Phạm Băng Băng hóa "xác ướp thạch cao"

Clip hậu trường Võ Tắc Thiên khiến khán giả sửng sốt và thông cảm với Phạm Băng Băng.

Nhìn ngắm bên ngoài, khán giả chỉ thấy diễn viên phim cổ trang xúng xính áo quần trên cung điện, lầu hồng gác tía. Thế nhưng ai hay phía sau hậu trường, họ phải âm thầm chịu đựng vô vàn khổ cực. Loạt bài Nỗi thống khổ của sao Hoa ngữ khi đóng phim cổ trang sẽ đưa người xem đến gần khâu sản xuất của 1 thể loại công phu, tốn kém, đồng thời cảm thông với sự hy sinh và những vất vả của nghề diễn viên.

Mới đây, nữ diễn viên Phạm Băng Băng đã tung ra đoạn video ngắn về cảnh hóa trang của cô trong thời gian tham gia bộ phim mới Võ Tắc Thiên. Trong clip, người hâm mộ có thể thấy quá trình Phạm Băng Băng bị băng bó phần đầu bằng thạch cao trông không khác một xác ướp sống. Đặc biệt, sau khi được chuyên gia hóa trang gỡ lớp khuôn thạch cao, nữ diễn viên họ Phạm đã reo lên vì vui sướng: "Sống lại rồi!".

Chỉ với đoạn clip ngắn có thời lượng 8 giây, người xem có thể chứng kiến một phần nhỏ trong công việc của diễn viên và các chuyên gia hóa trang phim cổ trang cực khổ và vất vả đến mức nào. Nhiều người hâm mộ cũng bày tỏ sự khâm phục tới sức chịu đựng của nữ diễn viên Phạm Băng Băng.

Phạm Băng Băng hóa "xác ướp thạch cao" - 1

Phạm Băng Băng trước và sau khi hóa thành "xác ướp thạch cao".

Clip Phạm Băng Băng và quá trình lấy khuôn thạch cao vùng đầu.

Để thể hiện một vai diễn từ cô thiếu nữ đến khi trở thành một bà lã 60 - 70 tuổi như nhân vật Võ Tắc Thiên, ngoài kỹ năng diễn xuất của Phạm Băng Băng, trình độ của chuyên viên hóa trang cũng rất quan trọng. Ở đây, kỹ thuật của một chuyên viên hóa trang không chỉ đơn giản là một người biết vẽ phấn tô son, kẻ lông mày đơn thuần. Họ cần phải biết đủ 7 bước vô cùng phức tạp trong hóa trang nhân vật như cách lấy khuôn, tạo mặt nạ, đúc tượng, bôi màu, tẩy trang da, xoa bóp massage da...

Clip mà Phạm Băng Băng giới thiệu chính là bước tạo lấy khuôn mặt nạ để chuẩn bị cho khâu tạc tượng. Trong đó, cần tới hai loại thạch cao để đắp lên vùng mặt của nữ diễn viên. Lớp trong cùng gần da mặt nhất là vật liệu lấy dấu hay thay thế alginate, lớp ngoài cùng là những dải băng thạch cao để quấn quanh cũng như cố định lớp bên trong.

Để bảo vệ phần đầu, chuyên viên hóa trang còn quấn thêm hai lớp mũ trùm đầu cho Phạm Băng Băng. Công đoạn từ lúc đắp thạch cao cho đến khi gỡ ra để lấy khuôn mất 1 giờ đồng  hồ với sự giúp sức của 4 chuyên gia hóa trang. Ngoài ra, để chuẩn bị cho diễn viên cảm thấy thoải mái nhất, một khâu khác cũng vô cùng quan trọng là chuẩn bị một chiếc ghế dựa chắc chắn và dễ chịu nhất cho diễn viên ngồi.

Phạm Băng Băng hóa "xác ướp thạch cao" - 2

Tạo  hình Võ Tắc Thiên của Phạm Băng Băng.

Bên cạnh đó, một điều kiện tiên quyết đối với người diễn viên khi  hóa trang là sự kiên nhẫn cũng như tâm lý vững vàng, mạnh mẽ. Có như vậy mới giúp hoàn thiện khâu đắp thạch cao lấy mẫu một cách thuận lợi: "Trong quá trình lấy khuôn, chúng tôi sẽ bọc kín vùng đầu diễn viên. Lúc này bạn sẽ có cảm giác như lặn sâu 10m dưới dáy biển", chuyên gia hóa trang Tiêu Tiến của đoàn phim Võ Tắc Thiên tâm sự. Anh còn tiết lộ, trong đoàn phim còn có nam diễn viên Triệu Hựu Đình mắc chứng "sợ bị bỏ rơi, cô đơn" nên đã không thể chịu được khâu hóa trang như trên.

Đặc biệt, quá trình gỡ thạch cao để lấy khuôn hoàn chỉnh cũng là một khâu vô cùng đáng sợ, đòi hỏi sự chuyên nghiệp cũng như trình độ của chuyên viên  hóa trang. Hoa đán Củng Lợi từng khóc dở mếu dở khi phải gọt sạch lông mày trong một ca lấy khuôn vùng đầu. Đó là lần chuyên gia hóa trang còn non tay, khi lấy khuôn đã sơ suất để dính chặt phần lông mày của diễn viên với lớp alginate bên trong. Sau khi đã thành hình, gỡ lớp khuôn ra đã phải cạo bỏ hẳn phần lông mày.

Khốn khổ vì bệnh rụng tóc và đau xương cổ

Khi nhắc đến đóng phim cổ trang, đa phần các diễn viên đều kinh hãi với việc phải hóa đội lớp da đầu giả. Có thể nhắc đến trường hợp nam tài tử Tiêu Ân Tuấn, anh từng phải tiếp xúc và mang lớp da đầu giả trong một thời gian dài trong quá trình đóng phim.

Lớp da đầu này bí và không thông khí khiến Tiêu Ân Tuấn từ một người tốt tóc là vậy, đến chỗ từng mảng tóc cứ rụng dần, vùng tóc ở gáy rụng nhiều nhất. Sự việc ngày càng nghiêm trọng khi anh có  nguy cơ bị trọc đầu bởi tóc sắp rụng hết. Để giữ lại phần tóc còn lại, Tiêu Ân Tuấn đã vội vàng đến tìm gặp bác sĩ Đông y để được châm cứu và chịu biết bao khổ cực, đau đớn.

Phạm Băng Băng hóa "xác ướp thạch cao" - 3

Tiêu Ân Tuấn khốn khổ vì chứng rụng tóc do mang lớp da đầu giả trong thời gian dài.

Một nhân viên lâu năm trong tổ hóa trang cho các đoàn phim tiết lộ, các nữ diễn viên tham gia đóng phim cổ trang còn phải chịu khổ cực và vất vả hơn gấp nhiều lần sơ với nam giới. Để phù hợp với yêu cầu vai diễn, sao nữ thường phải mang khá nhiều đồ trang sức, nhiều khi lên đến gần 10kg, khiến nhiều người mắc phải chứng đau xương cổ. Và để chữa trị cũng như giúp xương cổ không bị ảnh hưởng về lâu dài, các nữ diễn viên đã phải mang băng đỡ cổ trong một thời gian dài mỗi khi kết thúc cảnh quay.

Bên cạnh đó một yếu tố khác không kém phần phiền phức và là nỗi kinh hoàng của các diễn viên phim cổ trang, đó là sự ngứa ngáy, khó chịu. Đặc biệt vào thời gian mùa hè, mồ hôi ra nhiều khiến da đầu ngứa ngáy khó chịu vô cùng. Một số diễn viên có cách "chữa cháy" hiệu quả và nhanh gọn để khắc phục trường hợp này như nữ diễn viên Lý Tiểu Nhiễm từng chia sẻ: "Chuyên gia hóa trang trong đoàn luôn có những chiếc lượt đuôi nhọn, mỗi khi thấy ngứa ngáy tôi đều dùng đuôi lược ngoáy ngoáy vào bên trong cho bớt khó chịu".

Mời đọc giả đón xem kỳ 2: Nỗi kinh hoàng vì trang phục cổ trang và chuyện vệ sinh vào 0h sáng ngày thứ 4 (8/1/2014) tại mục PHIM!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Long Hy ([Tên nguồn])
Hậu trường những ngôi sao Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN