Vĩnh biệt tác giả "Gửi em chiếc nón bài thơ"

Sự kiện: Sao Việt

Nhạc sĩ Lê Việt Hòa, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, tác giả của: Gửi em chiếc nón bài thơ, Gửi sông La, Rừng Hà Tuyên quê em, Cô gái Na Hang, Nhớ xứ Đoài,... đã trút hơi thở cuối cùng lúc 15 giờ 57 phút ngày 31/3, hưởng thọ 79 tuổi.

Nhạc sĩ Lê Việt Hòa quê ở Phú Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội nhưng sinh ra và lớn lên ở quê ngoại là xã Tam Hiệp huyện Phúc Thọ (Hà Tây cũ). Ông là người con trai thứ ba của một gia đình dòng dõi truyền thống cách mạng có anh cả là bác sĩ quân y, anh thứ hai hy sinh trong kháng chiến.

Vĩnh biệt tác giả "Gửi em chiếc nón bài thơ" - 1

Nhạc sĩ Lê Việt Hòa

Lê Việt Hòa mồ côi mẹ từ nhỏ, mới 12 tuổi đã trở thành liên lạc viên của đội võ trang tuyên truyền tỉnh đội dân quân Sơn Tây từ năm 1947. Rồi ông được cử đi học trường thiếu sinh quân, gia nhập quân đội từ năm 14 tuổi, thuộc Sư đoàn 304, Quân khu Hữu ngạn. Mười năm liên tục phục vụ trong quân đội, khi làm liên lạc, khi làm quân báo… ông còn là một chiến sĩ văn nghệ xuất sắc.

Từ 1959  đến 1963 ông được chuyển sang học khoa nhạc cụ cổ truyền ở Trường âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện âm nhạc quốc gia VN). Tốt nghiệp khoa nhạc cụ, ông về công tác tại Đoàn ca nhạc Đài tiếng nói Việt nam, tham gia biểu diễn thu thanh và cùng Đoàn ca nhạc đi phục vụ quân dân ở nhiều vùng trọng điểm ác liệt trong chiến tranh chống Mỹ.

Trong những năm chiến tranh ác liệt đó, ông đã xây dựng gia đình với cô giáo Phan Thị Minh Hằng và sinh được người con gái đầu lòng, nay là NSƯT Việt Hương, một đạo diễn phim xuất sắc của Đài truyền hình Việt Nam. Đến năm 1969, ông lại tiếp tục học khoá đại học sáng tác âm nhạc 5 năm tại Nhạc viện. Từ năm 1974, sau khi tốt nghiệp đại học âm nhạc, nhạc sĩ Lê Việt Hòa trở về Đài Tiếng nói Việt Nam làm phóng viên, biên tập viên âm nhạc, đồng thời là một nhạc sĩ năng nổ.

Nhạc sĩ Lê Việt Hòa quê đất Hà Thành nhưng lại có một tuổi thơ gắn bó với quê ngoại Sơn Tây. Từ nhỏ, tâm hồn cậu bé Hòa đã thấm đẫm những câu thơ thật đẹp của Quang Dũng về một “Xứ Đoài mây trắng lắm!”, nơi có: “Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc. Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng”… Chính tình yêu quê hương và nghệ thuật ấy đã khiến người lính thiếu sinh quân Lê Việt Hòa đi vào con đường âm nhạc.

Nhưng phải đến năm 40 tuổi, nhạc sĩ Lê Việt Hòa mới thực sự nổi tiếng bằng bài hát Gửi em chiếc nón bài thơ. Bài hát được khơi nguồn từ bài thơ của Sơn Tùng, một nhà thơ xứ Nghệ. Gần bốn mươi năm trôi qua, bài hát vẫn còn mới nguyên cảm xúc dạt dào của những ngày đầu “Nước non liền một dải. Vẹn tròn như chiếc nón bài thơ”. Với bài hát Gửi em chiếc nón bài thơ, có thể nói, nhạc sĩ Lê Việt Hòa đã hóa thân vào từng câu chữ để sống tiếp đời sống của bài thơ bằng những giai điệu thật đẹp, thật nồng nàn mà chính nhà thơ cũng không hề ngờ tới.

Nghe bài hát Gửi em chiếc nón bài thơ do nhạc sĩ Lê Việt Hòa sáng tác

Nhờ những kiến thức học được trong nhà trường, Lê Việt Hòa có điều kiện nghiên cứu sâu những làn điệu âm nhạc dân gian của dân tộc. Và ông đã phát hiện ra tâm hồn mình luôn đam mê dòng nhạc truyền thống của cha ông, nhưng với một quan niệm riêng: “Muốn kế thừa âm nhạc truyền thống, người nhạc sĩ phải luôn sáng tạo từ những tinh túy của truyền thống, chứ không phải là cóp nhặt nguyên xi truyền thống”. Và ông đã chứng minh quan niệm đó qua nhiều tác phẩm âm nhạc của mình…

Quan niệm “sáng tạo âm nhạc từ tinh túy truyền thống” của Lê Việt Hòa đã truyền thổi vào tâm hồn người con gái lớn của anh, NSƯT Việt Hương. Từ nhỏ, Việt Hương đã thuộc những bài hát của bố. Cô nhận thấy rằng, âm nhạc của bố tuy rất gần với dân ca nhưng những giai điệu và tiết tấu của ông luôn mới lạ, bất ngờ và sang trọng, trên cái nền cấu trúc thì vô cùng linh hoạt. Chính vì thế mà nhiều bài hát của Lê Việt Hòa mỗi lần hát lên là mỗi lần thấy nó như vừa được viết ra. Đó là những bài hát luôn làm cho người nghe bất ngờ bởi cái duyên thầm trời cho của người nhạc sĩ.

Nghe bài hát Nhớ xứ Đoài

Từ ngày nghỉ hưu, nhạc sĩ Lê Việt Hòa như trẻ ra, ông hăng hái đi thực tế ở nhiều ngành, nhiều vùng miền đất nước để tìm cảm hứng sáng tác. Gặp ông ở đâu cũng thấy ở ông nụ cười thân thiện, gần gũi với mọi người. Ông quan niệm: “Muốn viết được bài hát cho mọi người thì người nhạc sĩ phải đằm mình vào thực tế đời sống mới có cảm xúc phong phú để sáng tác”.

Với quan niệm ấy, nhiều bài hát mới của ông đã ra đời, đặc biệt là với ngành Công an Nhân dân, ông đã để lại chùm ca khúc gồm 24 bài như: “Hành khúc người chiến sĩ cảnh sát” “Hát về anh”, “Đêm ấy nếu không có anh”… và nổi bật nhất là bài “Bình yên cho ngày thường” với những lời ca đầy cảm động: Con đường quen bình yên, đêm nào em cũng bước mềm trên cỏ. Đêm qua có một người đã ngã – một chiến sĩ cảnh sát tuổi còn xanh… Anh đã lặng lẽ hy sinh cho bình yên.

Nhiều tác phẩm của nhạc sĩ Lê Việt Hòa đã được các đoàn nghệ thuật biểu diễn, được phát trên sóng phát thanh, truyền hình, được in thành sách và được nhà xuất bản Âm Nhạc Việt Nam sản xuất băng, đĩa. Ông cũng đã viết nhiều nhạc cho phim, nhận nhiều giải thưởng âm nhạc, đặc biệt là giải thưởng xuất sắc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam dành cho bài hát Mùa xuân trên sông Tô. Ông cũng đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng nhất.

Nghe bài hát Gửi sông La

Dù phải rời cõi tạm để đi về cõi vĩnh hằng, nhạc sĩ Lê Việt Hòa vẫn còn mãi với chúng ta trong những giai điệu và lời ca ông để lại cho đời khi những bài hát của ông vẫn đi cùng năm tháng.

Tang lễ nhạc sĩ Lê Việt Hòa sẽ cử hành từ 14 giờ - 15giờ 30 phút ngày 3/4/2014 tại Nhà tang lễ Thành phố, số 125 Phùng Hưng, Hà Nội.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Trọng Tạo (Người lao động)
Sao Việt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN