13 triệu người Việt đang bị “kẻ giết người thầm lặng” tấn công

Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, ước tính hiện nay Việt Nam có gần 13 triệu người tăng huyết áp nhưng chỉ có 50% số người mắc bệnh được phát hiện.

GS-TS Nguyễn Lân Việt - Giám đốc Dự án Phòng chống bệnh tăng huyết áp cho biết tăng huyết áp là một căn bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất trên thế giới, với những biến chứng nghiêm trọng như tai biến mạch máu não và các bệnh tim mạch khác, thậm chí là tử vong.

Tuy nhiên đa số người mắc bệnh tăng huyết áp không có triệu chứng và phần lớn người tăng huyết áp thậm chí còn không biết mình bị bệnh. Các triệu chứng kể trên thường chỉ xuất hiện khi bệnh đã tiến triển nặng. Chính vì thế tăng huyết áp còn được gọi là "kẻ giết người thầm lặng”.

Cục Y tế Dự phòng cho biết, ước tính hiện nay Việt Nam có gần 13 triệu người tăng huyết áp. Tuy nhiên chỉ hơn 50% số người mắc bệnh được phát hiện và 50% trong số phát hiện được điều trị, quản lý. Hiện, có rất nhiều bằng chứng về hậu quả của bệnh tăng huyết áp đối với sức khỏe.

“Nếu bị tăng huyết áp, tắc động mạch vành, không có can thiệp sớm sẽ rất dễ xảy ra các cơn nhồi máu cơ tim, đột quỵ, nguy hiểm đến tính mạng”, Cục Y tế Dự phòng cảnh báo.

13 triệu người Việt đang bị “kẻ giết người thầm lặng” tấn công - 1

Đo huyết áp thường xuyên nhằm sớm phát hiện "kẻ giết người thầm lặng" tấn công

Bộ Y tế cũng cho biết, theo nghiên cứu trên 3.692 ca tăng huyết áp dẫn tới tai biến mạch máu não, nhập viện điều trị tại các cơ sở y tế vừa qua cho thấy, thời gian điều trị trung bình của ca tăng huyết áp là 11 ngày. Chi phí điều trị trung bình là 3,6 triệu đồng/bệnh nhân/đợt, tỷ lệ bệnh nhân bị liệt không hồi phục (tàn phế, mất khả năng lao động) là 40% và tỷ lệ tử vong là 6,9%.

Đặc biệt, đối tượng dễ bị “kẻ giết người thầm lặng” tấn công gồm những người người từ 45 tuổi trở lên. Ngoài ra, người thừa cân béo phì cũng dễ mắc tăng huyết áp; Người thường xuyên sử dụng rượu bia, thuốc lá làm tăng huyết áp và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch do tăng huyết áp; Người ăn nhiều muối, ít rau quả; Ít hoạt động thể lực; Căng thẳng tâm lý; Mắc các bệnh mạn tính như bệnh thận, đái tháo đường, …

Do đó, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân kiểm tra huyết áp thường xuyên thông qua khám sức khỏe định kỳ tại các cơ sở y tế.

Ngoài ra, người dân phải có chế độ ăn hợp lý, giảm ăn mặn (dưới 5g muối/ngày); Ăn rau xanh, hoa quả tươi; Cố gắng duy trì vòng bụng dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ; Hạn chế uống rượu, bia; ngừng hút thuốc lá hoặc thuốc lào; Tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp: tập thể dục, đi bộ, đi xe đạp hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày; Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh; Thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN