“Khán giả được xem chùa lại còn chửi!"

Đạo diễn Trần Bình Trọng chia sẻ rằng anh rất buồn vì bị la ó về chuyện quảng cáo tràn lan trên phim. Nhưng một phần nguyên nhân của hiện tượng này là do khán giả không chịu chia sẻ khó khăn với nhà sản xuất.

Anh có theo dõi đánh giá của dư luận về 2 bộ phim Đại gia chân đất và Làng ế vợ không?

Tôi có theo dõi. Thật ra, tôi rất tâm đắc phim "Đại gia chân đất" và cũng đầu tư rất công phu, nhưng kết quả lại không được thành công bằng "Làng ế vợ". Tôi quan niệm 70% dân số Việt Nam là nông dân, tôi làm phim chủ yếu phục phụ số đông này. Tôi biết có 1 số luồng ý kiến cho rằng phim của tôi hơi nhảm, nhiều cái không được…thuần phong mỹ tục. Tôi làm giải trí, tôi muốn kể 1 câu chuyện vui cho khán giả, và tôi thấy khán giả thích phim của tôi, thế là được.

Tại sao năm nay Đại gia chân đất được tâm huyết, được đầu tư nhiều thế mà lại không gây được sự chú ý bằng Đại gia chân đất năm ngoái?

Năm ngoái, khi làm "Đại gia chân đất", thật sự tôi không thấy hay, nhưng khán giả lại bảo hay.  Vấn đề có lẽ là do kịch bản. Thêm nữa, năm ngoái ai cũng đánh giá là "Đại gia chân đất" hay, nên năm nay rất khó để làm cho hay. Trước khi bấm máy, tôi có nói với cả ê-kip rằng năm ngoái phim được đánh giá rất cao, nên năm nay phải cố để làm cho tốt. Và cả diễn viên lẫn đạo diễn đã cố gắng làm hết sức mình rồi.

“Khán giả được xem chùa lại còn chửi!" - 1

“Khán giả được xem chùa lại còn chửi!" - 2

Đạo diễn Trần Bình Trọng tham gia diễn xuất và chỉ đạo sản xuất một số phim hài Tết 2014, nổi bật là phiên bản mới của "Đại gia chân đất" (ảnh dưới)

Anh có nghĩ rằng kịch bản Đại gia chân đất quá đơn giản, và cũng không rõ ràng về chuyện khen – chê, châm biếm hay đả kích?

Về chuyện châm biếm đả kích, thật ra năm vừa rồi có quá nhiều chất liệu để mà nói. Nhưng báo chí đưa tin quá nhiều, khán giả cũng đã “no” về những chuyện Bà Tưng, những ngôi sao, những cặp đôi hay Cát Tường… Nhưng tôi chỉ muốn xây dựng 2 nhân vật hồn nhiên, không cần đào sâu vào những chuyện đó nữa. Tôi không thích những câu chuyện nặng nề, tôi chỉ muốn xây dựng 1 câu chuyện giải trí đơn giản thế thôi!

Người ta nói phim của anh câu khách bằng những hot girl, bằng chân dài. Năm ngoái là Andrea, năm nay là Mai Thỏ?

Thật ra, câu chuyện của tôi chỉ xoay quanh 2 nhân vật là ông Tích và ông Sự. Còn những nhân vật khác chỉ là phụ thôi. Ban đầu tôi chẳng biết Mai Thỏ  hay Andrea là ai. Trợ lý của tôi tìm diễn viên, và tôi thấy phù hợp thì tôi nhận. Thật ra, Mai Thỏ không phải là 1 nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng quá lớn, và thật ra, chỉ lứa tuổi teen hoặc những người hay xem báo mạng người ta biết thôi. Còn phim của tôi chủ yếu phục vụ người nông dân, những người ở nông thôn, và người ta cũng chẳng biết Mai Thỏ là ai cả, thế thì sao gọi là câu khách được?

Khi xem phim của anh, người ta có một chút khó chịu vì…

Quảng cáo! Đúng chưa, chưa cần bạn đặt câu hỏi tôi đã biết rồi! Việc này có 2 vấn đề. Thứ 1, khi tôi vừa mở kho đĩa ban sáng, thì đến tối phim đã tràn lan trên internet rồi. Như vậy, việc bán đĩa lấy lợi nhuận coi như thất bại.

Thứ 2, khi đầu tư phim chúng tôi phải đầu tư tiền tỷ. Mà đĩa xịn thì rất kén khán giả, đĩa tồi nhất là 20.000 đồng, đĩa xịn tầm 50-60.000 đồng. Mà khán giả Việt Nam, họ cũng đâu có ủng hộ nhà sản xuất đâu. Họ thích, họ quen xem chùa trên internet hoặc xem đĩa lậu thôi.

Một thói rất xấu của người Việt là không có tính chia sẻ, chỉ biết kêu! Tôi bỏ cả đống tiền để làm phim, có khi cả cuộc đời mới có được số tiền đó, không lẽ đem phim đi cho mọi người xem miễn phí?

“Khán giả được xem chùa lại còn chửi!" - 3

Đạo diễn Trần Bình Trọng cho rằng khán giả không chịu chia sẻ khó khăn với nhà sản xuất trong việc quảng cáo trên phim

Nhưng khán giả mới là đối tượng phục vụ chính? Vì “chống lỗ” mà anh phớt lờ phản ứng của dư luận?

Tôi cũng rất buồn khi cứ bị mọi người la ó rằng “quảng cáo nhiều quá!” Nhưng biết làm thế nào! Không lẽ tôi bán nhà đi làm phim cho mọi người xem chùa?

Mà tôi nói thật, bán quảng cáo cũng đâu có được nhiều tiền như mọi người vẫn nghĩ. Doanh nghiệp người ta cũng khó khăn, đơn vị nào nhiều thì được 100 triệu, ít thì dăm chục. Đấy là tôi còn chưa kể rằng có 1 số doanh nghiệp còn bùng tiền quảng cáo của chúng tôi.

Làm gì cũng cần có lợi nhuận thì mới tái sản xuất được. Tôi chỉ có tố chất của 1 người làm nghệ thuật, làm giải trí, chứ không phải 1 đại gia. Tôi cũng cần thu được lợi nhuận để nuôi gia đình, để tái sản xuất chứ!

Làm nghệ sĩ giống như làm dâu trăm họ, khó lắm! Nhiều lúc tôi thấy tủi thân lắm! Nếu muốn 1 đĩa phim không quảng cáo, thì bà con mua đĩa đi, để cho tôi được 2000 đồng/đĩa. Vậy 1 phim tôi sẽ có 10-20 tỷ, tôi sẽ giàu, tôi sẽ có tiền để tái đầu tư, để làm phim hay hơn nữa và không bao giờ có 1 tí quảng cáo nào luôn!Nhưng đâu có ai chịu bỏ tiền ra mua đĩa như thế! Mọi người đã được xem chùa lại còn được chửi nữa! Mệt mỏi lắm!

Việc quảng cáo tràn lan có phải là vi phạm luật?

Tôi cũng có nghiên cứu về quy định quảng cáo rồi. Trên phim của tôi không bao giờ có những quảng cáo về thuốc lá hay rượu mạnh, nghĩa là những gì không được phép quảng cáo thì tôi cũng không đưa lên. Còn việc thời lượng quảng cáo thì tôi chưa thấy có văn bản nào quy định cả. Mà thời lượng quảng cáo của phim tôi đâu có nhiều? Tối đa là 9 phút, mà hình như chưa bao giờ tôi sử dụng hết 9 phút đó cả!

Trailer phim hài Tết "Làng ế vợ" - một tác phẩm nhận được nhiều phản hồi trái chiều từ khán giả:

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyên Nguyên ([Tên nguồn])
Phim hài Tết 2018 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN