5 sai lầm thường gặp về loãng xương

Mặc dù loãng xương là căn bệnh phổ biến, ảnh hưởng khoảng 200 triệu người trên toàn thế giới, nhưng không ít người vẫn chưa hiểu đúng về bệnh này. Sau đây là một vài sai lầm phổ biến mà mọi người cần tránh nếu muốn có được một bộ xương khoẻ mạnh.

1. Loãng xương không nguy hiểm bằng các bệnh ung thư, tim mạch

Sai – Loãng xương vẫn có thể dẫn đến chết người. Những trường hợp gãy xương lớn, hậu quả của loãng xương, có thể gây ra một loạt những vấn đề sức khoẻ như thần kinh, tim mạch, thậm chí tâm lý. Đau đớn, giảm vận động do gãy xương và những hậu quả do chúng gây ra còn làm giảm đáng kể chất lượng sống của bệnh nhân. Người ta thấy chỉ 15% trường hợp gãy cổ xương đùi ở người già là có thể hồi phục lại vận động và sống độc lập như trước khi gãy. Có khảo sát cho thấy 25% số người gãy cổ xương đùi sẽ tử vong trong 6 – 12 tháng đầu tiên. Vì sao? Bởi phẫu thuật thay thế cổ xương đùi có thể dẫn đến loạn nhịp tim, biến chứng gây mê, viêm phổi, nhồi máu cơ tim hoặc những vấn đề nhiễm trùng ở người già. Cũng có nghiên cứu cho thấy phụ nữ 50 tuổi có nguy cơ tử vong vì gãy cổ xương đùi tương tự như ung thư vú.

5 sai lầm thường gặp về loãng xương - 1

Không ít người vẫn chưa hiểu đúng về bệnh loãng xương

2. Có thể biết mình bị loãng xương vì những cơn đau trong xương

Sai – Loãng xương diễn tiến âm thầm nên bạn khó cảm nhận được. Trong suốt cuộc đời con người, xương thường xuyên diễn ra hai quá trình trái ngược: huỷ xương và tái tạo xương. Mật độ xương đỉnh đạt được vào lúc trưởng thành. Sau đó, khi bước vào tuổi trung niên tốc độ huỷ xương vượt quá tốc độ tái tạo xương. Lúc này, nhìn bên ngoài người ta vẫn thấy khoẻ mạnh nhưng bên trong loãng xương đang diễn ra dần dần. Trong thực tế, một số người loãng xương có cảm giác khó chịu, mệt mỏi hoặc đau nhức trong xương, nhưng những dấu hiệu này rất mơ hồ và thường nhầm lẫn với những bệnh đau nhức khác. Vì thế, loãng xương còn được gọi là “sát thủ thầm lặng”. Bệnh chỉ được phát hiện chắc chắn thông qua việc đo mật độ xương.

3. Tôi trẻ, tôi không sợ loãng xương

Sai – Mặc dù gãy xương và giảm chiều cao thường xảy ra khi người ta lớn tuổi, nhưng nguy cơ loãng xương có liên quan đến nhiều yếu tố như: tiền sử gia đình loãng xương sớm, chế độ ăn, lối sống, bệnh lý… Do vậy, nếu bạn là người trẻ, không quá sớm để bạn đặt ra một lối sống “xây dựng xương”, đặc biệt nếu bạn có tiền sử gia đình loãng xương. Để giữ cho xương mạnh khoẻ và chắc chắn, bạn nên thu nhận đủ canxi và vitamin D qua chế độ ăn uống, phơi nắng, tập luyện thường xuyên, tránh hút thuốc và dùng rượu bia quá độ.

Tuy nhiên, thực tế trong những năm gần đây tại nước ta bệnh loãng xương lại có xu hướng “trẻ hoá”. Chúng tôi đã gặp vài trường hợp bệnh nhân nữ, mới ngoài 30 tuổi, nhưng khi cho khảo sát mật độ xương, kết quả lại gần giống như người ở tuổi 60. Đây thường là những người làm việc trong văn phòng, che chắn kỹ khi ra ngoài trời vì sợ sạm da, ít vận động và ăn uống không đủ chất. Khi được chẩn đoán loãng xương, nhiều người như thế vẫn không tin mình có bệnh và tưởng máy… cho kết quả nhầm!

4. Nam giới không loãng xương

Sai – Đúng là xương của nam giới thường chắc chắn và ít bị gãy hơn so với xương phụ nữ, nhưng người ta thấy rằng cứ mỗi bốn người nữ bị loãng xương lại có một người nam cũng mắc bệnh này, khiến họ bị gãy xương hoặc giảm khối lượng xương trong cuộc đời họ. Ở nam giới loãng xương thường xảy ra muộn hơn so với nữ giới, thường sau 65 tuổi, bởi họ không giảm đột ngột nồng độ estrogen do mãn kinh từ sau 50 tuổi như ở phụ nữ. Nhưng nồng độ testosterone và estrogen giảm thấp ở nam giới khi về già cũng làm cho họ dễ gãy xương. Theo dự báo của trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ, tỷ lệ gãy xương ở nam giới do loãng xương có thể tăng gấp ba lần trước năm 2050.

5. Không thể ngăn chặn hoặc đảo ngược tình trạng mất xương

Sai – Những tiến bộ điều trị trong 10 – 15 năm qua cho thấy người ta có thể ngăn chặn, thậm chí đảo ngược tình trạng mất xương. Những loại thuốc chống loãng xương, bao gồm liệu pháp thay thế hormon ngắn hạn, có thể giúp bảo tồn khối lượng xương hiện tại. Một số loại thuốc mới hiện nay còn có thể giúp xây dựng xương mới, làm tăng mật độ xương lên vài phần trăm mỗi năm trong vòng 3 – 4 năm.

Sau mãn kinh, phụ nữ cần phải bổ sung khoảng 1.200mg canxi mỗi ngày. Canxi có nhiều trong những thực phẩm như: sản phẩm sữa ít béo, sữa chua, tôm, cua, rau bina, cải broccoli và cá hồi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo BS.CK2 Châu Trần Phương Tuyến (Thế giới tiếp thị)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN