7 mẫu rau ngót “bẩn”: Giám sát ngay quy trình sản xuất
Cần phải rà soát lại quy trình sản xuất xem vì sao người dân lại sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật đối với rau ngót như thế. Rau ngót - thậm chí phụ nữ sinh con còn giã ra lấy nước uống..., nên cần phải làm rõ vấn đề này.
Ngày 8/7, tại cuộc họp sơ kết về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo các đơn vị chức năng giám sát quy trình sản xuất rau ngót để biết vì sao người dân lại sử dụng nhiều thuốc BVTV.
7 mẫu rau ngót “bẩn”
Ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ NNPTNT cho biết, đã lấy mẫu kiểm tra an toàn thực phẩm đối với mướp đắng, rau ngót tiêu thụ tại 7 chợ đầu mối trên địa bàn TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Đây là những loại rau, quả có nguy cơ cao mất an toàn thực phẩm.
Kết quả kiểm tra cho thấy, rau ngót, có 7/25 mẫu phát hiện mức dư lượng thuốc BVTV vượt mức tối đa cho phép. Về mướp đắng, có 2/25 mẫu phát hiện dư lượng thuốc BVTV vượt mức giới hạn cho phép. Theo ông Hồng, dù kết quả kiểm định rau ngót phát hiện 7 mẫu có dư lượng thuốc BVTV nhưng vẫn ở mức an toàn với người tiêu dùng nếu biết cách chế biến hợp lý, ăn chín, uống sôi.
Người trồng thực hiện không đúng quy trình sản xuất của là một trong những nguyên nhân gây tồn dư hóa chất BVTV trên rau ngót.
Trước những kết quả kiểm nghiệm trên, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã chỉ đạo: “Cần phải rà soát lại quy trình sản xuất xem vì sao người dân lại sử dụng nhiều thuốc BVTV đối với rau ngót như thế. Rau ngót được coi là loại rau lành, nhiều nơi còn ăn sống, thậm chí phụ nữ sinh con còn giã ra lấy nước uống... nên cần phải làm rõ vấn đề này, vì có hợp chất sẽ bị tiêu hủy khi nấu chín nhưng có hợp chất vẫn còn tồn dư. Dù chưa nguy hiểm nhưng vẫn phải cảnh báo”.
Liên quan tới vấn đề này, ông Phạm Đồng Quảng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: “Nguyên nhân chính vẫn là do người trồng rau chưa tuân thủ đúng quy trình sản xuất, trong khi việc giám sát của cán bộ địa phương, nhất là hệ thống khuyến nông còn mỏng và yếu”.
Bộ Trưởng Cao Đức Phát yêu cầu, cần phải kiểm tra, giám sát chất bảo quản đối với cả nông sản trong nước và xuất khẩu để chỉ rõ cho người dân biết thuốc bảo quản gì, có an toàn hay không.
Theo kết quả tổng hợp kiểm tra an toàn thực phẩm từ các địa phương, tình hình dịch hại trên rau, quả tươi và kết quả chương trình giám sát quốc gia về tồn dư hóa chất BVTV trên rau, quả từ năm 2008 đến nay của Cục BTVT: Nhóm rau ăn lá có nguy cơ mất an toàn thực phẩm cao hơn rau ăn quả.
Các loại rau có nguy cơ cao phải kể tới rau muống, rau ngót, cải xanh, đậu, đỗ... và các loại có nguy cơ thấp hơn là một số rau bí, su su, mồng tơi, súp lơ, cà chua, mướp đắng, dưa chuột; một số loại rau ít nguy cơ gồm bí xanh, bí đỏ. Trong các loại quả được giám sát thì nho có nguy cơ cao nhất, sau đó đến dưa lê, chuối và thấp nhất là xoài và cam. Đánh giá theo vùng địa lý cũng cho thấy, các vùng sản xuất, kinh doanh rau quả phía Bắc có nguy cơ mất an toàn thực phẩm cao hơn miền Trung và thấp nhất là khu vực phía Nam.
Giám sát cả quy trình bảo quản rau, quả
Ông Phạm Đồng Quảng cho biết, hiện nay hầu hết các loại hoa quả đều được thu hái non, sau đó sử dụng thuốc bảo quản để thúc chín (cả hoa quả nhập khẩu và hoa quả trong nước), nên có nhiều người tiêu dùng đặt câu hỏi tại sao quả táo, quả nhỏ... để hàng tháng vẫn không bị thối. Chất bảo quản đó là chất gì, có ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng?không?
Liên quan tới vấn đề bảo quản, ông Nguyễn Xuân Hồng?cho rằng, hầu hết các nước đều không xuất khẩu trái chín cây. Một số loại quả?đều phải hái ở thời điểm già hoặc ương, sau đó sử dụng thuốc bảo quản, có loại thuốc thúc chín đều, cũng có loại thuốc bảo quản kìm hãm chín để hoa quả bảo quản được lâu. Hiện nhiều nước sử dụng các loại hóa chất bảo quản hoa quả nhưng đó là những loại hóa chất được phép sử dụng và đảm bảo an toàn thực phẩm. “Ở nước ta, chưa có loại thuốc bảo quản nào được đưa vào danh mục. Hiện mới có 2 doanh nghiệp đăng ký khảo nghiệm thuốc bảo quản hoa quả” - ông Hồng cho biết.