Hoàng Bửu: Từ sao thành trùm sới bạc
Những ngày qua, thông tin về việc nghệ sĩ cải lương Hoàng Bửu bị bắt vì tội “Đánh bạc và tổ chức đánh bạc” đã khiến dư luận bị sốc.
Từng đứng trên nhiều sân khấu khắp miền Tây, gây dựng được chút ít tên tuổi trong giới, nhiều người không khỏi nuối tiếc, khi Hoàng Bửu (nghệ danh Bửu Đàn) tự chôn vùi thanh danh của mình. Đáng nói hơn, từ con đường trượt ngã trên chiếu bạc của danh ca này, người ta lại thấy hé lộ thêm nhiều điều buồn về cuộc sống của một bộ phận nghệ sỹ sau ánh đèn sân khấu.
Ngô Văn Bửu tại cơ quan công an. Ảnh: TG
“Nghệ sĩ” Hoàng Bửu là ai?
Khi thông tin về nghệ sĩ cải lương nổi tiếng Hoàng Bửu bị bắt cùng sới bạc của mình, nhiều người hâm mộ cải lương lại xôn xao với câu hỏi: “Hoàng Bửu là ai (?)”, “Nghệ sĩ nổi tiếng mà sao chẳng ai biết vở diễn nào của ông (?)”. Đại loại, tất cả đều đặt một dấu chấm hỏi to đùng: “Phải chăng, Hoàng Bửu là một nghệ sĩ hữu danh vô thực”. Để tạo nên cái nhìn khách quan trong dư luận, PV báo GĐ&XH Cuối tuần đã tìm gặp những nghệ sĩ cải lương và nhận được nhiều thông tin bất ngờ. Trò chuyện cùng PV, vợ nghệ sĩ Hoàng Ngọc Ẩn (Trưởng đoàn cải lương Thanh Nga) cho biết: “Thật ra, Hoàng Bửu không phải là nghệ sĩ cải lương nổi tiếng như nhiều người đồn đại và anh Bửu cũng chưa bao giờ tham gia vào sô diễn nào của các đoàn cải lương TP. HCM cả”.
Theo một số cánh chim đầu đàn trong giới cải lương tiết lộ, Hoàng Bửu xuất thân trong một gia đình nghèo ở Tiền Giang. Tuổi thơ của Bửu là những chuỗi ngày tháng vất vả lênh đênh sông nước. Tuổi đôi mươi, Bửu rong ruổi theo các đoàn cải lương nhỏ của huyện đi lưu diễn dọc Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau…. Vốn được trời phú sẵn chất giọng ngọt lịm của miền Tây nên dù chẳng qua trường lớp đào tạo nào, Bửu cứ thế lên sân khấu xướng ca cùng các đàn anh đàn chị. Và cũng chính vì lý do chẳng được đào tạo bài bản về âm nhạc, giọng ca của Bửu cũng xếp vào dạng “sớm nở tối tàn”. Những hình ảnh mờ nhạt và vai diễn của anh ta chỉ xếp vào dạng kép phụ của đoàn cải lương nên vì thế những khán giả yêu cải lương chẳng thể hình dung nổi cái tên Hoàng Bửu là ai.
“Trong nghiệp diễn, đã bước lên ánh đèn sân khấu, biểu diễn cho bà con xem, như vậy đã đủ gọi là nghệ sĩ rồi. Nghệ sĩ cũng có vô vàn thứ hạng, nghề nào cũng có sự đào thải nghiệt ngã của nó, nếu người nghệ sĩ không cố gắng rèn giũa giọng hát và cung cách biểu diễn thì suốt đời anh cũng chỉ là một nghệ sĩ vô danh mà thôi. Hoàng Bửu có sự chân chất rất đáng quý của người miền Tây nhưng tiếc thay, anh đã để sự nghiệp ca hát mình đi vào ngõ cụt khi chưa kịp ghi dấu ấn”, nghệ sĩ cải lương Ngọc Anh bộc bạch.
Ngao ngán thay “Tứ đổ tường”
Từ lâu, cờ bạc vốn đã được người đời liệt vào một trong “Tứ đổ tường”, mà trong giới cải lương đã không ít người vướng vào nó. Tài tử Bảy Bửu qua đời cuối thập niên 1960, nhưng ông còn để lại cho đời bài vọng cổ “Tứ đổ tường” với một câu bất hủ: “Trên đời có ai tránh khỏi tứ đổ tường, không lâm vào nghiệp này thì cũng máng vào nghiệp khác...”. Trong cái “Tường bốn vách” ấy, ngao ngán thay khi Hoàng Bửu đã tự đóng cho mình hai bức vách nặng trĩu.
Căn nhà nơi cảnh sát bất ngờ ập vào bắt quả tang Bửu cùng 15 con bạc đang sát phạt nhau. Ảnh: Minh Tuấn
Sự nghiệp Hoàng Bửu vốn đã lênh đênh thì đường tình duyên càng lận đận, bấp bênh. Năm 1991, rời miền Tây, chàng trai trẻ vào Sài Gòn lập nghiệp với quyết tâm thành danh trên xứ người. Nhưng khốn khổ thay, Sài Gòn đèn hoa tráng lệ đã nhanh chóng níu chân Bửu vào những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng. Mang danh nghệ sĩ, người đời lại gán thêm 2 chữ “đào hoa”, tất cả đã làm mắt Bửu lóa đi. Rồi dần dà, ước mơ theo đuổi hình ảnh một nghệ sĩ nổi tiếng đã phai dần theo năm tháng. Nghệ sĩ Sài Gòn biết đến Bửu cũng nhiều nhưng chẳng phải vì tài hát ca. Mỗi khi nhắc đến Bửu, người ta lại nghĩ ngay đến những cụm từ hoành tráng như “Bửu đào hoa”, “Bửu sát gái”. Biết bao cô gái xinh đẹp đã đi qua đời Bửu nhưng cái giá anh phải trả cho những cuộc tình chớp nhoáng của mình là những khoản tiền bo kếch xù.
Nếu cuộc sống của Bửu chỉ toàn những nơi ăn chơi xa hoa thì ngược lại, người vợ hiền lành, phải tần tảo kiếm từng đồng bạc lẻ để mua sữa cho con. Thời gian trôi qua, đau đớn khi Bửu chẳng quan tâm đến con, cũng chẳng mặn mà trở lại bên vợ, người phụ nữ tội nghiệp đành quyết định xây dựng mái ấm mới cho mình và mang cả con về sống. Như một chiếc xe lao dốc không phanh, cuộc đời Bửu trượt dài từ sau bước ngoặt đó. Nhiều người vẫn bảo rằng, người nghệ sĩ cải lương sở dĩ “duyên nợ” với bài bạc cũng là do sự nhàn rỗi, “nhàn cư vi bất thiện” mà thành. Ngẫm ra, đời nghệ sĩ theo các đoàn lưu diễn nay đây mai đó, ngoài giờ hát ban đêm thì ban ngày, ngoài việc ngủ, quả thật rất nhàn rỗi, vì nhàn nên lắm người bày trò mua vui, tìm vận may bên những con bài đỏ đen rồi lâu dần tự ngã quỵ, chôn vùi mình trong bốn bức tường là lẽ dĩ nhiên.
Nhưng Hoàng Bửu nghiệt ngã hơn, ngót ngét hai chục năm đặt chân trên đất Sài thành, giọng hát của anh chưa một lần được ca trên sân khấu. Có chăng, chúng chỉ luẩn quẩn trong các cuộc vui hát hò thâu đêm cùng dàn “em út” liên tục tán thưởng giọng ca vàng nhưng nhìn chăm chăm vào túi tiền của anh. Không nghề chẳng nghiệp, Bửu tìm niềm vui bên những canh bạc và cũng từ đây, anh ta tự kiếm cho mình một công việc mới “ông trùm sòng bài”.
Ông Sáu Tài (57 tuổi) kể về người hàng xóm mình. Ảnh: Minh Tuấn
Nghề hát có bạn diễn, chơi bài dĩ nhiên cũng phải có chiến hữu “tâm giao”. Vì lẽ đó, bạn cùng chiếu bạc của Bửu phần đông đều là những “nghệ sĩ” không thích hát chỉ thích sát…phạt. Vốn chẳng có nhà và để qua mắt các ngành chức năng, Bửu thay đổi chỗ ở liên tục, nay đây mai đó cùng với sòng bài di động của mình. Ngày Bửu bị bắt vì tội “đánh bạc và tổ chức đánh bạc” tại nhà trọ, những người dân trong con hẻm nhỏ nơi Bửu sống đều tỏ ra rất bất ngờ. Ông Sáu Tài (57 tuổi, hàng xóm) cho biết: “Anh ấy chỉ mới chuyển đến đây thuê nhà ở khoảng 2 tháng thôi, người trông khá điển trai. Thỉnh thoảng Bửu cũng ra quán nước ngồi hát hò cho hàng xóm nghe nhưng là người khá kín tiếng, bạn bè tới nhà chơi đông lắm nhưng cửa nẻo lúc nào cũng đóng im ỉm. Mọi người thấy vậy thì nghĩ chắc do nghệ sĩ nên cách sống lặng lẽ vậy, ai ngờ… Ngày công an vào bắt, chúng tôi mới biết được sự thật. Đúng là đời này thượng vàng hạ cám lẫn lộn thật, nghề cải lương chẳng còn đất để diễn nữa rồi”.
Khi giới trẻ ngày một quay lưng với nghệ thuật này thì như một quy luật tất yếu, ánh đèn sân khấu hàng đêm sẽ bớt sáng, nghiệp diễn cũng vì thế mà đứt gánh. Bỏ thì thương, vương thì tội, nhiều nghệ sĩ gạo cội đã đi qua gần cả đời người nay vắng bóng khán giả cũng chẳng biết đi về đâu, đành mua vui bên những ván bài để tiêu sầu. Cứ thế, đời người nghệ sĩ dần đi vào ngõ cụt. Nhưng khi trót sa chân vào bài bạc, họ cũng đâu biết rằng, khán giả lại càng buồn hơn khi cứ liên tục nghe tin những nghệ sĩ một thời gắn bó trong đời sống tinh thần mình, nay cứ lũ lượt dắt tay nhau vào đồn công an...
Nhiều lần bị bắt giữ vì tội đánh bạc
Trưa 27/9, cảnh sát bất ngờ ập vào căn nhà 480 trên đường Ba Tháng Hai (phường 14, quận 10), bắt quả tang nhiều người đang sát phạt dưới hình thức binh xập xám ăn tiền. Gần 90 triệu đồng, 500 USD, hàng chục điện thoại, xe máy, nhiều dụng cụ hút ma túy đá… bị thu giữ. Sòng bạc được ông Ngô Văn Bửu (40 tuổi, nghệ sĩ cải lương Hoàng Bửu - Bửu Đàn) tổ chức cho các con bạc binh xập xám ăn chi, mỗi ván lên đến vài triệu đồng để thu xâu. Đến ngày 29/9, Công an quận 10 (TP HCM) tạm giữ Ngô Văn Bửu và 15 nghi can khác để điều tra về hành vi “Đánh bạc và tổ chức đánh bạc”. Trước khi bị bắt lần này, nghệ sĩ cải lương Hoàng Bửu từng có nhiều tiền án, tiền sự. Năm 2003, ông Bửu từng bị Công an quận 3 bắt vì tổ chức sòng bạc ở Cư Xá Đô Thành. Giữa năm 2008, một lần nữa, ông này bị Công an TP. HCM phát hiện tổ chức sới bạc lớn ở Chung cư Ngô Quyền (Quận 5). Những tay chơi lần đó đều là những đồng nghiệp mê “đỏ đen” của nam nghệ sĩ.