Bác sĩ phải giao tiếp để… ngừa tai biến
Gần đây diễn ra nhiều vụ người dân hành xử tùy tiện vì bức xúc khi gặp phải chuyện bất lợi đến mình, bất chấp hậu quả nặng nề, thậm chí sa vào vòng lao lý. Vì sao như vậy và làm cách nào để hạn chế, ngăn chặn?
Phải tương tác với bệnh nhân
Từ những vụ người nhà bệnh nhân hành hung y - bác sĩ, có thể thấy rằng nếu trao đổi cặn kẽ với bệnh nhân và người thân của họ, y - bác sĩ sẽ làm tốt hơn công tác chuyên môn và tránh được những xung đột một khi có tai biến y khoa xảy ra.
Trước những ca phẫu thuật, bệnh nhân và người nhà cần được giải thích rõ về những điều bác sĩ sẽ làm, tác dụng cũng như rủi ro của ca mổ...
Nói đến tai biến trong y khoa, một vị bác sĩ nổi tiếng đã có 40 năm hành nghề phẫu thuật chia sẻ: "Trong cuộc đời của một bác sĩ (BS), dù giỏi đến đâu, cẩn thận đến đâu cũng không dám chắc chưa từng đối diện với tai biến. Chúng ta chỉ có thể hạn chế nó tới mức thấp nhất bằng cách hết lòng với công việc, tuân thủ đúng những điều thuộc về chuyên môn và phải giải thích cho bệnh nhân, thân nhân của họ về những gì chúng ta sẽ làm trên cơ thể người bệnh, về những nguy cơ…".
Xem bệnh nhân như người nhà
Theo BS chuyên khoa II Ðỗ Hoàng Giao - Phó trưởng Ban Chuyên trách Ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe Thành ủy, nguyên Giám đốc BV Gia Ðịnh - chìa khóa để tránh những vụ lộn xộn sau khi có tình huống ngoài ý muốn xảy ra chính là thái độ tôn trọng, cư xử đúng mực của thầy thuốc từ ban đầu. Khi BS làm một việc gì đó trên thân thể bệnh nhân thì họ phải được giải thích rõ ràng những thủ thuật mình sắp thực hiện là cái gì, có tác dụng ra sao, có các nguy cơ gì…
Trước những ca phẫu thuật, bệnh nhân và người nhà cần được giải thích rõ về những điều bác sĩ sẽ làm, tác dụng cũng như rủi ro của ca mổ
"Chắc chắn chẳng BS nào muốn hại bệnh nhân cả, tai biến luôn là việc ngoài ý muốn. Nhưng nếu BS không chịu nói gì, chỉ lẳng lặng đưa ra tờ cam kết và người nhà cũng nhắm mắt ký bừa thì khi xảy ra tai biến, người ta chỉ biết người nhà của mình gặp chuyện mà không rõ tại sao, tờ cam kết lại trở thành thứ để bắt bí lẫn nhau, rất dễ dẫn đến những phản ứng tiêu cực" - ông Giao phân tích.
Còn theo BS Trần Thanh Mỹ, Giám đốc BV Chấn thương Chỉnh hình TP HCM, xây dựng được mối giao tiếp tốt giữa thầy thuốc - bệnh nhân - thân nhân là ước mơ của hầu hết các nhà quản lý. Ðôi khi chỉ vì sự chủ quan của BS lẫn người bệnh mà hai bên không hiểu nhau. BS cho rằng người bệnh đã quá hiểu về bệnh tình của mình, người bệnh lại cho rằng guồng máy chặt chẽ của BV có thể làm mọi điều… dẫn đến những tình huống không hay. Ngay cả trong tình huống cấp cứu, không có nhiều thời gian nhưng nếu cố gắng để nói được với người nhà bệnh nhân đôi ba lời thì có thể tránh được rất nhiều tình huống họ nóng giận, gây gổ…
Giao tiếp để… ngừa tai biến
BS Lê Thanh Chiến, Giám đốc BV Cấp cứu Trưng Vương, cho rằng sự tương tác giữa BS với người bệnh, người nhà còn có tác dụng giúp họ phối hợp tốt hơn với thầy thuốc trong công tác điều trị và cũng là một cách để BS thực hiện chuyên môn tốt hơn và tránh những rủi ro.
"Thực ra, vấn đề giao tiếp đã cần thiết ngay từ giai đoạn khám bệnh. Muốn chẩn đoán đúng thì BS phải giao tiếp để tìm hiểu về bệnh sử, tiền sử của người bệnh, rồi thông tin cho họ biết cụ thể trong giai đoạn này thì bệnh của họ được chẩn đoán như thế nào, cần làm gì, điều trị ra sao để họ phối hợp. Khi phải phẫu thuật, thầy thuốc không chỉ phải giao tiếp với bệnh nhân, thân nhân để giải thích về những thủ thuật sắp thực hiện mà phải giao tiếp với nhau để đừng sai sót. Chỉ những thao tác rất nhỏ như xác định đúng người bệnh, kiểm tra lại xem đúng vị trí mổ hay chưa, mổ xong đếm lại gạc… nếu được làm nghiêm ngặt thì cũng tránh được tai biến đáng kể" - TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết.
Theo BS Ðỗ Hoàng Giao, tình trạng quá tải tại các BV hiện nay cũng là một yếu tố khiến các nhân viên y tế kiệm lời. Họ phải chú ý vào những việc quan trọng hơn: tiêm đúng giờ, lấy thuốc cho chính xác, thực hiện xét nghiệm đầy đủ và kịp thời… Tuy nhiên, nếu nhân viên y tế cố gắng trao đổi với bệnh nhân những lúc thật cần thiết, ví dụ như trước những ca mổ quan trọng, thì sẽ hạn chế được những phản ứng tiêu cực của người nhà bệnh nhân rất nhiều. "Khi tai biến xảy ra mà người nhà được giải thích đầy đủ, rõ ràng, thấy được thầy thuốc đã làm hết sức để khắc phục thì họ sẽ thông cảm. Ngược lại, nếu cố tình che giấu, bưng bít khiến người ta không hiểu gì hết, chỉ biết rằng người nhà mình gặp nạn thì họ rất dễ nổi nóng".
Phác đồ điều trị là cơ sở pháp lý Tại một hội nghị khoa học diễn ra vào giữa tháng 8-2013, TS-BS Tăng Chí Thượng từng nhấn mạnh: Tai biến y khoa có nhiều nguyên nhân nhưng chắc chắn ít nhiều liên quan đến việc không tuân thủ phác đồ điều trị hoặc cơ sở điều trị đó chưa có phác đồ, có phác đồ nhưng còn ở dạng hướng dẫn điều trị chung, thiếu chi tiết. Theo ông, một phác đồ chi tiết vừa là cơ sở khoa học cho mọi hoạt động chuyên môn vừa là cơ sở pháp lý để xây dựng danh mục thuốc, thanh toán viện phí và cũng là cơ sở pháp lý cho những vụ kiện giữa bệnh nhân và BV. Vì lẽ đó, xây dựng và tuân thủ phác đồ không chỉ giúp đẩy lùi tai biến, bảo vệ người bệnh mà còn giúp thầy thuốc tự bảo vệ chính mình. |