6 món ăn giúp bổ huyết

Sự kiện: Món ăn bài thuốc

Những người có hội chứng huyết hư gây hoa mắt chóng mặt, trí nhớ giảm, thần sắc kém, hồi hộp mất ngủ, tê bì… có thể dùng một số món ăn bài thuốc bổ huyết để cải thiện tình trạng bệnh.

Theo y học cổ truyền, huyết là một dạng vật chất không thể thiếu của cơ thể. Nhờ có huyết mà cơ thể được nuôi dưỡng, tưới tắm, các chức năng cơ quan tạng phủ được duy trì ổn định.

Dưới đây là một số món ăn bổ huyết từ động - thực vật khác nhau, giúp cải thiện hội chứng huyết hư, hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả.

Lòng đỏ trứng gà bổ huyết rất mạnh.

Lòng đỏ trứng gà bổ huyết rất mạnh.

1. Món ăn bổ huyết có nguồn gốc từ động vật

- Lòng đỏ trứng gà: Trứng gà là món ăn đơn giản, rẻ tiền, thường thấy trên mâm cơm của người Việt. Y học cổ truyền quan niệm lòng đỏ trứng gà là một vị thuốc có tác dụng tư âm bổ huyết rất mạnh.

Lòng đỏ trứng gà có hàm lượng dinh dưỡng cao và phong phú, đặc biệt với những thành phần sắt, kẽm, folat, vitamin B12… là những thành phần rất cần thiết cho cơ thể trong quá trình tạo hồng cầu.

Tuy nhiên, do có nhiều cholesterol nên không ăn quá nhiều trứng gà liên tục (trên 3 - 4 quả/tuần), rất dễ dẫn đến tình trạng tăng mỡ máu.

Món ăn sử dụng lòng đỏ trứng gà: Táo đen bỏ hạt 10g, tỏi rừng 20g, hạt lúa mì 100g, trứng gà 2 quả.

Cách chế biến: Cắt nhỏ táo và tỏi rừng, sau đó cho nước vào đun cùng hạt lúa mì cho thành hỗn hợp sền sệt. Đập trứng lấy lòng đỏ, trộn đều vào hỗn hợp trên. Đun tiếp đến khi hơi sôi có thể dừng lại. Chia ăn 2 bữa/ngày. Dùng 2 - 3 bữa/tuần, tùy theo thể trạng người dùng (dùng theo bữa ăn). Có thể cho thêm gừng tùy theo thể trạng và sở thích.

Gan lợn nấu với cải bó xôi phù hợp với người huyết hư.

Gan lợn nấu với cải bó xôi phù hợp với người huyết hư.

- Gan lợn: Tương tự trứng gà, gan lợn là thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao với lượng lớn sắt, vitamin… rất thích hợp để sử dụng cho các bệnh nhân huyết hư. Tuy nhiên, với vai trò là một "nhà máy lọc máu", ngay trong gan lợn cũng có nhiều những thành phần dư thừa, không có lợi cho sức khỏe, những người có bệnh lý rối loạn chuyển hóa, tim mạch (tăng huyết áp) không nên sử dụng.

Món ăn có thể sử dụng làm từ gan lợn: Cải bó xôi 30g, gan lợn 100g, gia vị vừa đủ.

Cách chế biến: Trước tiên làm sạch rau cải cùng gan lợn. Luộc rau cải, đến khi sôi thì cho gan lợn đã thái lát vào cùng gia vị (muối, dấm…) vừa đủ. Hoặc có thể lấy nước luộc gà rồi cho thêm gừng, hành, đặt ½ chỗ gan lợn trên xuống dưới rồi tới cải bó xôi, lại phủ lên 1 lớp gan lợn lên trên, đun đến khi rau chín là có thể sử dụng.

Bài này rất thích hợp với những người bệnh huyết hư lại kèm theo đại tiện thường táo kết, thị giác kém… Những người vốn đại tiện lỏng nát không nên dùng.

- Thịt dê: Từ lâu, thịt dê đã được coi là món ăn hàng đầu dùng để bồi dưỡng cho những người suy nhược lâu ngày, ốm lâu mới khỏi...

Đặc biệt, thịt dê là một trong những loại thực phẩm có khả năng cải thiện khả năng sinh lý của nam giới.

Món ăn sử dụng thịt dê: Đương quy 30g, gừng tươi 60g, thịt dê 700g, rượu trắng 50ml. Đem đương quy, gừng tươi rửa sạch. Cho tất cả cùng thịt dê đã thái lát, rượu trắng vào trong nồi hầm, nước vừa đủ, hầm trong khoảng 1 - 2 giờ, sau đó có thể nêm nếm gia vị cho phù hợp.

Nếu như những món ăn ở phần trên thích hợp cho người bệnh thể trạng nóng, thì món ăn này thích hợp cho người thể trạng hàn, hay sợ lạnh, đau bụng đi lỏng…

Bí ngô phù hợp với người huyết hư.

Bí ngô phù hợp với người huyết hư.

2. Món ăn bổ huyết có nguồn gốc từ thực vật

- Bí ngô: Trong y học cổ truyền, quả bí ngô có vị ngọt tính ấm, thường được dùng làm món ăn thực dưỡng cho những người bệnh huyết hư, đặc biệt thuộc hội chứng tâm huyết hư gây ra những triệu chứng của suy nhược thần kinh.

Trong bí ngô có khá nhiều acid glutamic, là một chất đóng vai trò quan trọng trong các chu trình chuyển hóa của thần kinh. Cứ đến mùa thi, chúng ta lại thấy các sĩ tử thường được sử dụng món ăn liên quan tới bí ngô là vậy.

Món ăn súp bí ngô: Bí ngô 300g, hành tây, bơ lạt, gia vị vừa đủ (dầu olive, sữa tươi, tỏi…). Bí ngô đem bỏ vỏ, hạt, rồi thái nhỏ. Phi thơm hành với bơ rồi thêm nước vừa đủ, cho bí ngô vào cháo đợi đến khi bí ngô mềm ra thì có thể dầm nát hoặc cho vào xay trong máy rồi nêm nếm thêm gia vị phù hợp khẩu vị.

Long nhãn cũng là một vị thuốc thường dùng để điều trị các trường hợp tâm huyết hư.

Long nhãn cũng là một vị thuốc thường dùng để điều trị các trường hợp tâm huyết hư.

- Long nhãn: Trong "Lĩnh Nam bản thảo - Hải Thượng Lãn Ông y tông tâm lĩnh", Hải Thượng Lãn Ông viết: "Long nhãn tục gọi là quả nhãn, ngọt bình không độc, tính ôn hòa, bổ ích tâm tỳ, thêm tuổi già". Nhãn cũng là một vị thuốc thường dùng để điều trị cho các trường hợp tâm huyết hư gây các chứng mất ngủ, hay quên, giảm trí nhớ, chóng mặt, ăn uống kém… Nếu chế thành long nhãn thì càng quý.

Có thể sử dụng chè long nhãn nấu hạt sen: Hạt sen tươi 200g, long nhãn 100g, đường phèn 200g. Ngâm long nhãn với nước trước cho mềm, nở khoảng 10 – 15 phút. Tiếp đó, luộc hạt sen cho chín mềm rồi thêm đường vào nấu chung cho sen ngọt, vớt ra để nguội. Hạt sen và long nhãn cho vào nấu cùng nước sen một lúc rồi dùng. Khi ăn dùng lượng vừa đủ.

Dâu ta - một vị thuốc bổ huyết.

Dâu ta - một vị thuốc bổ huyết.

- Dâu ta: Khi nhắc tới các vị thuốc bổ huyết để làm đen râu tóc, người ta thường nhắc tới hà thủ ô, tuy nhiên còn vị thuốc khác rẻ hơn mà cũng có khả năng bổ huyết, đen râu tóc, đó chính là dâu ta. Dâu ta còn tên gọi khác là tang thầm, để thu hái, người ta sẽ lấy quả dâu chín vào tháng 5 - 6 rồi phơi khô để dùng dần trong năm.

Có thể chế biến dâu ta thành siro dâu như sau: Dâu ta 1kg, đường 1kg, lọ thủy tinh sạch. Dâu ta rửa sạch rồi phơi khô. Rải lên lọ thủy tinh các lớp lần lượt dâu nằm dưới, đường phủ ở trên sao cho kín. Có thể làm thành 4 - 6 lớp tùy độ cao của lọ. Ủ trong 1 - 2 tuần là có thể sử dụng. Phần nước chắt vào chai dùng dần, phần bã có thể dùng làm mứt.

Nguồn: [Link nguồn]

Nhiều người thắc mắc rằng, nếu chỉ tập thể dục thôi liệu có giúp làm giảm cholesterol, hạ mỡ máu hay không.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo BS. Lan Anh ([Tên nguồn])
Món ăn bài thuốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN