một giai đoạn nào đó của bệnh, hệ miễn dịch của cơ thể yếu thế, sẽ là lúc xuất hiện triệu chứng. Tùy người, triệu chứng sẽ ở nhiều mức độ. Người đã được tiêm vắc-xin hay người trẻ tuổi, không có bệnh nền, triệu chứng thường nhẹ hoặc may mắn hơn là rơi vào nhóm F0 không triệu chứng nói trên (chiếm đa số).

Cơ địa mỗi người mỗi khác, có người "đội quân" đề kháng quá mạnh, nhanh chóng chiếm ưu thế, đẩy virus ra hết trong thời gian ngắn, nên mau "âm tính". Có người cơ thể giữ được thế cân bằng nhưng không đủ sức để đánh nhanh, thắng nhanh, trường hợp này phải từ từ mới hết virus.

Một điều chắc chắn là khi cơ thể đã giành được lợi thế rồi, thì triệu chứng sẽ dần lui và không thể trở nặng lại nữa. Với Covid-19 giai đoạn có thể trở nặng thường nằm ở ngày thứ 3-8 của bệnh. Qua mốc đó nếu F0 vẫn không có triệu chứng thì không phải lo nữa. Lúc đó test nhanh sẽ thấy vạch T bắt đầu mờ hơn lần test ở giai đoạn toàn phát.

Dương tính kéo dài ở người đã khỏe lại cần lưu ý là vẫn cần phải tự cách ly. Bởi khi còn dương tính, là còn có nguy cơ lây cho người khác. Không cần test lại hằng ngày chi cho tốn tiền, cứ bình tĩnh ăn uống bồi bổ, nghỉ ngơi cho lại sức. Âm tính chỉ là điều kiện để mình có thể "tái xuất" cộng đồng. Bây giờ cũng đang giãn cách, "tái xuất" sớm hay muộn vài hôm cũng vậy. Ngày thứ 14 của bệnh test thử, vẫn chưa âm thì vài ngày, 1 tuần sau test tiếp, từ từ rồi cũng đến ngày "1 vạch".

Nguồn: [Link nguồn]

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Tránh ngộ nhận về thuốc kháng virus khi điều trị COVID-19

Không phải thuốc kháng virus nào cũng điều trị được bệnh COVID-19 dù tên nghe giông giống nhau. "Nghe người ta nói"...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM) ([Tên nguồn])
BS Trương Hữu Khanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN