Nguyễn Văn Đương, niềm hy vọng vàng bất đắc dĩ của Boxing Việt Nam

Trong 4 năm, sự nghiệp Boxing của Nguyễn Văn Đương đã chứng kiến nhiều thăng trầm mà hiếm có vận động viên (VĐV) nào từng trải qua. Anh vụt sáng trở thành một hiện tượng, rồi trở lại với hình ảnh của một võ sĩ bình thường. Ngoài ra, ít ai biết Đương từng lên thi đấu chuyên nghiệp rồi quyết định lại làm võ sĩ nghiệp dư.

Lựa chọn của số phận

Khác với hình ảnh mọi người thường nghĩ về một võ sĩ, Nguyễn Văn Đương của đời thường giống như một con mọt sách chính hiệu. Anh thích đọc truyện kiếm hiệp, mê tìm hiểu tài chính, thậm chí từng thử sức làm nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Câu chuyện Đương đến với Boxing khá tình cờ, và anh hẳn sẽ không thi đấu đến hôm nay nếu như không có huấn luyện viên (HLV) Nguyễn Anh Dũng chỉ bảo.

Nguyễn Văn Đương từng thử sức với Boxing chuyên nghiệp, nhưng vẫn trở lại thi đấu thành tích cao.

Nguyễn Văn Đương từng thử sức với Boxing chuyên nghiệp, nhưng vẫn trở lại thi đấu thành tích cao.

"Đương là võ sĩ xuất chúng, nhiều năm Boxing Việt Nam mới sản sinh một người", HLV của một địa phương chia sẻ. Hạng cân 57 kg mà Đương thi đấu từng được ví như "bể cá mập", nơi có không ít võ sĩ tài năng tranh chấp ngôi đầu. Nhưng chỉ với tài năng bản thân sở hữu, Đương đã đánh bại tất cả để khẳng định vị thế tay đấm số một Việt Nam trong những năm gần đây.

Bên cạnh ưu thế về vóc dáng và tốc độ, điểm mạnh biến Nguyễn Văn Đương trở thành "hàng hiếm" của Boxing Việt Nam là lực tay. Những võ sĩ từng chạm trán Đương thừa nhận võ sĩ sinh năm 1996 có lực đấm mạnh hơn hẳn những người ở cùng hạng cân. Sức nặng trong những đòn đánh của Đương khiến anh không thể thua cuộc ở những giải trong nước, nơi đối thủ thường phải tối tăm mặt mũi nhận đòn.

Trong giai đoạn 2017 - 2018, khi Boxing chuyên nghiệp manh nha hình thành ở Việt Nam, Nguyễn Văn Đương cũng là một trong những võ sĩ đầu tiên thử sức. Anh đầu quân cho một câu lạc bộ "5 sao" tại TP Hồ Chí Minh, nơi có những trang thiết bị tối tân cùng khoản đãi ngộ đáng mơ ước. Đương cũng có cơ hội thi đấu một số trận Boxing chuyên nghiệp với những đối thủ quốc tế.

"Tôi từng nghĩ Việt Nam không có võ sĩ nào đủ giỏi để đấu Boxing chuyên nghiệp, cho đến khi chứng kiến Đương thi đấu", ông Robert Hill, Giám đốc VSP Boxing Gym chia sẻ. Nhưng cuối cùng, duyên gắn bó với Boxing chuyên nghiệp của Đương cũng không kéo dài quá lâu. Anh muốn tiếp tục đấu Boxing thành tích cao, và thực tế là câu lạc bộ nơi Đương đầu quân cũng không thực hiện đúng cam kết đã đưa ra.

Trở lại đội tuyển quốc gia, Đương được Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia 2 xây dựng một giáo án tập riêng biệt để phát triển bản thân. Giữa những người đàn anh trong đội tuyển quốc gia như Trương Đình Hoàng, Trần Văn Thảo... Đương nhanh chóng được thừa nhận như một tay đấm sáng giá trong tương lai.

Ở đấu trường quốc tế, Đương cũng thể hiện tốt ở SEA Games 2019, nơi anh giành 2 chiến thắng liên tiếp để bước vào trận đấu cuối cùng. Nhưng vào thời điểm bước vào trận tranh HCV SEA Games trên đất Philippines, hẳn Đương cũng chẳng bao giờ tưởng tượng giấc mơ Olympic lại đến với anh quá sớm, và theo kịch bản chẳng ai ngờ đến như những gì anh đã trải qua.

May và rủi

"Nếu khách quan nhìn nhận, việc tôi lọt vào chung kết SEA Games 2019 là điều may mắn", Đương từng khiêm tốn nói như vậy trước truyền thông. Quả thực, lá thăm ngẫu nhiên đã đưa võ sĩ nước chủ nhà là Ian Clark Bautista vào cùng nhánh đấu với ứng viên vô địch Chatchai Butdee (Thái Lan). Ở nhánh còn lại, Đương chỉ phải gặp những võ sĩ từ Lào, Campuchia và Myanmar.

Trận thắng đối thủ Azerbaijan ở Olympic Tokyo là khoảnh khắc lóe sáng của Nguyễn Văn Đương.

Trận thắng đối thủ Azerbaijan ở Olympic Tokyo là khoảnh khắc lóe sáng của Nguyễn Văn Đương.

Với một võ sĩ giàu cá tính như Nguyễn Văn Đương, anh muốn khả năng của mình được nhìn nhận đúng thay vì phóng đại. Thật vậy, trong trận chung kết gặp Chatchai, Đương để thua 0-5 với điểm số cách biệt trong 3 hiệp đấu. Có thể nói ở SEA Games năm ấy, Đương vừa thi đấu tốt, vừa gặp may mắn. Điều đó tiếp tục đến với võ sĩ Việt Nam chỉ sau chưa đầy 100 ngày.

Tháng 3/2020, Đương cùng ban huấn luyện đội tuyển sang Jordan tham dự vòng loại Olympic Tokyo. Trận thắng đầu tay đưa anh bước vào màn tái đấu với Chatchai Butdee. Bị đánh giá thấp hơn khá nhiều so với đối thủ, nhưng Đương đã bất ngờ nhập cuộc với phong độ cao và giành chiến thắng. Ngay khi hiệp 1 còn chưa khép lại, trọng tài đã tạm dừng trận đấu vì thấy thực lực 2 bên quá chênh lệch.

Chuỗi ngày mộng mơ nơi đấu trường Boxing quốc tế của Đương chưa dừng lại ở đó. Đến Olympic Tokyo, Đương bất ngờ giành chiến thắng ở vòng đầu tiên trước Tayfur Aliyev, một tay đấm rất mạnh đến từ Azerbaijan. Anh chỉ dừng bước khi phải chạm trán một đối thủ hoàn toàn trên cơ khác là Tsendbaatar Erdenebat, võ sĩ Mông Cổ đang giữ ngôi vị đương kim vô địch ASIAD.

Dường như khi nhận thất bại trước Tsendbaatar Erdenebat, vận may cũng không còn đồng hành với Nguyễn Văn Đương nữa. Anh vẫn tỏ ra mạnh hơn hẳn so với phần còn lại ở những giải vô địch quốc gia. Nhưng trong mỗi lần bước ra quốc tế, Đương giờ đây không còn ở vị thế của một ẩn số nữa. Các đối thủ nghiên cứu Đương kỹ hơn, và họ dần tìm được cách khắc chế anh.

Tháng 4/2022, Nguyễn Văn Đương cùng các thành viên đội tuyển Việt Nam xuất ngoại dự giải Boxing Thái Lan Mở rộng. Được ví như Olympic thu nhỏ, giải Thái Lan Mở rộng 2022 quy tụ những tay đấm hàng đầu châu lục và thế giới. Ngoài ra, vì được tổ chức ngay trước thềm SEA Games 31, Thái Lan và Philippines cũng cử những võ sĩ mạnh nhất của họ đến tranh tài.

Trận thắng đầu tay trước đối thủ Sao Rangsey (Campuchia) đưa Đương chạm trán với "người quen" Ian Clark Bautista. Được ví như võ sĩ mạnh nhất Đông Nam Á ở hạng cân 57kg nam sau khi Chatchai nghỉ thi đấu, Bautista đã sớm chứng minh đẳng cấp. Ở trận bán kết gặp Đương, sau hiệp đầu thi đấu lấn lướt, Bautista hạ knock-out đối thủ bằng một đòn đấm trời giáng.

Trúng cú đòn liên hoàn từ Bautista, Đương lập tức ngã xuống sàn đài và không thể đứng lên sau 10 lượt đếm. Trận thua đó dường như ảnh hưởng nặng nề cả về mặt thể xác lẫn tinh thần của võ sĩ 27 tuổi. Chia sẻ cùng các đồng đội, Đương nói, 3 ngày sau trận đấu đó, anh vẫn cảm thấy đầu óc ít nhiều choáng váng, chưa thể tập luyện bình thường trở lại.

Nhưng ở một góc độ nào đó, thất bại của Đương tại giải Thái Lan Mở rộng lại không gây hụt hẫng nhiều như SEA Games 31. Là một trong những niềm hy vọng vàng của Việt Nam, Đương thậm chí được xếp thi đấu trong trận mở màn môn Boxing SEA Games. Nhưng đến giờ ra sân, Ban tổ chức thông báo Đương bị xử thua, do anh bị chẩn đoán mắc COVID-19, một sự cố không ai lường trước được.

Trở lại nhờ niềm tin

Sự cố tại SEA Games 31 thực sự ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của Nguyễn Văn Đương. Một lần nữa, võ sĩ sinh năm 1996 rơi vào trạng thái lạc lõng, thậm chí nghĩ đến chuyện từ bỏ Boxing trong tương lai gần. Nhưng giống như ngày còn là một cậu nhóc thi đấu ở giải thiếu niên, Đương nhanh chóng tìm lại bản thân để hướng đến những mục tiêu mới.

Sau tấm vé dự Olympic, Đương bắt đầu gặp nhiều khó khăn trong 1 năm qua.

Sau tấm vé dự Olympic, Đương bắt đầu gặp nhiều khó khăn trong 1 năm qua.

Đến kỳ Đại hội Thể thao Toàn quốc 2022, Đương tưởng chừng có nguy cơ "ngã ngựa" ngay vòng đầu tiên. Trong trận ra quân gặp đối thủ Nguyễn Trần Đức Lộc (TP Hồ Chí Minh), Đương bị rách mí mắt sau khi phải nhận một đòn đấm. Nếu vết rách sâu hơn một chút, Đương hoàn toàn có thể bị bác sĩ kết luận không đủ sức khỏe thi đấu, qua đó bị xử thua chung cuộc.

Nhưng với bản lĩnh của một trong những võ sĩ xuất sắc nhất lịch sử Boxing Việt Nam, Đương đã kiên cường vượt qua. Anh giành chiến thắng thuyết phục trước Đức Lộc, sau đó lần lượt đánh bại Tô Phi Vinh (Bình Dương) và Huỳnh Minh Tuấn (Quân đội) với một tấm băng gạc dán trên mí mắt. Lúc này, chẳng ai còn có thể ngăn cản Đương đến với chức vô địch nữa.

Tấm huy chương vàng Đại hội Thể thao Toàn quốc 2022 như một minh chứng cho thấy cái tên Nguyễn Văn Đương vẫn còn sức nặng ở những giải đấu trong và ngoài nước. Trong danh sách đội tuyển Boxing Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games 32, Đương cũng là niềm hy vọng số 1 ở hạng cân 57kg nam. Anh đã sẵn sàng trở lại với mục tiêu chinh phục huy chương SEA Games với tư cách là một ẩn số.

Kỳ SEA Games chuyển giao của Boxing Việt Nam

Khác với những kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á trước đây, đội tuyển Boxing Việt Nam đến với SEA Games 32 mà không có nhiều cái tên quen thuộc như Trương Đình Hoàng, Trần Văn Thảo. Một số võ sĩ dày dạn kinh nghiệm của Boxing Việt Nam như Trịnh Thị Diễm Kiều, Trần Thị Oanh Nhi cũng không góp mặt giống những lần tập trung đội tuyển quốc gia trước đây nữa.

Về phía Trương Đình Hoàng, "Quyền vương" đã thông báo chia tay các giải đấu trong nước sau khi kết thúc năm 2022. Giờ đây, anh muốn giành toàn thời gian để thi đấu Boxing chuyên nghiệp. Câu chuyện tương tự cũng đến với Diễm Kiều, khi nữ võ sĩ Quân đội quyết định chuyển sang công tác huấn luyện sau khi kết thúc một năm đáng nhớ với bản thân.

Trong khi đó, Trần Văn Thảo không được dự SEA Games 32 do không vô địch quốc gia. Anh để thua võ sĩ Trần Văn An (Hà Nội) trong trận chung kết Đại hội Thể thao Toàn quốc. Đó là trận đấu Trần Văn An thi đấu hoàn toàn áp đảo, và giành chiến thắng một cách xứng đáng. Trường hợp của Oanh Nhi đặc biệt hơn cả khi cô tạm nghỉ thi đấu để chuẩn bị làm mẹ.

Ngoài những cái tên kể trên, Boxing Việt Nam còn có 2 gương mặt đáng tiếc sẽ không thi đấu ở SEA Games 32 là Vương Thị Vỹ, Trần Thị Linh. Họ đều là đương kim vô địch SEA Games 31, nhưng không thể tranh tài do chương trình thi đấu SEA Games 32 không có hạng cân sở trường. Thay vào đó, Nguyễn Thị Tâm, Hà Thị Linh, Nguyễn Thị Phương Hoài sẽ là 3 đại diện của Boxing nữ Việt Nam.

Theo bạn đoàn thể thao Việt Nam sẽ giành thứ hạng ra sao ở SEA Games 32?

Nguồn: [Link nguồn]

Những VĐV Việt Nam đầu tiên có mặt tại Campuchia sẵn sàng cho SEA Games 32

Chiều 19/4, các thành viên tổ marathon của đội tuyển điền kinh Việt Nam đã có mặt tại Campuchia, để chuẩn bị cho cuộc so tài tại SEA Games 32 khởi tranh vào ngày 5/5 tới đây.

Theo Đơn Ca ([Tên nguồn])
Đoàn thể thao Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN