“Xấu còn đóng vai ác!”

Với nghệ sĩ đóng vai ác, mỗi khi bị khán giả mắng như thế là họ thấy hạnh phúc vì mình đã diễn xuất thành công, dù không chiếm được tình cảm của nhiều người như vai chính diện.

Trong giờ phim tối của VTV1, khán giả đang được gặp lại diễn viên Nguyễn Hậu với vai Ba Luân trong phim Ngược sóng (đạo diễn Lê Cung Bắc) - một kiểu vai “ác mới” theo cách nói của ông. Nhân vật là kẻ từng có ý định chiêu hồi trong chiến tranh, thuộc dạng “lừa thầy phản bạn”; thời bình thì dùng mọi mưu mô hiểm độc để được lên chức bí thư đảng ủy, rồi từ đó “làm mưa làm gió”. Nhân vật thoái hóa biến chất rất nguy hiểm cho xã hội này cũng là sự trở lại với vai ác của Nguyễn Hậu từ sau vai ông Chủ Chiếu trong phim Đồng quê (đạo diễn Lê Phương Nam), trùm giang hồ Mìn Có trong phim Vật chứng mong manh (đạo diễn Nguyễn Duy Võ Ngọc)…

Nhìn mặt, đặt vai

“Ai cũng nói mặt tôi nông dân cù lần mà sao đóng ác dữ. Tôi có con mắt một mí, “lợi hại” lắm. Chỉ cần biết cách là có ngay cái mặt khờ khạo hay ác ôn, nham hiểm. Nói vui vậy chứ từ lúc đến với nghiệp diễn, tôi đã đọc nhiều lắm, xem phim cũng nhiều, vừa học hỏi cách diễn xuất của diễn viên nước ngoài vừa quan sát cuộc sống. Những vai ác tôi từng thể hiện là tổng hòa của tất cả những gì cóp nhặt được trong cuộc sống” - Nguyễn Hậu tiết lộ.

“Xấu còn đóng vai ác!” - 1

Diễn viên Nguyễn Hậu phải đầu tư chăm chút từ quần áo đến những trang sức tiểu tiết tạo dấu ấn cho vai trùm giang hồ Mìn Có trong phim Vật chứng mong manh.
(Ảnh do đoàn phim cung cấp)

Diễn viên Nguyễn Hậu nói vai ác chọn ông như cái nghiệp. Năm 1982, ông quyết định rời bỏ đoàn văn công Cửu Long, lọc cọc đạp xe lên TPHCM theo lời mời của đạo diễn Bùi Sơn Dương cho phim Chiếc vòng bạc. “Tôi đâu có thích đóng ác. Tuy nhiên, đạo diễn nói mặt tôi xấu, chẳng thể nào đóng chính được, đóng hiền mà vai phụ, nhỏ thì không nhiều đất diễn, vai ác mới ấn tượng. Vậy là tôi thành người… ác. Sợ nhất là trùng lặp nên mỗi một dạng vai tôi đều cố tìm tòi, đầu tư cho sự khác biệt. Có khi tôi tự đi lùng sục mua sắm quần áo, trang sức, có những chi tiết rất nhỏ nhưng sẽ làm nên dấu ấn cho nhân vật”- Nguyễn Hậu bộc bạch.

Suốt hơn 30 năm diễn xuất với hơn 200 vai diễn lớn nhỏ, vai hiền cũng không ít nhưng hầu như tên Nguyễn Hậu lại gắn với hình ảnh trùm mật vụ, mật thám ác ôn, xã hội đen, đồ tể khát máu, ông bá hộ ác độc rồi cán bộ thoái hóa biến chất… Ông nói đến giờ, nhiều người vẫn cứ nhắc nhớ nhân vật trùm mật vụ Dương Văn Hiếu (phim Ông cố vấn) hay Hải cầu Mống (phim Xóm nước đen), trưởng mật thám ác ôn (phim Người đẹp Tây Đô)… “Họ nói tôi đóng vai ác dã man quá!” - Nguyễn Hậu nói vui.
Huỳnh Du cũng là một “gương mặt ác vượt thời gian” của màn ảnh, từ Mùa gió chướng, Người không mang họ, Ván bài lật ngửa… cho đến các phim gần đây: Con tàu không số, Lòng dạ đàn bà, Đôi mắt ân tình, Mùa hè lạnh… Tuy nhiên, “mang tiếng” nhất phải kể đến là Phương Dung “Tào Thị”.

Hình ảnh bà mẹ ghẻ ác độc trong phim Phạm Công - Cúc Hoa đã trở thành “biểu tượng dì ghẻ”, đến mức trở thành tục ngữ của người đời: “Ác như Tào Thị”. Thời đó, Phương Dung bị “chửi tơi bời”. Cho dù sau này chị đã đảm nhận các vai diễn “ác ít” hơn, thậm chí vai hiền nhưng hình ảnh nhắc nhớ đến chị rõ nhất trong tâm trí của một thế hệ khán giả vẫn là Tào Thị.

Ngay cả những tên tuổi đã chuyển đổi vai trò như NSND Lý Huỳnh, NSND Đào Bá Sơn, diễn viên Thương Tín, Lê Tuấn Anh… thì trong ký ức của khán giả và người trong giới, họ vẫn “đóng đinh” vai phản diện. Vai nào của họ cũng gây ấn tượng mạnh với người xem, nếu không đến mức “cướp, giết, hiếp” cũng là tay giang hồ, anh chị phá làng phá xóm hay đểu cáng, lừa thầy phản bạn, âm mưu nham hiểm… Nói như diễn viên Nguyễn Hậu là “Cả đời phải mang tiếng… ác”.

Bị khán giả chửi là… hạnh phúc

Phim ảnh bây giờ lột tả mức độ ác của nhân vật không “quá liều”, nhưng cũng có không ít diễn viên khắc tên mình với vai ác: Đào Anh Tuấn (gần đây nhất rất thành công với vai Ba Dẫu trong phim Vật chứng mong manh), NSƯT Kim Oanh nổi tiếng với những vai đanh đá, diễn viên - người mẫu Thân Thúy Hà “10 vai thì có tới 9 vai không tử tế”.

Điển hình cho việc “trưởng thành từ vai ác” còn có các diễn viên trẻ Lý Anh Tuấn, Lâm Minh Thắng, Quỳnh Thư… Khán giả bây giờ cũng không còn “quá khích” như thời ghét nhân vật Trần Sùng của diễn viên Lâm Tới trong bộ phim Vĩ tuyến 17 ngày đêm, ném đá vào màn ảnh nhưng diễn viên đóng vai ác bị khán giả ghét lây khi xuất hiện ngoài đời vẫn đầy.

Đã 10 năm kể từ khi đóng vai ác trong Vòng xoáy tình yêu (phim mở đầu giờ vàng phim Việt của HTV7), diễn viên Kim Xuân vẫn không quên được vai bà Kim “ác lộ” từng bị khán giả chửi suốt một thời gian dài. Họ phản đối cả khi chị được giao vai bà mẹ Việt Nam anh hùng cam chịu, hy sinh trong bộ phim Tiếng chuông trôi trên sông (đóng cùng với nghệ sĩ hài Thanh Nam). “Không thể tin được khi đi quay ở Bến Tre, tôi gặp làn sóng phản đối dữ dội của các bà mẹ tại địa phương. Họ nói tôi ác độc như vậy làm sao mà đại diện được cho hình ảnh mẹ Việt Nam anh hùng? Họ còn kéo nhau qua sông, đến trường quay để coi mặt tôi... ác như thế nào” - nghệ sĩ Kim Xuân nhớ lại.

Diễn viên Thân Thúy Hà cũng kể lại câu chuyện nhớ đời: Thời đóng phim Tình yêu còn lại, chị vào vai nhân vật Quyên phản diện. Khi phim phát sóng, chị bị ghét đến mức có lần đi ăn tối một mình, một nhóm phụ nữ “dòm ngó” chị rồi lên tiếng chì chiết: “Nhìn mặt là… muốn đánh vì đóng phim ác quá”. Diễn viên trẻ Lý Anh Tuấn cũng cho hay: “Có lần đi quay phim ở Bến Tre, nhiều người dân địa phương lớn tuổi nhận ra tôi trong vai Cao Đỉnh của phim Tóc rối đã chửi xiên chửi xéo, nói cái thằng này nhìn đã thấy ác, hèn chi nó đóng phim ác cùng ác tận”.

“Bị chửi là mừng đi, vì chứng tỏ vai đó thành công” - diễn viên Lý Anh Tuấn nói. “Xấu còn đóng vai ác!”, với nghệ sĩ đóng vai ác, mỗi khi bị khán giả mắng như thế là họ thấy hạnh phúc vì diễn xuất thành công, dù không chiếm được tình cảm của khán giả như vai chính diện. Cũng nhờ vai ác, nhiều diễn viên đã khẳng định tên tuổi trong lòng công chúng, ghi tên vào lịch sử điện ảnh.

Để đời với vai ác

Chấp nhận đóng vai ác là chọn lấy áp lực, thách thức và nhiều thiệt thòi nhưng nhiều diễn viên đã khẳng định tên tuổi, “để đời” với những vai phản diện. Phía sau những vai diễn thành công là đầy ắp trăn trở, nỗ lực và cũng không ít chuyện dở khóc dở cười mà người đóng vai ác nào cũng ít nhất một lần phải trải qua

Trước chửi, sau thương

Gần như gương mặt nào đóng vai ác cũng phải chấp nhận bị khán giả ghét hoặc bị “chửi thẳng vào mặt”. Tuy nhiên, nói như diễn viên Kim Xuân là “trước chửi sau thương”. Chị kể sau lần bị mấy người già chửi, chị đã được khán giả thương hết mực khi nhận ra “con mẹ Kim” trên màn ảnh ở ngoài đời hiền khô, lại còn “khắc khổ chịu đựng thấy thương” trong tạo hình mẹ Việt Nam anh hùng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tiểu Quyên (Người lao động)
Ngôi sao điện ảnh Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN